Cần ưu tiên vốn cho các công trình nhà ở xã hội

M.Loan-H.Vũ 04/11/2022 06:00

Ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đăng đàn trả lời chất vấn. Thực trạng và giải pháp đối với quy hoạch và phát triển đô thị; di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội và quản lý thị trường bất động sản, là những vấn đề được các Đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn, truy trách nhiệm và yêu cầu Bộ trưởng làm rõ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn.

Di dời trụ sở chậm do các cơ quan chưa quyết liệt

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) chất vấn: “Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tiến độ di dời các trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội trong thời gian qua. Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ di dời trong thời gian tới?”.

Cùng chung quan điểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) nói sau khi di dời các cơ quan, doanh nghiệp ra khỏi khu vực thành thị thì lại có trường hợp sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng chưa tuân theo quy định, định hướng chung. Như vậy không đạt được mục đích giảm gia tăng áp lực về dân số và quá tải hạ tầng tại khu vực nội thành. “Đề nghị bộ trưởng cho biết quan điểm, giải pháp về vấn đề này?” - ông Cường nêu vấn đề.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, việc triển khai di dời này còn chậm. Trong đó nguyên nhân do các cơ quan chưa thực sự quyết liệt, chậm xây dựng đề án di dời, bao gồm danh mục, chi tiêu, lộ trình, biện pháp di dời. “Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chung về giám sát, đôn đốc. Công tác này chưa thực sự hiệu quả trong thời gian qua”- ông Nghị nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết thời gian tới các bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch ngành, quốc gia, quy hoạch có tính chất chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện; cũng như xây dựng cơ chế chính sách thực hiện di dời theo đúng lộ trình Thủ tướng Chính phủ giao.

Ông Nghị cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần khẩn trương hoàn thiện các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô trình Thủ tướng phê duyệt, lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời cũng như sử dụng quỹ đất sau di dời.

“Đề nghị Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, TP Hà Nội và các tỉnh xây dựng cơ chế chính sách di dời, đảm bảo mục tiêu theo Quyết định 130”- ông Nghị nói và cũng đề nghị TP Hà Nội khẩn trương triển khai rà soát, lập nhiệm vụ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được Thủ tướng chấp nhận, lập quy hoạch phân khu đô thị, xác định quỹ đất phù hợp, hiệu quả về kiến trúc cảnh quan, đô thị.

Đaị biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) chất vấn.

Dòng tiền chủ yếu chảy vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), thị trường tài chính, thị trường bất động sản (BĐS) và tăng trưởng kinh tế giống như “3 chân kiềng” có mối quan hệ biện chứng với nhau. “Với tư cách là cơ quan chức năng quản lý thị trường BĐS, Bộ trưởng cho biết dự báo về xu thế phát triển thị trường BĐS ở Việt Nam trong thời gian tới như thế nào? Bộ trưởng dự kiến có những giải pháp như thế nào để khắc phục những tồn tại, khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới?”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cũng phản ánh, hiện nay thị trường BĐS chưa được kiểm soát tốt khi mà dòng tiền chủ yếu chảy vào phân khúc BĐS dành cho người giàu, người nghèo thì chưa được quan tâm đúng mức. “Vậy giải pháp của bộ trưởng trong thời gian tới như thế nào?”.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường BĐS hiện nay còn một số hạn chế như: pháp luật liên quan đến đất đai, quy hoạch xây dựng, kinh doanh BĐS còn nhiều hạn chế, cần sửa đổi; việc đầu tư xây dựng công trình nhà ở tại các địa phương gặp khó khăn khiến nguồn cung nhà ở sụt giảm; các công trình xây dựng chậm tiến độ, nhất là các công trình nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, ông Nghị thông tin, giá BĐS cũng cao hơn so với thu nhập của đại đa số người dân và việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào BĐS chưa chặt chẽ, tình trạng đầu cơ, găm hàng bất động sản vẫn còn.

Đưa ra dự báo trong thời gian tới, thị trường BĐS vẫn tiếp tục gặp khó khăn, nguồn cung vẫn hạn chế, trong khi nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân rất cao, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục, ông Nghị cho rằng, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở, tạo điều kiện cho vay theo đúng quy định pháp luật đối với các chủ đầu tư làm ăn chân chính.

“Cần ưu tiên vốn, tín dụng cho các chủ đầu tư xây dựng các công trình nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực, thực hiện đúng quy định pháp luật về huy động vốn, trái phiếu. Từ đó tạo nguồn cung BĐS cho thị trường”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã trả lời rất thẳng thắn

Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, cá nhân tôi thấy Bộ trưởng trả lời rất thẳng thắn, không vòng vo và đã nêu rõ vấn đề gì thuộc thẩm quyền trách nhiệm của mình, vấn đề gì thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các bộ ngành liên quan. Bộ trưởng cũng đã nêu ra những giải pháp và định hướng cụ thể trong thời gian tới. Tôi hy vọng những chất vấn của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ có chuyển biến trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần ưu tiên vốn cho các công trình nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO