Canada, Malaysia lại căng thẳng vì rác thải nhựa

Linh Chi 15/06/2019 07:37

Chính quyền Canada không có kế hoạch tiếp nhận trở lại lượng rác thải xuất xứ từ nước này và hiện đang lưu ở Malaysia – Bộ Môi trường nước này trong hôm 14/6 tuyên bố.

Canada, Malaysia lại căng thẳng vì rác thải nhựa

Malaysia tuyên bố sẽ gửi trả lại rác thải nhựa đến nhiều nước phát triển trên thế giới (Nguồn: AP).

Không tiếp nhận

Vào hồi cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ Malaysia cho hay họ sẽ gửi trả khoảng 3.000 tấn rác thải nhựa trở về 14 quốc gia, trong đó có Canada, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Australia và Anh. Tuy nhiên, hôm thứ Sáu vừa qua, trong một tuyên bố mới, phát ngôn viên Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Gabrielle Lamontagne nói rằng: “Chính phủ Canada không có kế hoạch tiếp nhận lại rác thải ở Malaysia”.

Ông Gabrielle thêm rằng Canada không hề nhận được thông tin về bất cứ lượng rác thải nào từ Canada chuyển tới Malaysia, khẳng định rằng Bộ Môi trường Canada đã liên hệ với Chính phủ Malaysia để có thêm thông tin chi tiết. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu rác thải nhựa ở Malaysia thuộc trách nhiệm xử lý của Canada.

Malaysia đã trở thành bãi thải rác thải nhựa của thế giới sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu chất thải như vậy, tạo ra cơn lũ hàng triệu tấn phế liệu nhựa mỗi năm tràn về các nước lân cận. Tại Malaysia, hàng chục nhà máy rác thải bị xử lý, trong đó nhiều cơ sở không có giấy phép hoạt động, trong khi người dân liên tục khiếu nại về việc môi trường bị phá hoại.

Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin cho biết Kuala Lumpur đã trả lại 5 container rác thải nhựa nhập lậu cho Tây Ban Nha và đang điều tra những kẻ nhập lậu số rác này. Thêm nhiều rác thải sẽ được gửi trả lại nguồn xuất vào tuần sau. “Các nước phát triển phải chịu trách nhiệm với những thứ họ đã xả ra” - Bộ trưởng Yeo Bee Yin nói.

Hầu hết rác thải nhựa nhập vào nước này bị nhiễm bẩn và nhựa chất lượng thấp từ các nước phát triển đều không thể tái chế. Theo bà Yeo, một số rác nhập vào nước này đã vi phạm Công ước Basel của LHQ.

Rác thải nhựa nhập vào Malaysia từ 10 quốc gia nguồn lớn nhất đã tăng vọt lên 456.000 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2018, so với 316.600 tấn trong cả năm 2017 và 168.500 tấn trong năm 2016.

Mỹ, Anh, Nhật Bản và Australia là một trong những nhà xuất khẩu rác nhựa hàng đầu sang Malaysia. Nhựa không thể tái chế bị đốt sẽ giải phóng các hóa chất độc hại vào khí quyển. Nếu bị chôn ở bãi rác, nó có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước và đất.

Thống kê của tổ chức Hòa bình xanh cho thấy từ tháng 6/2018, Malaysia đã nhập khẩu đến 754.000 tấn rác thải nhựa. Các nhà máy tái chế trái phép liên tiếp mọc lên với những cách tái chế không đủ tiêu chuẩn gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng, buộc chính quyền nước này phải vào cuộc.

Căng thẳng ngoại giao vì rác thải

Rác thải nước ngoài trong vài tháng gần đây đã trở thành nguyên nhân chính gây căng thẳng ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á. Philippines trong tháng 5 vừa qua từng chỉ trích chính quyền Canada vì không chịu tiếp nhận lại lượng rác thải nhựa độc hại mà họ chuyển tới Philippines.

Philippines hôm 20/5 còn ra bản ghi nhớ chỉ đạo tất cả Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tập đoàn nhà nước và tổ chức tài chính của Chính phủ không phê duyệt các chuyến đi chính thức của quan chức đến Canada. Bản ghi nhớ cũng chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan chính phủ Philippines giảm tương tác với đại diện của Chính phủ Canada.

“Những chỉ thị này phù hợp với lập trường của Philippines về mối quan hệ ngoại giao đang suy yếu với Canada, bắt đầu từ việc triệu hồi Đại sứ và Tổng lãnh sự tại Canada, trong bối cảnh Ottawa không nhận lại các container rác được chuyển đến Philippines bất hợp pháp” – Phát ngôn viên Tổng thống Philippines Salvador Panelo nhấn mạnh.

Trong khoảng các năm 2013 - 2014, 103 container rác được đưa đến Philippines dưới dạng phế liệu tái chế. Tuy nhiên, Cục Hải quan Philippines xác định rằng trong đó có rác sinh hoạt, chai nhựa, túi xách, báo và tã người lớn đã qua sử dụng. 69 container vẫn được giữ ở cảng của Philippines, số còn lại đã được đem đi chôn.

Manila cho Ottawa hạn chót là ngày 15/5 để lấy lại rác nhưng Ottawa không thực hiện. Philippines triệu hồi các quan chức ngoại giao ở Canada. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau đó dọa mang rác đến đổ ở vùng lãnh hải của Canada. Canada hôm 21/5 cho biết họ đã ký hợp đồng trị giá 1,14 triệu USD với Công ty vận tải Pháp Bollare Logistics để vận chuyển về nước 69 container rác vào cuối tháng 6.

Hồi đầu tuần này, Canada đã tuyên bố các kế hoạch cấm sử dụng các đồ vật nhựa dùng một lần như ống hút, túi nhựa bắt đầu từ năm 2021 nhằm giảm lượng rác thải không thể tái chế và bảo vệ các đại dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Canada, Malaysia lại căng thẳng vì rác thải nhựa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO