Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Hai bên cùng gây sức ép

Khánh Duy 25/08/2015 00:54

Tổng thống Hàn Quốc đã đưa ra những tuyên bố đầy cứng rắn trong đó yêu cầu phía CHDCND Triều Tiên đưa ra lời xin lỗi rõ ràng cho các hành động khiêu khích gần đây, trong bối cảnh hai bên vẫn không thể đạt được một bước đột phá trong các vòng đàm phán nhằm giảm thang căng thẳng.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Hai bên cùng gây sức ép

Giới phân tích cho rằng các vòng đàm phán
khó có thể đạt thỏa thuận khi các bên gây áp lực cho nhau.
(Nguồn: NPR).

Trong lúc các vòng đàm phán giữa các quan chức cấp cao đến từ hai miền Triều Tiên tại làng Panmunjom đã đi đến ngày thứ ba mà không đạt thỏa thuận, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 24/8 đã khẳng định rằng Bình Nhưỡng cần phải có cử chỉ chân thành đối với vụ nổ mìn hồi đầu tháng khiến hai binh sỹ của họ bị thương.

Triều Tiên “nên có lời xin lỗi rõ ràng…và đảm bảo rằng sẽ không có thêm hành động khiêu khích nào nữa”- bà Park nói trong một buổi truyền hình trực tiếp. Bà cũng nói thêm rằng, nếu Bình Nhưỡng không làm như vậy, Seoul sẽ tiếp tục chiến dịch tuyên truyền bằng các dàn phóng thanh cỡ lớn đặt ở khu vực phi quân sự (DMZ) chia cách hai miền. Được biết chiến dịch tuyên truyền này đã khiến Bình Nhưỡng rất tức giận, đến nỗi đe dọa sẽ có hành động quân sự đáp trả.

Tờ Yonhap của Hàn Quốc trong cùng ngày cũng đưa tin Triều Tiên đã triển khai 10 tàu đổ bộ lưỡng cư cỡ lớn được thiết kế đặc biệt để đổ bộ vào bờ biển của Hàn Quốc. Tờ báo này dẫn nguồn quân sự cho hay, các tàu đổ bộ này được phát hiện đang rời khỏi cảng quân sự Cholsan và tiến tới một căn cứ quân sự khác chỉ cách đường giới hạn phía Bắc vài chục km.

Được biết Bình Nhưỡng hiện sở hữu 2 loại tàu đổ bộ lưỡng cư gồm lớp Gongbang II nặng 35 tấn và mẫu nhỏ hơn là Gongbang III. Theo báo cáo của Yonhap, có khoảng 20 tàu đổ bộ của Bình Nhưỡng đã tiến tới đường định giới trên biển giữa hai miền.

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, bà Park đã thể hiện rõ quan điểm cứng rắn với phía Triều Tiên, và được dự đoán là sẽ tiếp tục phản bác mọi sự thỏa hiệp mà có thể khiến phía Bình Nhưỡng càng được thể đưa ra những lời đe dọa. Và như một hệ quả, các vòng đàm phán bắt đầu từ thứ Bảy tuần trước ở làng Panmunjom đến nay vẫn chưa đạt được một thỏa thuận nhằm giảm thang căng thẳng.

Phía Triều Tiên đã bác bỏ mọi sự dính líu trong vụ nổ mìn ở khu vực DMZ hồi đầu tháng và giới phân tích cũng cho rằng sẽ không bao giờ có chuyện họ sẽ nghe theo yêu cầu đưa ra lời xin lỗi của bà Park.

“Đương nhiên Tổng thống Park biết rõ điều này” – Yang Moo-jin, Giáo sư Đại học Bắc Hàn ở Seoul, nhận định và cho rằng: “Cả hai bên đều chỉ đang cố gắng gia tăng áp lực cho nhau, tìm cách lấy lợi thế cho mình trong các vòng đàm phán vốn đã căng thẳng này”.

Bằng việc triển khai các lực lượng pháo binh, lực lượng tàu ngầm và các tàu đổ bộ, Bình Nhưỡng cũng đang tìm cách tạo lợi thế cho mình trên bàn đàm phán với Seoul.

Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên nghiêm trọng gây quan ngại cho nhiều quốc gia láng giềng và hơn thế nữa. Trung Quốc và Nhật Bản đang nỗ lực kêu gọi giảm thang căng thẳng, trong khi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng thúc giục hai bên tăng cường các nỗ lực để đạt được một thỏa thuận.

Trong khi đó, Mỹ, hiện đang có gần 30.000 binh sỹ đồn trú ở Hàn Quốc, đã cam kết sẽ bảo vệ đồng minh quan trọng của mình. Seoul và Washington hiện đang xem xét đến khả năng triển khai “các tài sản quân sự chiến lược của Mỹ” trên bán đảo Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Hai bên cùng gây sức ép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO