Cảng Trần Đề là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng

Trung Kiên 12/12/2018 18:38

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, cảng Trần Đề sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng vì hiện nay hạ tầng giao thông đã quá tải, xuống cấp. Đồng thời, gần 80% hàng hóa của vùng xuất khẩu phải chở lên TP HCM làm tăng thêm chi phí.

Cảng Trần Đề là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng

Bộ Trưởng Bộ GTVT phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 12/12, tại Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề.

Theo Bộ GTVT, năm 2017 hoạt động vận tải hoàng hóa của vùng là 131,7 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,2%/năm. Giao thông cơ bản đã hình thành mạng lưới kết nối góp phần phát triển kinh tế của vùng. Tuy nhiên, một số trục chính kết nối vùng chưa hoàn chỉnh, điển hình như còn thiếu cầu Đại Ngãi, Rạch Miễu 2…

Ngoài ra, một số tuyến quốc lộ huyết mạch trong vùng chưa đầu tư hoàn chỉnh. Về đường thủy, toàn vùng có 57 cảng thủy nội địa, tuy nhiên các cảng này đều nhỏ lẻ và manh mún. Còn đường biển có 6 cảng, năm 2017 tổng khối lượng hóa hóa chỉ đạt trên 19 triệu tấn.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) nhận định: Khả năng kết nối của vùng còn nhiều hạn chế, đặt biệt là kết nối giữa vùng với Đông Nam Bộ, với ASEAN chưa tận dụng được lợi thế về giao thông. Hiện nay 90% hàng hóa xuất nhập khẩu vào ĐBSCL được vận chuyển bằng đường biển nhưng 80% hàng hóa lại thông qua cụm cảng Đông Nam bộ.

Để phát huy tối đa lợi thế của vùng, cần đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng), đáp ứng tàu trọng tải trên 100.000 tấn ra vào, phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu cho toàn vùng.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Cty CP Tư vấn xây dựng công trình Hàng Hải (đơn vị tư vấn) cho biết, Cảng Trần Đề nằm ở cửa sông Hậu và tuyến vận tải thủy sông Mekong sẽ thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia (tuyến đường thủy sông Mekong). Đồng thời, còn trung chuyển than nhập khẩu cho các trung tâm điện lực trong vùng, đặc biệt là nhà máy nhiệt điện Long Phú và Sông Hậu.

Theo quy hoạch cảng biển Trần Đề giai đoạn đến năm 2030 có nhiều phương án, trong đó có phương án xây cầu vượt biển dài 10 km, khu cảng 1.750 ha, khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics 4000 ha và nhiều hạng mục khác đáp ứng tàu tải trọng trên 100.000 tấn cập bến, với tổng vốn đầu tư trên 40.000 tỷ đồng, từ xã hội hóa.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, cảng Trần Đề sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng vì hiện nay hạ tầng giao thông đã quá tải, xuống cấp. Đồng thời, gần 80% hàng hóa của vùng xuất khẩu phải chở lên TP HCM làm tăng thêm chi phí.

Người đứng đầu Bộ GTVT cho rằng, trong vùng có 5 địa điểm nước sâu có thể xây dựng cảng là Phú Quốc (Kiên Giang) Hòn Khoai (Cà Mau), Gành Hào (Bạc Liêu), Trần Đề và Duyên Hải (Trà Vinh). Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, chuyên gia thì Trần Đề có vị trí thuận lợi nhất vì gần trung tâm vùng, có nhiều tuyến đường kết nối. “Sắp tới, Bộ sẽ triển khai tuyến đường cao tốc Châu Đốc, Cần Thơ, Sóc Trăng và Trần Đề. Đồng thời kết nối với campuchia để hàng hóa có thể đến cảng xuất đi nước ngoài dễ dàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảng Trần Đề là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO