Cảnh giác bệnh nhiệt thán

T.H. 08/07/2017 15:06

Mới đây, tại xã Lý Bôn, tỉnh Cao Bằng xuất hiện tình trạng một số người dân sau khi ăn thịt bò chết có hiện tượng khó thở, sốt, mọc mụn ở các ngón tay. Qua kiểm tra của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bảo Lâm và UBND xã Lý Bôn, hiện tượng bò bị ốm, chết do dịch bệnh nhiệt thán. Người tham gia mổ thịt gia súc ốm và ăn thịt rất dễ bị lây bệnh.

Thời gian qua tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra nhiều ổ dịch bệnh nhiệt thán ở gia súc và lây bệnh cho người.

Trước đó, ngày 24/4, bò của gia đình ông Nông Văn Thuận bị ốm, chết không rõ nguyên nhân, gia đình ông đã mổ bò ăn và bán thịt cho người dân một số xóm lân cận. Sau khoảng 4 - 5 ngày, ông Thuận thấy người có hiện tượng sốt, khó thở, nổi mụn đỏ ở tay, sau đó đen dần và lan rộng, hạch nách sưng to.

Hàng xóm của ông Thuận là bà Ma Thị Bàn, ở xóm Nà Pồng, xã Lý Bôn mua thịt bò của ông Thuận ăn cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Lúc này, người dân mới báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cao Bằng phối hợp với Trạm chăn nuôi thú y huyện Bảo Lâm xuống địa phương kiểm tra, xác định đây là dịch bệnh nhiệt thán. Chi cục đã phối hợp cùng địa phương khẩn trương tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại tại xóm Nà Kháng và các xóm: Bán Báng, Nà Pồng, Nà Mạt, xã Lý Bôn; tiêm vắc xin phòng bệnh nhiệt thán cho trâu, bò.

Theo ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Cao Bằng hiện hai người dân bị mắc bệnh nhiệt thán đã chữa trị khỏi, chi Cục phối hợp với địa phương triển khai tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh bùng phát.

Nhiều người thắc mắc, vậy bệnh nhiệt thán là gì, nguy hiểm như thế nào? Theo các chuyên gia y tế, bệnh do trực khuẩn nhiệt thán (còn gọi là trực khuẩn than) gây ra. Loại trực khuẩn này có thể sống lâu vài chục năm ở ngoài môi trường. Khi gia súc có bệnh than chết, nếu đem chôn nông hoặc vứt xác bừa bãi thì vài chục năm sau trâu bò đến ăn cỏ ở nơi đó sẽ bị bệnh.

Còn người tham gia mổ thịt gia súc ốm và ăn thịt rất dễ bị lây bệnh, phổ biến là thể lở loét ngoài da, còn nếu nhiễm vi khuẩn vào đường hô hấp thì sẽ thấy chóng mặt, đau ngực, khó thở, ho khan. Nếu ở thể ruột thì sẽ bị nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, chướng bụng, thở khó, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong sau một, hai ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Mọi trâu bò đều có thể nhiễm bệnh, thời kỳ ủ bệnh vào khoảng 1 - 2 tuần, với các thể sau:

- Thể quá cấp tính: Bệnh xảy ra nhanh, trâu, bò đột ngột run rẩy, hai bên má hơi sưng, khó thở, bỏ ăn và đổ mồ hôi, sốt cao 40,5 – 42,5 độ C, nghiến răng lè lưỡi, mắt đỏ, co giật, mê man, thú quỵ xuống.

- Thể cấp tính: Diễn biến bệnh khoảng 24 – 48 giờ với triệu chứng sốt cao 40 – 42 độ C, mệt mỏi, thở khó và nhanh, nhu động ruột, dạ cỏ giảm, niêm mạc đỏ thẩm, tiêu chảy hoặc kiết, phân đen có lẫn máu, nước tiểu có máu. Xung huyết và xuất huyết niêm mạc bên ngoài, mồm mũi có bọt hồng lẫn máu, hầu ngực bị sưng

- Thể bán cấp tính: Bệnh tiến triển chậm hơn, sốt, ăn ít, những chỗ da mỏng sưng lên, niêm mạc mắt mũi, hậu môn đỏ, nhu động dạ cỏ yếu, chảy máu mũi và mắt là triệu chứng duy nhất trước khi chết khoảng 2-3 ngày.

- Thể ngoài da: Xuất huyết ở cổ. Ngực sưng và phù cục bộ, ban đầu đau, ung thối, sau thành mụn loét đỏ chảy nước màu vàng đỏ. Hạch lampa sưng, con vật không kêu được.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, người dân khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh nhiệt thán, gia súc chết bất thường phải khai báo cho chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất để xử lý triệt để mầm bệnh; vệ sinh, khử trùng, thu gom chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi, xác gia súc đã chết để đốt, đem chôn và đổ bê tông hố chôn theo đúng quy định.

Không tự ý giết mổ gia súc mắc bệnh, chết để ăn, đồng thời nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ gia súc và tiêu thụ gia súc mắc bệnh, chết bất thường trên địa bàn có dịch trong thời gian có dịch để hạn chế lây lan dịch bệnh nhiệt thán cho gia súc và người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác bệnh nhiệt thán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO