Cảnh giác ngộ độc rượu

PV 06/08/2016 11:10

Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tiếp cảnh báo nhưng tình trạng ngộ độc rượu vẫn diễn ra khá phổ biến. Hầu như ngày nào Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn.

Cảnh giác ngộ độc rượu

Nên hạn chế uống rượu.

Đáng lo ngại hiện không phải là thời điểm lễ tết mà chỉ trong vòng 5 ngày qua, Trung tâm tiếp nhận đến 4 trường hợp ngộ độc rượu trắng pha cồn công nghiệp Methanol. Trong đó, 2 trường hợp hôn mê và 1 trường hợp tổn thương não nặng.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên- Phụ trách Trung tâm chống độc, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn T. (56 tuổi, Sơn La) nhập viện hôm 1-8 trong tình trạng nguy kịch, tụt huyết áp, hôn mê sâu do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp Methanol. Gia đình bệnh nhân cho biết, ông T. vốn nghiện rượu, mỗi ngày đều uống khoảng nửa lít rượu. Tuy nhiên tối 1-8, sau bữa rượu buổi chiều ông T. bỗng nhiên kêu đau đầu, nhìn mờ. Khi được đưa đến BV Đa khoa Mộc Châu bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê và được chuyển đến BV Bạch Mai ngay sau đó. “Hình ảnh chụp sọ não cho thấy bệnh nhân não bị tổn thương rất nặng, gia đình xin đưa người bệnh về chỉ sau 1 ngày nhập viện”, BS Nguyên cho biết.

Hai trường hợp khác cũng ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp Methamon đều đang trong tình trạng hôn mê, tổn thương não. Thời gian điều trị kéo dài mà chưa thể đưa ra tiên lượng tốt cho người bệnh bởi ngộ độc Methanol quá nặng. Đó là bệnh nhân nam (54 tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến Trung tâm ngày 31-7 có hàm lượng methanol trong máu đến 35,8 mg/dL (bình thường, hàm lượng trên 20mg/dL đã là rất nặng). Bệnh nhân khác 52 tuổi ở Hải Dương, sau một ngày thấy mệt, ăn uống kém, đã xuất hiện khó thở tăng dần, lơ mơ gọi hỏi không biết, xuất hiện cơn co cứng toàn thân. Kết quả xét nghiệm hàm lượng methanol trong máu rất cao tới 163mg/dL. “Cả hai bệnh nhân đều đang hôn mê, thở máy, tổn thương não nặng khó đưa ra tiên lượng có cứu được hay không, mức độ phục hồi như thế nào sau tổn thương não trầm trọng”, BS Nguyên chia sẻ.

Theo TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, rất khó để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu có pha cồn Methanol do biểu hiện của ngộ độc chất Methanol giống hệt biểu hiện của say rượu.

Độc tính của Methanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến người đã uống rượu hay lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có nhiều di chứng về thần kinh.

Tác hại của rượu đối với sức khỏe thì ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng tránh xa được. Để phòng ngộ độc rượu, BS Nguyễn Trung Nguyên khuyên người dân nên hạn chế uống rượu, nếu uống thì phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kể cả rượu nấu ở trong làng, trong xã cũng phải rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ bị trộn cồn công nghiệp. Sau uống rượu khoảng 30 phút hay muộn hơn (24 - 48 tiếng), thấy người uống rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không thưa, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Bởi nhập viện càng muộn tình trạng ngộ độc càng nặng, bệnh nhân có thể bị mù lòa, tổn thương não, hôn mê kéo dài, thậm chí là tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác ngộ độc rượu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO