Cảnh giác với bệnh lõm ngực ở trẻ

Ngọc Hải 30/08/2016 09:00

Thời gian gần đây tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) số trẻ bị lõm ngực gia tăng nhanh bất thường. Theo các bác sĩ lõm ngực là bệnh bẩm sinh, tỉ lệ mắc bệnh không cao nhưng lại có tỉ lệ biến chứng cao. Nếu không điều trị kịp thời, không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Gia tăng nhanh bất thường

Theo thông tin từ bác sỹ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận phẫu thuật cho khoảng 50 trẻ bị bệnh lõm ngực. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, số trường hợp trẻ bị lõm ngực nhập viện điều trị đã tăng lên 80 trẻ. Sự gia tăng bất thường này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Theo lời kể của chị Thanh, nhà ở Long An, thì con trai của chị cách đây mấy năm đã từng mắc bệnh này. Trước đó chị không hề biết gì về bệnh lõm ngực. Đến khi thấy con trai ngày càng gầy yếu, thở dốc, lồng ngực lõm sâu, cứ đi học về là cháu lại than mệt mỏi và lên giường nằm, chị lo lắng đưa con đi khám. Sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận cháu bị bệnh lõm ngực và yêu cầu gia đình cho cháu nhập viện để phẫu thuật.

“Sau khi cháu được phẫu thuật đặt thanh nâng ngực thành công, sức khỏe dần hồi phục và được ra viện. Mấy năm nay sức khỏe cháu ổn định, ăn ngủ tốt, không còn hiện tượng thở dốc hay mệt mỏi nữa” – chị Thanh kể.

Công việc bận rộn nên nhiều khi các bậc phụ huynh thường bỏ qua các triệu chứng ban đầu khi trẻ mắc bệnh. Điển hình của bệnh lõm ngực là trẻ hay thở dốc và than mệt mỏi, thế nhưng nhiều người lại nghĩ đấy chỉ là triệu chứng bình thường do trẻ vui chơi, đùa nghịch hay học quá tải nên dễ dàng bỏ qua.

Theo lời kể của một phụ huynh đưa con đến Bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM phẫu thuật đặt thanh nâng ngực thì đọc trên báo thấy các triệu chứng ban đầu của căn bệnh này giống triệu chứng của con gái mình đang bị nên vội đưa cháu đi khám. Tại đây các bác sĩ kết luận là con chị bị lõm ngực bẩm sinh và phải phẫu thuật sớm để tránh ảnh hưởng đến thẩm mỹ của cháu sau này.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Minh Bảo Luân, khoa Phẫu thuật Lồng Ngực - Mạch Máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, những bệnh nhân bị lõm ngực thường được phẫu thuật đặt thanh nâng ngực (phẫu thuật NUSS) để nắn xương phát triển theo hướng mới. Cho đến khi xương phát triển cứng, chắc thì trở lại bệnh viện để mổ lấy thanh nâng ngực ra. Khoảng thời gian chờ thường kéo dài khoảng từ 2 đến 3 năm tùy tình trạng phát triển của xương.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng, với trẻ bị lõm ngực thì điều trị lúc trẻ còn nhỏ sẽ thuận lợi hơn và hiệu quả cao. Lúc này xương của bé mềm và tốc độ phát triển nhanh hơn nên xương vùng ngực bị lõm cũng dễ nắn chỉnh và mau cứng chắc hơn.

Nếu thấy các dấu hiệu ở trẻ như gầy yếu, thở dốc, lồng ngực lõm sâu… cần đưa trẻ đến các bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị. Ngoài yếu tố thẩm mỹ, lõm ngực còn làm giảm đáng kể thể tích lồng ngực, từ đó hạn chế không gian cho tim và phổi phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và nhiễm trùng hô hấp thường xuyên. Nếu không điều trị kịp thời, không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Bệnh lõm ngực là gì?

Theo các bác sĩ, bệnh lõm ngực bẩm sinh là một bệnh thuộc dạng dị tật xuất hiện từ bào thai. Sinh ra đứa trẻ đã mang sẵn nguyên nhân gây bệnh. Người bị bệnh xuất hiện một vết lõm sâu ở thành ngực trước. Trên cơ thể người bệnh, thành ngực không nở nang mà trái lại, chúng bị lõm sâu vào trong lồng ngực. Bản chất của bệnh là do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức theo chiều hướng đi vào trong và ra sau. Chính vì thế mà tạo ra một vết lõm hiển hiện ngay trước ngực đúng như tên gọi bệnh lõm ngực.

Mặc dù chưa có bằng chứng về gen liên quan tới bệnh, yếu tố di truyền cũng được ghi nhận ở bệnh này. Khoảng 35% người lõm ngực có người thân trong gia đình cùng bị bệnh. Thường dị tật có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc vào lúc đến tuổi dậy thì, nhưng đa số các trường hợp phát hiện ngay sau sinh.

Các nghiên cứu trên thế giới hiện cũng chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy cứ khoảng 300-400 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị lõm ngực, trong đó, cứ 3 trẻ nam thì có 1 trẻ gái bị lõm ngực. Còn tại Việt Nam, báo cáo của Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM và Chợ Rẫy cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ, cụ thể là 4:1. “Triệu chứng điển hình của bệnh là ngực lõm sâu. Ở trẻ nhỏ có dấu hiệu chậm tăng cân hay suy dinh dưỡng, dễ nhiễm trùng hô hấp: viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí hen suyễn... Trẻ lớn mắc bệnh thường triệu chứng kín đáo hơn, cảm thấy nhanh mệt, khó thở khi vận động gắng sức”.

Theo các bác sĩ, bệnh tiến triển theo giai đoạn phát triển của xương. Các xương sườn phát triển một cách bất thường đã đẩy xương ức lõm ra phía sau dẫn đến tình trạng trẻ bị khó thở do phổi bị chèn ép. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến các bệnh lý về tim. Do tim phổi bị chèn ép nên trẻ hô hấp khó khăn, vận động yếu, khó thở.

Vậy làm thế nào để sớm nhận biết trẻ bị lõm ngực? Các bác sĩ cho rằng, việc nhận biết các dấu hiệu ở trẻ sơ sinh là rất khó. Chỉ khi trẻ ở độ tuổi từ 1-2 tuổi trở lên thì hiện tượng lõm ngực mới được nhận biết rõ ràng. Do đó, phụ huynh cần lưu ý căn bệnh này để kịp thời theo dõi, phẫu thuật để tránh trường hợp bệnh nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Tuy nhiên các bác sĩ cũng lưu ý khi cha mẹ phát hiện trẻ bị bệnh, ngoài đưa đến viện để điều trị theo phác đồ của các bác sĩ thì cũng nên sớm cho trẻ đi bơi để hô hấp tốt hơn, lồng ngực giãn nở tốt sẽ thuận lợi hơn khi phẫu thuật.

Biến chứng tác động mạnh nhất là những thay đổi về mặt thẩm mỹ. Bộ ngực bị biến dạng, càng lớn, càng dậy thì, càng đến tuổi làm đẹp thì ngực càng bị biến dạng mạnh. Ngực trở nên gù vẹo, lõm sâu, co kéo. Bên cạnh những biến đổi về mặt thẩm mỹ là những ảnh hưởng tiêu cực về mặt sức khoẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với bệnh lõm ngực ở trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO