Cảnh giác với ngộ độc khí từ hầm biogas

Minh Việt 18/05/2016 15:24

Sau nhiều ngày điều trị tích cực, tất cả 7 nạn nhân trong vụ ngạt khí độc từ hầm biogas ngày 23/4 đã được xuất viện trở về cùng gia đình. Vụ việc này thêm một lần nữa cảnh báo các cơ quan chức năng về việc quản lý số hộ dân hiện đang sử dụng khí biogas cũng như khuyến cáo người dân phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng khí bioga để nấu ăn...

Người dân khi xây dựng hầm biogas cần mời các cơ quan chuyên môn đến tư vấn, thiết kế để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

10 người bị ngộ độc khí biogas

Trước đó, khoảng 6 giờ 15 phút ngày 23/4, tại Cà Mau xảy ra một vụ rò rỉ khí độc từ hầm biogas tại gia đình do ông Nguyễn Văn Tặng (52 tuổi, trú tại ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) làm chủ hộ.

Cụ thể, khi phát hiện đường ống dẫn khí từ hầm biogas ngoài vườn của gia đình bị rò rỉ, ông Tặng ra sau vườn sửa chữa đường ống và bị ngạt khí độc. Không thấy chồng, bà Giếng ra vườn tìm, khi phát chồng bị ngạt khí độc, bà tri hô cho bà con xung quanh đến ứng cứu, nhưng bà Giếng và người dân đến khu vực rò rỉ ống dẫn khí từ hầm biogas đều bị ngạt khí, ngất xỉu ngay tại chỗ.

Vụ rò rỉ nghiêm trọng này đã khiến 10 người bị ngạt khí gas, trong đó có 3 người đã tử vong gồm ông Nguyễn Văn Tặng (52 tuổi), bà Phạm Thị Giếng (51 tuổi, là vợ ông Tặng) và chị Trần Mỹ Hạnh (35 tuổi, là người cùng xóm), 7 nạn nhân còn lại phải vào viện cứu cấp điều trị trong nhiều ngày liền.

Trong số 7 nạn nhân này thì có hai trường hợp là ông Lê Văn Thể (62 tuổi) và Lê Tuấn Anh (30 tuổi, là con ông Thể) là hai trường hợp bị ngạt khí gas nặng nhất, tính mạng rất nguy kịch khi nhập viện. Tuy nhiên sau cấp cứu và điều trị, nay tình hình sức khỏe của cả hai người đã ổn định.

Tuy nhiên, theo lời khuyên của bác ​sỹ, các bệnh nhân sau khi được xuất viện phải uống thuốc đúng liều, đúng cữ và cần phải tái khám nếu như cơ thể có những biểu hiện hoặc triệu chứng khác thường. Ngoài ra, bệnh nhân nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng phù hợp để sức khỏe phục hồi hoàn toàn.

Theo bác sỹ Văn, chi phí điều trị (thuốc, dịch truyền, hô hấp oxy, giường bệnh…) cho những bệnh nhân ngạt khí gas trị giá trên 20 triệu đồng được trích từ nguồn kinh phí của bệnh viện.

Vì sao ngộ độc khí gas?

Hiện nay, ở nông thôn rất nhiều gia đình chăn nuôi xây hầm biogas dùng để chứa và xử lý chất thải chăn nuôi, tạo ra khí gas phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Khi bể biogas được hoàn thành và đưa vào sử dụng, cái thu được là tận dụng được nguồn khí gas sạch, không mất tiền mua chất đốt. Vừa giúp tiết kiệm thời gian lại vừa tiện lợi. Chất thải chăn nuôi không xả trực tiếp ra môi trường mà được gom chứa tại hầm biogas.

Về trường hợp của gia đình ông Tặng, ông đào hầm biogas dài hơn 3m, ngang khoảng 2m, cách vách nhà 1,5m. Sau khi chất thải bị phân hủy, ông làm đường ống nhựa dẫn trực tiếp dẫn khí gas vào nhà làm chất đốt. Tại hầm, do ông không thiết kế van xả khi khí gas đầy nên xảy ra rò rỉ dẫn đến tai nạn đáng tiếc trên.

Theo các chuyên gia y tế, thủ phạm gây ngộ độc khí gas là ôxít cácbon (CO). Đặc tính của CO là không màu, không mùi, là sản phẩm của sự phân hủy các chất hữu cơ như phân, rác mục. Ở các hầm khí biogas, khí biogas được sinh ra khi xác động vật và các chất hữu cơ lên men trong điều kiện hiếm khí. Khí biogas gồm khoảng 60% mêtan (CH4), 40% carbonic (CO2) và dưới 1% H2S. Mêtan không màu, không mùi, làm cho khí biogas có thể cháy được, còn H2S thường chiếm tỷ lệ ít nhưng làm khí gas có mùi khó chịu.

Nếu ngộ độc nhẹ, người bệnh sẽ có triệu chứng chóng mặt, đau đầu, ù tai, tức ngực và buồn nôn. Ngộ độc nặng, ngoài các triệu chứng như trên còn có hiện tượng toát mồ hôi, tinh thần hoảng loạn, da tái nhợt, bước đi không vững, thị lực giảm, người bị ngộ độc lâm vào trạng thái hôn mê, chân tay co giật, da tím ngắt.

Làm thế nào để nhận biết được hầm khí biogas không an toàn? Theo một số tài liệu, khi quan sát bằng mắt thường thấy có hiện tượng đóng váng khiến khí gas lên ít, phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn để kịp thời có biện pháp xử lý.

Trong trường hợp tự xử lý cần phải mở nắp hầm ủ khí một thời gian dài để khí mêtan bay hết, sau đó dùng gậy chọc phá lớp váng (màng sinh học), có thể bơm nước vào để đẩy lớp váng ra. Sau khi chọc thủng lớp váng, phải chờ khoảng 2-3 tiếng mới được mở nắp hầm. Tuyệt đối không tự xuống hầm ủ khí trong bất cứ trường hợp nào, nếu không có sự kiểm tra và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Trong quá trình sử dụng, nếu khí biogas xì ra ngoài trong phòng kín hẹp có thể gây ngạt hoặc tạo hỗn hợp nổ với không khí, vì vậy cần mở cửa nhà bếp thông thoáng trước khi dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với ngộ độc khí từ hầm biogas

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO