Cảnh giác với sốt xuất huyết

Ngọc Hải 25/08/2015 21:02

Tháng 7,8 theo đánh giá của Bộ Y tế là thời kỳ dễ bùng phát một số dịch bệnh trẻ em nguy hiểm như viêm não virus, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp…và đặc biệt là sốt xuất huyết - một loại bệnh dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh đang có nguy cơ bùng phát tại một số tỉnh thành.

Cảnh giác với sốt xuất huyết

Phun hoá chất diệt khử trùng, làm sạch môi trường

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có 19.753 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong, trong đó nhiều tỉnh/ thành phố có số mắc lũy tích tăng cao so với cùng kỳ 2014 như TP.HCM, Đồng Nai, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Còn tại Hà Nội, chỉ tính riêng trong tháng 7, thành phố ghi nhận gần 400 ca mắc sốt xuất huyết, rải rác ở 164 xã, phường của 29 quận, huyện. Theo dự báo của ngành y tế, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất lớn.

Cụ thể tại thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì mới đây vừa phát hiện thêm 3 ổ dịch, với hơn 50 bệnh nhân. Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp khống chế như phun thuốc khử trùng, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng tránh, thế nhưng số ca sốt xuất huyết vẫn tăng hàng ngày.

Theo Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Triều Vũ Văn Lên: “Lý do Tân Triều tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết xã có nhiều nhà trọ cho thuê nên người dân tập trung ở đây rất đông. Thêm vào đó bể nước của những nhà trọ tại thôn Yên Xá đa số chỉ được đậy bằng tấm fibrô-ximăng nên muỗi sinh sôi rất nhiều. Mặc dù cán bộ trạm Y tế đã tuyên truyền, vận động bà con vệ sinh sạch sẽ môi trường, diệt muỗi để phòng bệnh nhưng người dân vẫn chưa thực hiện triệt để.

Ngành y tế khuyến cáo, người bị sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Sốt xuất huyết lại dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như: sốt phát ban, sốt siêu vi, viêm mũi họng…nên các bậc phụ huynh phải hết sức thận trọng.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, bệnh nhân chủ yếu là người lớn, tuy chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết, nhưng số ca bệnh tháng sau cao hơn tháng trước, hơn nữa thời điểm này vẫn đang là mùa dịch nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết ở Thủ đô là rất lớn.

Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội, cơ thể nổi mẩn, phát ban. Thể bệnh nặng hơn bao gồm các dấu hiệu trên, kèm theo xuất huyết: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh sốt xuất huyết và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt truyền bệnh và khi đi ngủ cần mắc màn để phòng muỗi đốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO