Cảnh nóng trong điện ảnh: Điểm dừng ở đâu?

Hoàng Vân 16/03/2022 10:31

Nếu như trước đây cảnh nóng được các đạo diễn sử dụng chừng mực và được kiểm duyệt gắt gao thì thời gian gần đây, khán giả bắt gặp tràn lan những phân cảnh nóng xuất hiện dày đặc trong những bộ phim vừa ra rạp. Tình trạng này dấy lên "báo động đỏ" về văn hóa làm phim trong thời đại công nghệ 4.0.

Cảnh nóng được sử dụng phổ biến trong cả điện ảnh lẫn truyền hình.

Từ lâu cảnh nóng đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong điện ảnh và trên màn ảnh Việt. Để tác phẩm của mình trở nên thu hút, các đạo diễn thường lồng ghép những cảnh nóng vào tác phẩm của mình.

Tuy nhiên việc các nhà làm phim lạm dụng cảnh nóng quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp về mặt nhận thức cũng như văn hóa làm phim đã được quy định tại Luật điện ảnh năm 2006.

Diễn viên đóng cảnh nóng: Trăm ngàn nỗi lo

Trên hành trình theo đuổi đam mê với diễn xuất, Cao Thái Hà là một trong những thế hệ diễn viên trẻ của showbiz Việt được mệnh danh chuyên trị cảnh nóng. Hi sinh hết mình vì nghệ thuật nhưng Cao Thái Hà lại không chịu được áp lực của dư luận vì những rắc rối đến từ các cảnh quay táo bạo. Khi bị “ném đá” quá nhiều ở vai diễn Hoạn Thư, nữ diễn viên đã phải than khóc, kêu cứu Tổ nghiệp và mong khán giả ngừng những lời nói cay nghiệt.

Cao Thái Hà có những cảnh nóng "để đời" trên màn ảnh.

Với những cảnh nóng ở “Kiều”, Cao Thái Hà nhận về nhiều ý kiến khen chê từ cộng đồng mạng. Khán giả liên tục cho rằng những cảnh nóng của cô không nghệ thuật, đó là sự phô dâm.

Đến thời điểm hiện tại, Cao Thái Hà có sự cân nhắc khi lựa chọn những vai diễn. Trò chuyện với Đại Đoàn Kết, nữ diễn viên chia sẻ trong tương lai cô ưu tiên chọn những vai mà bản thân tâm đắc để tham gia.

Một cảnh nóng của Quốc Trường trong phim "Bẫy ngọt ngào".

Cũng giống với Thái Hà, diễn viên Quốc Trường gặp phải nhiều rắc rối với những cảnh nóng trong bộ phim “Bẫy ngọt ngào” vừa ra rạp. Mặc dù đạt doanh thủ “khủng” song những cảnh nóng trong phim khiến nam diễn viên không tránh khỏi sự xấu hổ.

Cụ thể, ở “Bẫy ngọt ngào” Quốc Trường vào vai Đăng Minh – một doanh nhân thành đạt nhưng có đời sống tình dục phức tạp. Ngoài các phân cảnh cưỡng bức, hành hạ Bảo Anh (Camy), nam diễn viên gốc Cần Thơ còn có cảnh nóng trong xe hơi với Minh Hằng. Thử thách càng lớn hơn khi không chỉ đóng cảnh làm tình, Quốc Trường còn phải thể hiện bản chất biến thái của nhân vật.

Sau khi bộ phim được công chiếu, Quốc Trường gặp nhiều rắc rối vì bị khán giả nhắn tin rủ mua thuốc yếu sinh lý, hoặc hỏi địa chỉ mua loại thuốc sử dụng trong "tình huống nhạy cảm" khiến nam diễn viên thậm chí phải lên tiếng trên trang cá nhân.

Diễn viên đóng cảnh nóng phải đối diện với trăm nghìn nỗi lo.

Thực tế cho thấy, khi thực hiện các cảnh nóng, các diễn viên ngoài phải chịu áp lực liên quan tới hình ảnh cá nhân, đời sống thì còn có nguy cơ xảy ra “tai nạn” nghề nghiệp. Bởi, hầu hết những phân cảnh nóng trần trụi không được sử dụng đồ bảo hộ hoặc nếu có đồ bảo hộ sẽ rất mỏng và không có tác dụng che chắn. Chính vì vậy, diễn viên đóng cảnh nóng thường chịu nhiều điều tiếng khi đối mặt với nguy cơ lộ một số bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.

Khác với Việt Nam, ở nước ngoài, khi thực hiện cảnh "nóng", các diễn viên sẽ được cung cấp những miếng dán, đồ nội y màu "nude" hay chiếc gối nhỏ... Đó đều là những món đồ chuyên biệt và thường được sử dụng trong quá trình thực hiện cảnh nóng ở Hollywood.

Quy định ra sao trong khâu kiểm duyệt?

Tại Việt Nam, Luật điện ảnh được ban hành từ năm 2006. Tuy nhiên, do hình thành sớm nên đến nay bộ luật này không phát huy đúng tác dụng và cần phải bổ sung thêm những quy định mới phù hợp với xu hướng làm phim thời đại công nghệ 4.0.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhận thấy sự bất cập tồn đọng trong bộ Luật, mới đây, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước Quốc hội.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) là cần thiết. Lý do là bởi Luật Điện ảnh hiện hành sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển Điện ảnh Việt Nam, đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung, cụ thể là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đáng nói, một số quy định của Luật Điện ảnh không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác, không thể hiện được đặc thù của điện ảnh nên không khả thi.

Ngoài ra một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật Điện ảnh gồm công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; quy định cụ thể về phân cấp quản lý hoạt động điện ảnh; hoạt động xúc tiến, quảng bá phim thông qua việc tổ chức các liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim, giải thưởng điện ảnh Việt Nam, quốc tế trong và ngoài nước cùng chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh.

Song, những quy định về sử dụng cảnh nóng cho một tác phẩm điện ảnh vẫn còn mờ nhạt và chưa thực sự rõ ràng. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Cảnh nóng trong Điện ảnh: Điểm dừng ở đâu?”, Đại Đoàn Kết Online đã liên hệ với ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh.

Trả lời phóng viên về vấn đề kiểm duyệt phim có chứa cảnh nóng, ông Thành thông tin hiện nay việc kiểm duyệt phim phụ thuộc vào Hội đồng thẩm định và phân loại phim Quốc gia. Tuy nhiên, cảnh nóng hiện không được khuyến khích dùng, các đạo diễn cần hạn chế mật độ xuất hiện của cảnh nóng trong tác phẩm điện ảnh” – ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, khi xét duyệt phim có chứa cảnh nóng, Hội đồng sẽ dựa trên các điều cấm của Luật điện ảnh và Thông tư hướng dẫn về phân loại độ tuổi người xem. Đặc biệt, Hội đồng thẩm định sẽ căn cứ vào mức độ của cảnh nóng để giới hạn độ tuổi người xem. “Cần kết hợp nhiều yếu tố với nhau để quyết định phim có qua cửa kiểm duyệt hay không” – ông Thành cho biết.

Ông Vi Kiến Thành thông tin, Luật Điện ảnh hiện đang được xây dựng, bổ sung và dự kiến sẽ có thêm những điều khoản về quản lý phim trên không gian mạng, còn Luật Điện ảnh được ban hành năm 2006 chưa có quy định này. Dự kiến, bộ Luật Điện ảnh mới sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2022, có hiệu lực vào năm 2023.

“Dù ở thời kỳ nào hay trong bộ Luật nào, điện ảnh cũng không khuyến khích sử dụng cảnh nóng”, ông Thành thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh nóng trong điện ảnh: Điểm dừng ở đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO