Cao Bằng chinh phục danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu

Q.Đạt 27/07/2017 08:45

Không chỉ là xứ sở của vùng văn hóa đa dạng, phong phú với sự giao hòa văn hóa của 8 dân tộc anh em, Cao Bằng còn là xứ sở của các hang động, trong đó đa số là các hang động phát triển ngang, dài và rộng, cùng với hệ thống nhũ, măng, cột, rèm, riềm đá… vô cùng đồ sộ, phong phú, đẹp mắt và hầu hết đang được bảo tồn tốt.

Non nước Cao Bằng.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nhận thấy, với điều kiện như vậy hoàn toàn có thể xây dựng thành công Công viên địa chất toàn cầu. Đây là một danh hiệu cao quý, nếu chinh phục được danh hiệu này, tỉnh sẽ có cơ hội rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo vệ được môi trường, bảo tồn được thiên nhiên, đồng thời sẽ xây dựng, phát triển và phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng.

Từ năm 2015, UBND tỉnh Cao Bằng đã thành lập Công viên địa chất non nước Cao Bằng và đang nâng cấp thành Công viên địa chất toàn cầu. Theo đó, Công viên địa chất toàn cầu tương lai với diện tích hơn 3000km2, bao gồm 9 huyện với 130 điểm di sản địa chất độc đáo có giá trị quốc tế. Trong đó có 1 khu bảo tồn quốc gia, 5 khu bảo tồn loài sinh cảnh, 5 khu bảo vệ cảnh quan và 2 hành lang đa dạng sinh học, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể…

Hiện nay, ở Việt Nam, chỉ có Công viên địa chất Cao Nguyên đá Đồng Văn ( tỉnh Hà Giang) được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Tuy vậy, theo các nhà nghiên cứu, Công viên địa chất non nước Cao Bằng lại có những nét hoàn toàn khác biệt. Quá trình các-tơ (hiện tượng phong hóa đặc trưng của miền núi đá vôi) trên Cao nguyên đá Đồng Văn chủ yếu còn đang ở giai đoạn trẻ thì ở Cao Bằng đã ở giai đoạn “trưởng thành” và “già”. Quá trình các-tơ hóa sâu rộng đã sản sinh ra nhiều diện tích đất màu mỡ, phì nhiêu, cộng với điều kiện khí hậu khá ôn hòa, ít xảy ra thiên tai, hạn hán, lụt lội, sạt lở…

Cao Bằng là xứ sở của các hang động, trong đó đa số là các hang động phát triển ngang, dài và rộng, cùng với hệ thống nhũ, măng, cột, rèm, riềm đá…vô cùng đồ sộ, phong phú, đẹp mắt và hầu hết đang được bảo tồn tốt. Từ năm 2003 đến nay, các đoàn khảo sát hang động đến từ nước ngoài đã phát hiện gần 200 hang động trên phạm vi Công viên địa chất Cao Bằng, trong đó có ít nhất 50 hang có triển vọng du lịch như Động Ngườm Ngao, động KiLu, Hang Dơi, động Ngườm Pục…

Cao Bằng còn là xứ sở của vùng văn hóa đa dạng, phong phú với sự giao hòa văn hóa của 8 dân tộc (Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh, Hoa), mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa truyền thống độc đáo riêng. Những nét văn hóa đa dạng này sẽ là nguồn nguyên liệu quý giá cho phát triển du lịch.

Được biết, cuối năm 2016, tỉnh Cao Bằng đã nộp hồ sơ trình lên UNESCO đề nghị công nhận Công viên địa chất non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu. Mới đây, Đoàn chuyên gia khảo sát của UNESCO đã đến kiểm tra, đánh giá các tiêu chí, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác bảo tồn của tỉnh. Kết quả kiểm tra này sẽ là cơ sở để Hội đồng thẩm định của UNESCO xem xét công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho Cao Bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cao Bằng chinh phục danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO