Cấp bách hạn chế tốc độ già hóa dân số

Nhật Linh 23/07/2016 09:00

Dự Hội nghị tổng kết 5 năm công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2011-2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dân số là một trong những vấn đề chiến lược cần phải được nghiên cứu đầy đủ và có những biện pháp chuẩn bị trước 15-20 năm.

Dân số là vấn đề mang tính chiến lược của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngành y tế, những người làm công tác dân số, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội trong 5 năm đã nỗ lực hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu đề ra về DS-KHHGĐ. Phân tích một số chỉ tiêu chủ yếu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù quy mô dân số Việt Nam vẫn đạt chỉ tiêu đề ra, song tốc độ tăng dân số nhanh hơn trong mấy năm gần đây cần phải được nghiên cứu.

Đáng quan ngại hơn, tốc độ tăng dân số không đồng đều khi tại các đô thị lớn, nhóm đối tượng có điều kiện sinh nở, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tốt thì tỷ lệ sinh không tăng, thậm chí giảm. Còn ở những vùng, những nhóm đối tượng có điều kiện sống còn khó khăn thì tốc độ tăng dân số lại nhanh hơn. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản (SKSS), giới tính, bà mẹ, trẻ em... mà còn liên quan tới cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục...

Về vấn đề già hóa dân số, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý: Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với công tác dân số hiện tại và tương lai. Việt Nam sẽ trở thành nước dân số già có tốc độ điển hình trên thế giới nếu không có các biện pháp căn bản, có tính chiến lược.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2007, chúng ta ở đỉnh cao “dân số vàng” thì thống kê ở nhiều nước cho thấy thời kỳ này thường kéo dài 10-15 năm nhưng ở Việt Nam đến năm 2011 đã bắt đầu bước sang giai đoạn chuyển dịch và đến năm 2035 thì tỷ lệ người già, người trẻ tương đương, khi đó chính thức bước sang giai đoạn dân số già có tốc độ điển hình ở thế giới. Vấn đề này kéo theo áp lực rất lớn đối với hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe... mà ngay cả những nước như Nhật Bản vốn có hệ thống BHXH, BHYT 100% vẫn còn rất lo ngại.

“Mặc dù tỷ lệ người dân tham gia BHYT hiện nay ở Việt Nam mới được 78% và phấn đấu đạt 90% vào năm 2020, BHXH mới đạt 25%, nhưng câu chuyện chăm sóc người già, người cao tuổi không thể đợi đến năm 2030 hay năm 2035 mới bắt đầu. Điều đó sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy xã hội”, Phó Thủ tướng trăn trở.

Nhấn mạnh dân số là một vấn đề tổng hợp, mang tính chiến lược của đất nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, ngành dân số phải khẩn trương tổng kết từ thực tiễn, phân tích xu thế trên thế giới cũng như các cơ sở lý luận trên tinh thần phát huy thành tích, nhìn vào các điểm còn bất cập để có những điều chỉnh chiến lược.

“Tất cả các vấn đề dân số nếu chúng ta không nghiên cứu và có các biện pháp chuẩn bị trước tối thiểu 15-20 năm thì hậu quả sau này sẽ vô cùng lớn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo của Tổng cục Dân số cho biết giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ là 5.384 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, công tác dân số đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra theo chiến lược dân số và sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020 như quy mô dân số dưới 93 triệu người; tỷ lệ tăng dân số khoảng 1%/năm; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai luôn trên 76%...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp bách hạn chế tốc độ già hóa dân số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO