Nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản

Nhật Minh 28/08/2015 09:50

Có cơ sở để tin rằng, xuất khẩu nông sản được vực dậy khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do đã và đang được Việt Nam tích cực đàm phán, ký kết.

Nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu gạo giảm trong 8 tháng đầu năm.

Nguồn:vnmedia.vn

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản theo xu hướng sụt giảm và chưa có dấu hiệu khởi sắc. Riêng mặt hàng gạo, 8 tháng đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt 4,09 triệu tấn với 1,76 tỷ USD, giảm tới 8,6% về khối lượng và 13,1% về giá trị so với cùng kỳ 2014. Xu hướng xuất khẩu gạo thời gian tới sẽ ra sao, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang tiến hành đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương mại tự do và đây sẽ là cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản, trong đó có xuất khẩu gạo.

8 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vẫn diễn biến theo hướng sụt giảm. Trong đó, gạo, cà phê, cao su – những mặt hàng thế mạnh về xuất khẩu đã liên tục “ghi” những mốc mới đáng quan ngại. Cụ thể, xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 87 nghìn tấn với giá trị đạt 175 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 874 nghìn tấn với tổng giá trị 1,79 tỷ USD, giảm tới 32,7% về khối lượng và 33,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, gạo cũng đứng trong danh sách nhóm hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm liên tục từ đầu năm đến nay. Khi mà, 8 tháng đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt khoảng hơn 4 triệu tấn với 1,76 tỷ USD, giảm 8,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo bình quân xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm cũng giảm 5,33% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, một trong những nguyên nhân khiến các mặt hàng nông sản trong nước giảm cả về giá trị và sản lượng xuất khẩu, là do Trung Quốc phá giá đồng NDT trong thời gian vừa qua. Bởi, lâu nay, Trung Quốc vẫn là thị trường chính nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam, nên những vấn đề xảy ra đối với đồng NDT của nước này đã có tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong nước, trong đó có mặt hàng gạo.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, vẫn có những cơ sở để có thể tin rằng, xuất khẩu nông sản được vực dậy khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do đã và đang được Việt Nam tích cực đàm phán, ký kết. Việc chúng ta mở cửa để hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới, cũng có nghĩa, nhiều mặt hàng xuất khẩu của ta sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế. Đây là điều kiện để các sản phẩm của Việt Nam có cơ hội tiến xa hơn, thâm nhập sâu rộng hơn vào các quốc gia trên thế giới. Song, đây cũng là những thách thức đặt ra đối với các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng đối với mặt hàng gạo - một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, trong 10 năm tới, nhu cầu gạo trên toàn cầu sẽ đạt 500 triệu tấn, trong khi đó, nhiều nước nhập khẩu không thể đẩy mạnh sản xuất do hạn chế về điều kiện tự nhiên và nguồn lực.Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo tiếp tục tăng lên với tốc độ bình quân 1,5% mỗi năm.

Cùng với sự gia tăng về nhu cầu của thế giới, các hiệp định thương mại tự do cũng là những mục tiêu quan trọng để các DN xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Do đó, việc kim ngạch xuất khẩu gạo sụt giảm trong thời gian qua chưa hoàn toàn là điều đáng quan ngại. Nói như Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) - TS. Trần Công Thắng, cơ hội để khôi phục sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu gạo vẫn chưa hết.

Tuy nhiên, để mặt hàng gạo cũng như các sản phẩm nông sản khác có thể đứng vững trên thị trường quốc tế và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia khác - khi thuế suất không còn là rào cản - thì việc cần làm đầu tiên của các DN chính là nâng cao chất lượng các sản phẩm để có thể nâng cao được sức cạnh tranh. Tuy nhiên, một trong những điểm đáng lo ngại hiện nay chính là vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm.

Hầu hết các DN Việt Nam vẫn còn nặng tư duy “ăn xổi” nên trong quá trình sản xuất, chế biến thường hay lơ là với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như thiếu sự đầu tư để nâng cao chất lượng hàng hóa. Đây chính là trở ngại lớn và theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nếu không thay đổi được tư duy này, các DN Việt Nam sẽ gặp trở ngại rất lớn khi hội nhập.

Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, không còn nhiều thời gian nữa, đây là thời điểm các DN ngành lúa gạo nói riêng, ngành nông sản nói chung cần có sự đầu tư hạ tầng cơ sở, đổi mới, nâng cao công nghệ sản xuất, bảo quản… để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO