Câu chuyện cũ cần cách làm mới

Phương Hà 09/03/2021 10:45

Giống như nhiều đợt giải cứu nông sản đối với thanh long, khoai tây, tôm hùm… đã diễn ra trước đó, lần này phong trào giải cứu nông sản cho bà con Hải Dương cũng bắt đầu từ các trang mạng xã hội, nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đã kêu gọi hoặc đứng ra nhận bán nông sản online giúp người quen, họ hàng khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn tỉnh khiến Hải Dương bị cách ly với các vùng lân cận.

Nở rộ phong trào giải cứu nông sản

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh ước tính mỗi năm Hải Dương sản xuất hơn 200.000 tấn nông sản phục vụ trong nước và xuất khẩu. Dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát tại Hải Dương khiến cho 90.000 tấn rau màu vụ đông bị ách tắc không thể tiêu thụ gây thiệt hại ước tính từ 300-400 tỷ đồng.

Muôn hình vạn trạng nở rộ các lời kêu gọi giải cứu nông sản giúp bà con Hải Dương. Các sản phẩm được kêu gọi tiêu thụ bao gồm: Cà chua, bắp cải, su hào, ổi, gà… Dù tự phát nhưng hiệu quả đem lại không nhỏ, thậm chí không ít ý kiến ghi nhận sự phản ứng kịp thời đi trước cả cơ quan chức năng phù hợp với đặc thù của mặt hàng nông sản.

Không ít địa chỉ giải cứu được nhắc đến liên tục trong những ngày vừa qua, được người dân Hà Nội lan truyền là nơi tập kết để tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân Hải Dương. Nổi bật nhất có lẽ là điểm giải cứu nông sản của chị Ngô Thanh Thủy ở 38 đường Gải Phóng. Được cho là người khởi xướng sớm, mỗi ngày địa điểm của chị Thủy tiêu thụ 15-20 tấn nông sản các loại cho bà con Hải Dương. “Tất cả nông sản ở đây bà con Hải Dương tin tưởng giao cho chúng tôi bán. Sau khi bán được, hợp tác xã và các đầu cầu thiện nguyện chia tiền trả theo số lượng nông sản người dân gửi. Phải nói, khi thấy chúng tôi bán được hàng, người dân Hà Nội mua ủng hộ, bà con dưới đó mừng lắm”, chị Thuỷ cho biết.

Nhiều địa điểm khác cũng được nhiều người Hà Nội biết đến như 157 Lạc Nghiệp, quận Hải Bà Trưng, hay 39 Trần Đăng Ninh, một số điểm trên đường Nguyễn Văn Huyên, Phú Thượng, Hà Đông…
Hệ thống các siêu thị phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart)…cũng thông báo và triển khai thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.

Đại diện lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở đã kết nối để 32 doanh nghiệp thương mại, 34 chợ của Hà Nội với 59 đơn vị sản xuất thu mua của Hải Dương; phối hợp với Sở GTVT, CATP tạo điều kiện để phương tiện chở nông sản vào TP.

Theo thống kê trong mấy ngày qua, các đơn vị đã thu mua tiêu thụ gần 400 tấn nông sản. dự kiến triển khai nhanh chóng để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.600 tần gà đồi Chí Linh trong những ngày tới.

Các cơ quan quản lý làm gì?

Mặc dù được các địa phương lân cận hỗ trợ giải cứu, nhưng đã có thời điểm Hải Dương kêu cứu vì ách tắc khi vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh lân cận dù đã có lời hứa của tỉnh bạn. Hải Dương đề nghị Bộ Công thương, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng tạo điều kiện cho phương tiện vận tải nông sản lưu thông qua các chốt kiểm soát để kịp thời tiêu thụ.

Phản ánh từ nhiều cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho thấy, do cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước, nên các phương tiện (đến Hải Dương hoặc từ Hải Dương đi) của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thu mua nông sản, cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Hải Dương qua địa bàn các tỉnh bạn gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù, Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Thủ tướng sau khi có phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp cho thấy, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp, dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Những khó khăn vướng mắc nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh trước hết là tỉnh Hải Dương, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh- Hải Dương”, Bộ Công thương nhận định.

Tuy nhiên ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Phản ứng này của cơ quan quản lý quá chậm trong bối cảnh yêu cầu giải cứu nông sản đang cấp bách.

Câu chuyện giải cứu nông sản đã tồn tại hàng chục năm nay và đã không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, những giải pháp cho vấn đề này thì vẫn còn là câu chuyện hoàn toàn mới.

Liên quan đến hoạt động “giải cứu” nông sản, TS Nguyễn Thị Hồng Minh- Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cũng đề cập tới vai trò của các hiệp hội trong tiêu thụ nông sản, trong các đợt “giải cứu” vừa qua, hầu như vắng bóng sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng mà chỉ có các đơn vị bán lẻ làm việc với các nhà cung cấp.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam thì cho rằng: Hàng chục năm qua, chúng ta đã tập trung hô hào sản xuất mà không lo khâu tiêu thụ. Gần đây, chúng ta cũng có một số mô hình khuyến khích sản xuất theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu dùng nhưng chưa đủ để thay đổi bản chất vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Câu chuyện cũ cần cách làm mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO