Cầu nối để hàng Việt vào EU

Việt Hà 23/08/2020 06:20

Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA), hiệp định thương mại toàn diện nhất mà EU đã ký kết với một nước đang phát triển đã có hiệu lực từ ngày 1/8.

Hàng Việt được bày bán khá nhiều tại Trung tâm Thương mại Sapa (CH Séc).

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác được sức hấp dẫn của thị trường EU với hơn 450 triệu dân, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân cũng như Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu.

Trong những năm qua, người Việt Nam tại châu Âu ngày càng tăng lên về số lượng và mở rộng địa bàn cư trú, ước tính khoảng 800.000 người. Vì vậy, từ năm 2016, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã ra đời với ban chấp hành gồm 32 ủy viên đến từ 18 nước châu Âu do ông Hoàng Đình Thắng làm Chủ tịch.

Một trong những điểm nhấn hoạt động của Hội không thể không nói đến chính là mối liên hệ thường xuyên với một số nghị sĩ của Nghị viện châu Âu. Theo ông Hoàng Đình Thắng, trong những lần đến thăm Nghị viện châu Âu tại Brussels (Bỉ) và Strasbourg (Pháp) Hiệp hội đã đề nghị các nghị sỹ tiếp tục ủng hộ quá trình hội nhập với nước sở tại và giữ gìn văn hóa dân tộc của cộng đồng người Việt tại châu Âu; ủng hộ một số vấn đề mà Việt Nam quan tâm như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), vận động bãi bỏ thẻ vàng đối với hàng thủy sản của Việt Nam…

Là Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, cũng đồng thời là một doanh nhân thành đạt, ông Hoàng Đình Thắng cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết là một thành công lớn, sẽ mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Đây là thời cơ để bà con cộng đồng người Việt ở châu Âu tư về quê hương, đưa hàng châu Âu về Việt Nam và đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài. Bởi vì so với các doanh nghiệp người bản địa, doanh nghiệp Việt ở châu Âu sẽ hiểu hơn về phong tục, tập quán, đối tác kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa, thị trường Việt Nam.

Những năm qua, ông Thắng cũng chính là người tạo cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Cộng hòa Séc có hiệu quả thiết thực. Thông qua Trung tâm Thương mại Sapa, nhiều hàng hóa của Việt Nam có mặt tại thị trường châu Âu.

“Người Việt Nam ở từng địa bàn nắm rõ phong tục tập quán, sở thích của người bản địa, cũng biết rõ hàng hóa, tiềm năng của Việt Nam - đó là một lợi thế. Với Cộng hòa Séc thì việc Việt Nam và EU ký EVFTA cũng tạo thuận lợi về mặt đối ngoại với nước bạn. Hiện Séc coi Việt Nam là một trong 12 đối tác ưu tiên và chính quyền có sự ủng hộ tốt đối với hàng hóa của Việt Nam sang Séc và hàng hóa của Séc về Việt Nam”, ông Thắng chia sẻ.

Hiện EU có rất nhiều đối tác FTA và những đối tác này đang cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam khi tiếp cận thị trường. Vì vậy, có chớp được thời cơ để phát triển thành công hay không ông Thắng cho rằng còn phụ thuộc rất nhiều vào định hướng, tìm kiếm đối tác tin cậy và các bước đi đúng của doanh nghiệp Việt. “Trong thời đại hiện nay để các doanh nghiệp đạt thành công rất cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Tôi cho rằng nếu có sự phối hợp tốt của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp người Việt ở châu Âu thì hiệu quả kinh doanh và đầu tư chắc chắn sẽ tốt hơn”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, ông Janusz Piechocinski, Chủ tịch Phòng Thương mại Ba Lan - châu Á và các chính khách Ba Lan cho rằng EVFTA sẽ là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp Việt kiều tại Ba Lan nói riêng và toàn châu Âu nói chung nắm bắt thời cơ tái cơ cấu tổ chức, phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất và tiếp cận các thị trường mới. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Ba Lan năm 2018 đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng gần 60% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 1,33 tỷ USD, tăng gần 72%.Hiện có khoảng hơn 40.000 người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Ba Lan. Cộng đồng người Việt ở đây phát triển ổn định, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nước sở tại, là một trong số ít cộng đồng tại châu Âu phát triển mạnh. Nếu chúng ta kết nối tốt thì rất có thể mỗi doanh nghiệp kiều bào ở Ba Lan sẽ là một kênh tiêu thụ, là cầu nối thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa hàng Việt Nam vào thị trường châu Âu nói chung và Ba Lan nói riêng.

Được biết, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt kim ngạch 35,8 tỷ USD. Còn trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ đạt 16,1 tỷ USD, giảm 8,8%. Mặc dù con số giảm không hề khiêm tốn nhưng nếu xét trong tổng thể nhu cầu nhập khẩu của EU giảm tới hơn 12% sẽ thấy điểm sáng, chứng tỏ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU tương đối có tính cạnh tranh ngay cả khi EVFTA chưa có hiệu lực.

Cùng với Hiệp hội người Việt tại châu Âu, thì Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn có sứ mệnh thu hút các nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài về phát triển kinh tế trong nước, đồng thời góp phần xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài hùng mạnh, có vị thế xứng đáng. Hiện Hiệp hội có hơn 300 hội viên là những doanh nhân thành đạt, có uy tín, đang sinh sống và làm việc tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng sẽ là nguồn lực mạnh mẽ và có thể đóng góp tốt cho quê hương nếu được khơi gợi, kết nối hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cầu nối để hàng Việt vào EU

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO