Cầu Vàm Cống lộ nhiều bất cập trạm thu phí T2

Quốc Trung 24/05/2019 07:00

Những ngày qua, sau khi cầu Vàm Cống khánh thành đi vào hoạt động người dân 3 địa phương TP Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp chưa kịp vui thì lại bức xúc tình trạng trạm thu phí BOT T2 (gọi tắt là trạm T2) đặt tại khu vực này đã lộ ra nhiều bất cập…

Cầu Vàm Cống lộ nhiều bất cập trạm thu phí T2

Trạm BOT T2, đặt tại quận Thốt Nốt xuất hiện nhiều bất cập.

Vị trí đặt trạm T2 có bất hợp lý?

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 có tổng mức đầu tư 1.588 tỉ đồng. Sau khi được nâng cấp, toàn tuyến với chiều dài khoảng 28 km, trên tuyến này xuất hiện 2 Trạm thu phí T1 (nằm ở Q. Ô Môn) và T2 (Q. Thốt Nốt). Việc đặt vị trí trạm T1 cơ bản không có vấn đề gì, tuy nhiên tại trạm T2 lại gặp phải sự phản kháng của người dân thậm chí là cả chính quyền địa phương…

Nguyên nhân là do trạm T2 đặt vị trí chưa hợp lý, theo người dân và các tài xế cho biết, trạm T2 đặt ở vị trí qua ngã Lộ Tẻ (đường rẽ từ An Giang đi Kiên Giang- PV) khiến cho nhiều tài xế đi từ An Giang qua Kiên Giang không đi trên tuyến đường nâng cấp cũng phải đóng tiền phí và ngược lại những xe từ Kiên Giang qua An Giang cũng phải đóng phí cả tuyến đường không sử dụng. Hiện tại, sau khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng đi từ Đồng Tháp, qua cầu Vàm Cống rẽ về An Giang, chỉ đi vài trăm mét và không đi trên tuyến đường nâng cấp cũng đóng phí cho Trạm T2.

Ngày 22/5, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang đã có văn bản kiến nghị lên Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và các ngành chức năng về việc bất hợp lý vị trí đặt trạm T2. Theo Hiệp hội, ngay từ khi trạm T2 chuẩn bị xây dựng ở vị trí hiện tại, Hiệp hội đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT về việc bất hợp lý nhưng Bộ ngành hữu quan vẫn chưa có cách giải quyết.

Hiệp hội vận tải ô tô An Giang cho rằng, hiện nay cầu Vàm Cống đã đi vào hoạt động, tỉnh An Giang bị ảnh hưởng hầu như toàn diện khi phải qua cầu Vàm Cống về TP HCM với lưu lượng xe rất lớn, thiệt hại về tài chính đối với các doanh nghiệp là không nhỏ.

Theo tính toán của Hiệp hội, hiện có 7.556 phương tiện đã được miễn giảm, nhưng chỉ có 434 phương tiện miễn 100%, còn lại phải đóng 50% và còn nhiều phương tiện nữa chưa được giải quyết trong khi đây là đường độc đạo phải qua QL80 để đi về tỉnh Kiên Giang và nay lên xuống cầu Vàm Cống. Qua cầu Vàm Cống không tốn phí nhưng lại tốn phí qua trạm BOT T2 lớn trong khi phương tiện qua đoạn đường rất ngắn…

Hiệp hội vận tải ô tô An Giang nhận định: Rõ ràng vị trí trạm T2 là bất hợp lý, để khắc phục sai sót thay vì truy cứu trách nhiệm những người đã tham mưu, quyết định vị trí đặt trạm lại bắt người dân phải gánh chịu cái sau đó là điều khiến người dân và các doanh nghiệp khó có thể chấp nhận.

Hiệp hội kiến nghị thu phí theo tỉ lệ cự ly tham gia: 1/40 theo mức Tổng cục Đường bộ đã quy định về trạm thu phí không dừng; Dành hẳn hai làn phương tiện đi và về Long Xuyên - Kiên Giang được miễn phí hoàn toàn; Hoặc di dời trạm T2 đến vị trí phù hợp…

Giải pháp nào?

Sáng ngày 23/5, UBND TP Cần Thơ đã có cuộc họp khẩn với Tổng cục Đường bộ, tỉnh An Giang và Đồng Tháp để bàn tìm giải pháp giải quyết vướng mắc, xem xét những kiến nghị liên quan tới trạm T2.

Tại cuộc họp các địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp như giảm phí, di dời trạm thu phí về vị trí khác, phát thẻ thu phí với mức phí riêng khoảng 2.000 đồng/lượt xe cho những xe chỉ đi 300 m - 1 km...

Tuy nhiên theo thông tin chúng tôi nắm được, hiện tại vẫn chưa phương án nào được quyết định vì phải chờ quyết định cuối cùng của Bộ GTVT.

Ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang chia sẻ ngoài lề với báo chí: Các đơn vị dự họp đã thống nhất không thông tin kết luận cuộc họp ra bên ngoài.

“Chúng tôi đề xuất những xe từ Kiên Giang hoặc từ Cầu Vàm Cống về An Giang thì được phát một thẻ tới trạm T2 sẽ trả thẻ đó và mua với vé 2.000 đồng để qua trạm tương đương 300 m đường. Những xe từ An Giang đi về Kiên Giang hoặc qua cầu Vàm Cống, phương án có thể là bán vé 2.000 đồng, còn đối với xe về Cần Thơ thì xuống tới trạm T1 mua tiếp vé 33.000 đồng là đủ 35.000 đồng.

Phương án 2, nếu nhà đầu tư sợ thất thu thì bán cho tài xế vé 35.000 đồng ở trạm T2 nhưng khi phương tiện vào QL80 về Kiên Giang hoặc về Vàm Cống thì phải trả lại 33.000 đồng”- ông Trí thông tin.

Ông Trí cũng cho biết, vấn đề thu phí ở trạm BOT T2 đã đặt ra từ lâu, cũng được xử lý bằng phương pháp miễn giảm nhưng chỉ phù hợp với tình hình trước còn nay thì không.

Đối với câu hỏi của phóng viên về việc người dân và tài xế đề nghị di dời trạm T2 đi nơi khác, ông Trí nói: Tất cả các thành phần dự họp đều thấy việc dời trạm là không khả thi, tốn kém và không cần thiết. Bởi vì chúng ta có quá nhiều phương án xử lý thì tội gì phải chọn dời trạm để tốn biết bao nhiêu tiền vào đó” - ông Trí nói.

Nhiều người dân, tài xế, nhất là chính quyền tỉnh An Giang hiện đang lo lắng khi từ ngày 27 đến 31/5 tới tỉnh An Giang sẽ tiến hành lễ vía bà Chúa Xứ Núi Sam tại TP Châu Đốc, thời điểm này sẽ có hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về đây, nếu trạm T2 không có biện pháp xử lý hợp tình hợp lý, nơi đây sẽ xảy ra điểm nóng, ảnh hưởng rất nhiều tới tình hình trật tự an ninh địa phương cũng như ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa du lịch của tỉnh An Giang. Vì vậy ngành chức năng cần sớm đề ra phương án hợp lý, hợp tình về việc thu phí tại trạm T2…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cầu Vàm Cống lộ nhiều bất cập trạm thu phí T2

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO