Cây gọi

Nguyễn Quang Hưng 01/08/2021 10:00

Như có một ý từ lá xanh. Ý đấy là màu đang mỡ lên. Là xanh đến hút mắt lại. Cảm giác như có thể nạp cái dòng năng lượng vô hình tươi trong từ đó vào người mình được.

Nghĩ đến đây tôi lại thấy ngạc nhiên là chỉ bằng mắt nhìn thôi, thì sao một bụi cỏ lá đương trổ óng ả, mình nhìn lại đắm hơn khi trông một mảng mà cũng màu xanh ấy, nhưng là sơn trên tôn, hay xanh của ghế nhựa, hay cả những khóm vảy ốc và dương xỉ nhựa dán theo khung tường chữ nhật một gian tiền sảnh công ty, công sở nào đó.

Mơ hồ lý giải là màu xanh trên cơ thể sống thì nó khác trên vật thể “chết” - theo cái nghĩa đã định hình, đã bất động, đã… giả.

Nhưng, vẫn chỉ là mắt nhìn, chứ đâu đã chạm, cầm nắm, đã thưởng thức vào vị giác, mà sao ánh nhìn cây cối đang lên, vạt đồi bò lan những mảng cỏ, dãy núi chồng tầng xanh đến đen lại, thì có thể thấy tươi, thấy khỏe, thấy “sống” hơn? Cứ như là thị giác đã được lồng thêm thính giác để mà nhìn thì có thể nhận thêm ô xy cho cơ thể của mình. Một tấm thân vốn đã nằng nặng, chì chì vì bụi bặm, vì khói đen rồi.

Vậy đấy có phải là ý của sản sinh, đua nở, của chen lên mà sống, mà tươi. Và dù chỉ là một giỏ càng cua treo đung đưa trong phần lô ra của căn hộ, hay tán cau cảnh lòa xòa vươn lên khỏi bức tường hoa hàng xóm, thì cũng đã nói với ta những tình ý mỡ màu. Như khi ta trải dài cảm giác lan tràn cùng màu xanh cánh đồng đang tan ra theo nắng. Như khi cứ đi vào giữa những lối thông u u thổi, lòa xòa kim kim xanh che đầu, quấn lối chân lên dốc, nghĩ mình lạc đường đến nơi rồi, thậm chí còn muốn mình sẽ lạc nữa, trong một ngày chẳng hạn, cho xa ra khỏi phố chật chội. Chợt nhớ rừng thông chỗ trường đại học lâm nghiệp Xuân Mai, bước lên đó, đi mãi, có lẽ sẽ theo những sống lưng đồi mà vào xa sâu mãi phía Lương Sơn hay rẽ sang bên Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, lang thang trong miền xanh vĩ đại. Ngày xưa đám học sinh hay rủ nhau đi xe đạp lên đó chơi. Cũng mấy chục cây chứ chẳng vừa, đạp xe đằng đẵng con đường 6 nhỏ hẹp. Cứ hướng về những mảng xanh phía trước mà đi theo. Dọc đường hết Hà Đông một đoạn có lối rẽ đi chùa Trầm dưới chân núi Trầm. Học sinh cũng hay rủ nhau về chơi nơi đó. Cũng như đằng chùa Thầy đi theo đường 72 về phía Quốc Oai, Sơn Tây xa hơn nữa, là điểm đến một thời những ngày các lớp học thanh thiếu niên được nghỉ, những dịp lễ Tết. Mấy cụm núi đá vôi vươn lên kỳ ảo giữa đồng bằng, những cỏ cây bám núi bám đồi hình thù kỳ dị. Rồi vùng cây bám tròn um tùm trên núi đất đá ong sẫm vàng quanh chùa Tây Phương. Những cây cổ thụ mọc quanh quả núi thấp chùa Trăm Gian. Những miền chùa trong cây, cây trên núi ấy, cứ tìm đến, nhừ chân đi lên, rồi lại thõng từng bước mỏi mà đi xuống, sau nửa ngày trèo leo, hỏi han, nhìn xa xăm, lạ lẫm.

Ngẫm lại, chỉ để thỏa niềm ham thích khám phá, ngắm nghía những cảnh quan, công trình mà ngày thường học trò trong phố ít được trải nghiệm. Nhưng xa xăm, có tiếng gọi gì không của bản năng giống loài, của gốc cội tự nhiên thuở hoang sơ con người ở núi, ở cây, ăn ngủ cùng lá cỏ. Có gì đó trong người chúng ta, trong cả nghĩ ngợi và vô thức, đã như là di truyền, về sự cần, sự muốn, sự thân quen với thế giới các loài thực vật. Nên ta gặp cây thì tưởng như có cảm tình, nhìn thấy đằng xa thì muốn rảo đến nghỉ chân dưới bóng.

Dây vạn niên thanh được nước cứ thế bò theo cửa sổ. Lan đến đâu trên những song hoa, mép tường, lên cả mấy quyển sách, mà mình thấy có gì mảnh mảnh, mườn mượt, thanh thanh, nó cũng len lỏi trong người mình. Tôi đến nhà người bạn thôn và cứ muốn trở đi trở lại mãi thôi, vì trong vạt vườn trên khoảnh sân trong làng thôn Ngọc Mỹ - Quốc Oai không còn rộng rãi nữa, vẫn có đủ những gì cần để tưởng tượng cho một thế giới cỏ cây. Đôi thân cau non óng vượt cao, mảng tim tím mơ lông dàn ra một vạt tường, bám theo cái sào tre nhỏ bắc từ phía đó sang nay đã bò đến mái nhà, tán đinh lăng bù xù, mấy bụi lưỡi hổ, lấm tấm trắng mịn hoa bụi nhài, đôi ba khóm cỏ xanh dại bám luẩn quẩn sát đất… Cây xen nhau, nấp quanh nhau trên mấy vuông đất gọn, nối lại, liền mảng lá, vệt vườn quê nhỏ gọi một cảm giác sống mà ngày nắng gắt ngồi trong hiên nhìn ra, khi mưa quần quật nước sũng mặt lá, hay đêm hôm đứng nhìn cảnh vật im lặng bừng thức, lúc nào cũng thấy được cộng hưởng vào một không khí tươi tắn ngập tràn. Tôi nghĩ đến khu vườn của gia đình nhà thơ ở làng quê bản quán, dưới tán lộc vừng hoe hoe nắng, cỏ đã xanh buốt ken dày khiến cho mình không có cảm giác dẫm lên đất nữa, nhưng chiếc máy xén vẫn cứ để lăn lóc trong góc gian chứa đồ. Hình như chủ nhân mải bận, hay thích cỏ cây rườm rà hơn là một kiểu dọn dẹp xén tỉa ngang hàng thẳng lối. Ngôi nhà ấy, dàn thiên lý rợp xuống lối bước vào từ cổng, đem lại cho ta một cảm giác chở che dưới mưa nắng. Từ vườn nhà, màu cây như chảy từ trong ra ngoài, từ dưới lên cao, liền với xanh non, xanh thẫm lối xóm, đường làng, và lan theo cả những rặng cây triền đê sông Đáy về phía cánh đồng xa xa hút đi khuất khuất những rặng núi mạn Hương Sơn, phía Hòa Bình. Không gian miền thôn dã bên bờ sông nước mang lại cho ta cảm nhận một sức cây sức lá chảy thành dòng, không cản ngăn, không khoảng cách.

Rừng những núi đồi gọi ý nghĩ cội rễ, cho ta một mơ hồ hoài niệm hồng hoang. Vườn tược quê hương gieo trong ta niềm ân huệ nương náu. Chẳng phải những tre những xoan cứ dựng lên bao bọc làng thôn và cho người những cột những xà làm thành nơi ở đó sao. Và rau cỏ bờ rào, dây bầu, bè muống, những thân chuối, cây sấu cây chanh lại dành cho cả nhà ta xưa những cuộc quây quần chiều chiều mát ngọt lành lặn. Đến cả cây nhỏ văn phòng, xanh lên lẻ loi giữa vùng giấy tờ máy móc và áo quần thời trang, đồng phục công sở, cũng gợi cho ta những ý nghĩ mềm mại nào đấy, chùng lại những gân guốc, những nói nhưng đi, sầm sập giữa ngày dài căng thẳng. Nó thôi thúc ta nghĩ xanh, làm gì tươi tắn, sáng sủa hơn, hướng về trong lành và lan tỏa.

Bởi thế mà quanh chỗ ta ngồi, ở nơi ta sống, đừng quên để thiếu màu cây. Thiếu diệp lục của tự nhiên, tâm trí ta lụi đi, lòng ta cằn khô là điều có thật. Tôi may mắn làm việc gần cỏ cây, ngày ngày đến và rời đi, trôi vào mắt có màu lá, có thân cây, trong mình dấy lên những mầm nao nức. Nhưng không vì thế mà đi đâu lại không cuốn hút vào cây cối nơi ấy, bởi muôn màu vẻ lại cho ta thêm những thiện lành, mọc thêm nhiều suy nghĩ mới.

Thế nên tôi thấy xót khi đường sá, khuôn viên, sân sướng mới người ta xây dựng nên mà cây cối chưa lên theo cho kịp diện tích nhựa đường, mặt bằng bê tông, những mảng sân gạch đá bủa vây, lan tỏa. Ái ngại trước cho những đời sống rồi sẽ diễn ra ở nơi này. Đành rằng còn phải gieo, trồng, vun chăm, phải để cho cây lớn lên những vườn, những rặng dài. Nhưng thường xuyên là như thế, rất muộn, rất lâu, mới có thể có cây lá vươn lên che đường người trong thời tiết cực đoan những tháng năm nhiều biến đổi này. Mà càng tiếc khi những gì đã lên thân lên tán, đã sum suê dày dặn thì lại có thể bị cắt bỏ đi mà không có cách giữ gìn, chăm nom cho tiếp tục tươi đẹp. Lạ thế đấy, chuyện cỏ cây trong đời sống chúng ta, mà ngẫm nghĩ ra vào những điều hoa lá, màu sắc, mầm cành, nó lại bẻ lái suy nghiệm của ta đến bao nhiêu lẽ tồn vong, sinh sôi, vượt lên và uyển chuyển của đường đi, lối sống con người.

Thử nhớ xem một mặt cắt vạt đất, rễ cây bò lan man kết nối, bện giằng, ta nhìn thấy có khác gì mạng lưới mạch máu, khác gì những nếp nhăn vỏ não nối nhau lan quanh, lan đi đến những nghĩ ngợi sâu và xa vô biên.

Thử nhìn xem những cây dựng lên vươn cành như tay các phía, tàng cây xanh mát um tùm là mái đầu, im lặng rung rinh, im lìm xanh tốt, như muốn tượng hình cuộc sống lớn, cuộc sống mỗi con người, lên đi, lên đi, và xanh nữa.

Những huyền tích mở cho ta hình dung về các đấng bậc ra đời từ thân gỗ, từ cội rễ. Bao lời ăn tiếng nói và tập quán truyền lưu, có hình ảnh cây lá bảo vệ, che chắn làng xóm, cửa nhà. Đến cả hôm nay, nghĩ mà xem, những điều ấy vẫn đang là đời thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây gọi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO