Cây phong lá đỏ và BRT Hà Nội

Nam Việt 07/04/2021 05:40

Trước khi nói về xe buýt nhanh (BRT) của Hà Nội, xin được nói chuyện cây phong. Vào năm 2018, Hà Nội trồng thí điểm hàng cây phong lá đỏ trên dải phân cách của hai tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và  Trần Duy Hưng. Lúc bấy giờ người ta coi đó là “sự lạ” vì từ lâu người Hà Nội vẫn nhìn những loại cây rất thân quen đứng hai bên phố. Cây phong lá đỏ như một vị khách đến từ phương xa vì thế được chờ đợi.

Nút giao Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương (Hà Nội), vào giờ cao điểm không còn đường riêng cho xe buýt nhanh. Ảnh: Hải Nguyễn.

Tổng cộng có 262 cây phong được Công ty cổ phần đầu tư Tân Đại Đường tặng thành phố. Trong đó, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây.

Nhưng rồi tới nay “con đường phong lá đỏ” không như kỳ vọng bởi cây khô héo. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, qua theo dõi cây phong trồng thử nghiệm cho thấy chúng sinh trưởng, phát triển kém. Lý do chính là do loài cây này chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Vì thế, việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới trên dải phân cách tuyến Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng dự kiến sẽ được thực hiện trong tháng Tư này.

Từ chuyện hàng cây phong lá đỏ “chưa thích nghi với điều kiện khí hậu Hà Nội”, khô héo dần đến mức phải thay bằng cây khác, lại nói đến hệ thống xe buýt nhanh của Hà Nội.

Xe buýt nhanh (BRT) là một trong ba hợp phần của Dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội, được phê duyệt từ năm 2007, với tổng vốn đầu tư rất lớn, nhằm kỳ vọng sẽ giải bài toán ùn tắc giao thông. Vào năm 2017, BRT chính thức vận hành. Ở nhiều tuyến, nó có đường chạy riêng để thực hiện mục tiêu duy nhất là nhanh. Nhưng chỉ 2 năm sau, vào thời điểm năm 2019, nhiều ý kiến đã cho rằng cho dù chiếm dụng hạ tầng giao thông lớn nhưng BRT đã không đạt hiệu quả, lãng phí. Một số ý kiến còn nhấn mạnh đây là một cái giá quá đắt cho một cuộc thử nghiệm thất bại.

Con số thống kê của Xí nghiệp buýt nhanh BRT Hà Nội (Tổng Công ty vận tải Hà Nội - Transerco) vào năm 2018 thì với sức chứa 90 hành khách nhưng chỉ đạt bình quân 42,6 hành khách/lượt, chưa tới 50% công suất thiết kế. Tới nay, con số này nghe chừng còn ít hơn.

Đã không đạt về số lượng khách thì tất nhiên cũng không góp phần phát triển giao thông công cộng, trong khi đó đường dành riêng cho nó (giới chuyên gia giao thông gọi là không gian biệt lập cho BRT) lại ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện khác, gây ùn tắc hơn là làm cho giao thông thông thoáng.

Nói tóm lại, kể từ đó tới nay, với những gì đang diễn ra với BRT Hà Nội, người ta nhận thấy rõ ràng đây là một dự án không khả thi, đầu tư thì tốn kém nhưng không đem lại hiệu quả. Nhiều người cho rằng Hà Nội chưa nên phát triển BRT vì hiện tại mặt cắt các tuyến đường hầu hết là hẹp, trên dưới 15 mét, trong khi mặt đường phù hợp cho buýt BRT phải 25 - 30 mét trở lên mới đủ rộng để ngăn riêng một phần cho nó.

Hiện thời, bất cứ ai muốn “thưởng thức” BRT hãy đến nhà chờ sẽ thấy ở đây rất rộng rãi nhưng lèo tèo vài ba người đợi xe, khá hiu hắt, còn thì các loại xe khác vẫn vô tư chạy rầm rập trong dải đường dành riêng cho BRT. Nói như ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thì buýt nhanh BRT có những thất bại. Việc vận hành BRT tại Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn bởi hệ thống giao thông chật hẹp, lượng phương tiện quá lớn.

Còn nhớ, trong Kết luận số 1468/KL-TTCPT, Thanh tra Chính phủ ký ngày 4/9/2018 cho rằng về quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm định phê duyệt kế hoạch cũng như đầu tư xây dựng của dự án xe buýt nhanh BRT (Hà Nội) hợp phần 1 có sai phạm gây thất thoát ngân sách cần phải được làm rõ. TTCP cũng đánh giá xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc vào giờ cao điểm. Theo kết luận thanh tra, dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra và có nhiều vấn đề trong suốt quá trình khảo sát, đầu tư xây dựng dự án.

Từ đó tới nay thời gian cũng đã dài, nhưng BRT Hà Nội vẫn vậy, vẫn có đường riêng và lượng khách vẫn ít. Nhưng có một thực tế là sự lãng phí đó từ lâu đã được “lấp đầy” bằng các phương tiện giao thông khác, từ xe máy cho đến các chủng loại ô tô lớn nhỏ. Người ta đã quên rằng có một phần đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT nên cứ thản nhiên “phi” vào. Buýt nhanh vì thế đã thành “buýt chậm”.

Như đã nói, theo kế hoạch thì ngay trong tháng Tư này Hà Nội sẽ thay hàng cây phong lá đỏ tuyến Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. Còn với buýt nhanh BRT thì sao? Nếu như hàng phong lá đỏ không thích nghi với khí hậu Hà Nội nên không phát triển được, thì có thể nói BRT không phù hợp với thực tế hạ tầng giao thông của thành phố. Cây phong với xe buýt nhanh chẳng liên quan gì tới nhau, nhưng trong câu chuyện này có một điểm chung đó là không thích hợp. Nếu vậy, thì có lẽ buýt nhanh BRT cũng nên “học tập” hàng cây phong, nên chính thức tuyên bố dừng hoặc xây hẳn dải phân cách cứng (bằng bê tông chẳng hạn) để các loại phương tiện khác không chen được vào. Còn nếu không, cứ lưỡng lự như những năm qua thì một dự án lớn được cho là văn minh đô thị sẽ chỉ kéo dài sự thất bại mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây phong lá đỏ và BRT Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO