'Cây sử sống' làng Đa Sỹ

Hồ Phương Phúc 04/08/2016 11:10

Cuộc sống ngày càng phát triển, những hình ảnh làng quê thanh bình ngày càng trở nên lạc lõng. Thế nhưng, suốt bao năm qua, ở ngôi làng trên 2000 tuổi Đa Sỹ, quận Hà Đông, TP Hà Nội có một cụ già vẫn âm thầm cầm bút viết lại những câu chuyện của làng mình. Cụ được mệnh danh là “cây sử sống của làng” được nhiều người quý trọng…

Cụ lão Huyền Khê Trịnh Quốc Hoàn.

Đó là cụ Huyền Khê Trịnh Quốc Hoàn, người làng Đa Sỹ, xã Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Năm nay cụ 80 tuổi, sống giản dị, thanh bạch, tuy tuổi già sức yếu nhưng mỗi khi ai hỏi chuyện làng, dù là những chi tiết nhỏ nhất chuyện cách đây nhiều thế kỉ cụ đều đọc vanh vách.

Từ lúc còn thanh niên, cụ đã yêu thích văn chương, dành tâm huyết nghiên cứu lịch sử, văn hoá của làng Đa Sỹ và nhiều nơi. Thế rồi từ khát vọng ấy, cụ sưu tập những câu chuyện xung quanh cái làng nghề Đa Sỹ để viết thành cuốn sách “Lại việc làng”.

Cuốn sách là những câu chuyện kể việc thôn xóm, chuyện buồn chuyện vui, từ thuở “khai thiên lập địa”, phong tục, tập quán, dân ca, đình chùa, thôn xóm, hội làng cho đến sau này.

Viết xong, cụ mang đến nhờ Giáo sư Trần Lâm Biền đọc bản thảo. Cụ Biền bảo, tôi mới đọc thử vài trang đầu, chẳng biết thế nào lại đọc liền tù tì một mạch không dứt nổi. Không giống công việc của một nhà nghiên cứu, cụ Hoàn khéo léo kể chuyện, dẫn giải, lồng vào sách những người, những việc tai nghe, mắt thấy rất sinh động.

Cụ bảo, do nhiều năm sống và chứng kiến đổi thay làng quê, cụ dần thấm thía một nỗi xót xa rằng, trong gốc cây ngọn cỏ, mỗi phận người ở đất này đều chất chứa nhiều trầm tích, văn hoá lịch sử mà thời gian cứ muốn cuốn dìm đi tất cả. Từ suy nghĩ ấy, trong suốt 2 tháng ròng, cụ ngồi cần mẫn viết cuốn “Lại việc làng” là để trả ân trả nghĩa cái miền quê trên 2000 năm tuổi của mình.

Tất cả tâm tư, tình yêu rồi vốn kiến thức sâu rộng về quê hương được cụ Hoàn thể hiện trong “Phi lộ” của sách: “Ở đời, ai mà chẳng mải mê, bận rộn mưu sinh. Chợt, có một lúc nào đó, ta dừng chân dưới một gốc đa, gốc bàng cổ thụ phía đầu làng, lòng ta không khỏi bâng khuâng nghĩ về dĩ vãng... Một cây bàng còn như vậy, một Làng ắt có biết bao dấu ấn, biết bao “Cái ngày xưa”, khiến con người nghĩ đến mà tự hào, mà ngây ngất ấm lòng... Rồi, chính từ đó, trái tim ta xốn xang tình yêu quê da diết...”.

Cụ Hoàn nuối tiếc quá khứ về những di sản người làng vô tình đang biến mất: “Không đâu như ở Đa Sỹ quê tôi. Từ xưa đã có cái vườn học, ở đó bao nhiêu tiến sĩ, lưỡng quốc trạng nguyên đã từng ngồi ôn luyện bài vở. Là nơi các thầy đồ dạy trẻ, ở đấy có đủ bàn thờ Đức Khổng Tử, rồi Thất thập nhị hiền, trồng bao nhiêu loại cây, bây giờ đã bị bỏ quên.

Rồi ngôi chùa làng, một minh chứng đắt giá cho tuổi đời ngôi làng này đã trên 2.000 năm giờ đã bị phá bỏ hoàn toàn. Nhiều đêm nằm nghĩ lòng xót xa vô hạn. Tôi nghĩ mình phải viết lại những phong tục tập quán nghi lễ của cha ông để con cháu còn biết để tiếp nối truyền thống”.

Phải nói rằng, ngoài giá trị chân thực như một cuốn phim tư liệu về nguồn cội của làng Đa Sỹ nhỏ bé, cái hay của cuốn sử làng do cụ Hoàn chắp bút chính nằm ở cái tài của người viết. Lúc đầu có nhiều người nghĩ rằng cụ Hoàn làng mình đốc chứng dở người, cũng có người nghi ngờ này nọ. Nhưng rồi, tài chữ nghĩa và niềm đam mê của cụ Hoàn đã kéo cả thôn vào công việc đọc sử, viết sử.

Bước qua tuổi 80, đã gói ghém mọi thứ để về trời rồi, cụ Hoàn vẫn một niềm băn khoăn rằng: không biết bao giờ khỏi bệnh để tiếp tục viết tiếp sử làng. Những câu chuyện của làng mà cụ Hoàn kì công sưu tầm được sẽ luôn là một cái gì đó thật mến thương, thật nguồn cội đối với người dân thôn sở tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Cây sử sống' làng Đa Sỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO