Chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Lan Hương 21/11/2017 09:40

Ngày 20/11, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH phối hợp Tổ chức Care for Children tổ chức Hội nghị triển khai Dự án Thí điểm mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và dễ bị tổn thương.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 170 nghìn trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Trên 22 nghìn trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở nuôi dưỡng. Để trẻ em có được sự chăm sóc cũng như mái ấm từ cộng đồng, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Đà Nẵng triển khai mô hình thí điểm chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại gia đình.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc chăm sóc thay thế hiện nay vẫn còn một số những khó khăn như: Nhận thức của cộng đồng về chăm sóc thay thế trẻ em còn hạn chế do hình thức chăm sóc này vẫn còn mới tại Việt Nam nên cộng đồng chưa tham gia nhiều, chủ yếu việc nhận nuôi trẻ vẫn chỉ là do người thân họ hàng, số lượng đối tượng là người khác trong cộng đồng chưa được áp dụng nhiều. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em tại cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội còn thiếu các kiến thức, kỹ năng trong việc đánh giá trẻ em và gia đình nhận chăm sóc thế, kỹ năng giám sát đánh giá quá chăm sóc thay thế trẻ em tại các gia đình.

Từ thực trạng trên, nhằm giúp Việt Nam triển khai mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Tổ chức Care for Children triển khai Dự án Thí điểm mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và dễ bị tổn thương. Dự án sẽ được triển khai 12 năm gồm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ được thí điểm triển khai tại Hà Nội và Thái Nguyên. Với thời gian thí điểm 3 năm Care for Children cùng với các đối tác thuộc Chính phủ khởi động Dự án thí điểm với một số lượng nhỏ các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để thiết lập nên các mô hình thí điểm và xây dựng tài liệu, chương trình đào tạo về chăm sóc thay thế cho toàn quốc. Giai đoạn 2 sẽ triển khai toàn quốc thông qua một chương trình đào tạo chiến lược…

Đánh giá về việc triển khai Dự án, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho rằng: Luật Trẻ em quy định các yêu cầu đối với chăm sóc thay thế, đối tượng trẻ em được nhận chăm sóc thay thế, các hình thức chăm sóc thay thế; quy định các điều kiện, tiêu chuẩn của các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế và các quy trình thủ tục nhận chăm sóc thay thế, các chính sách cho các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế. Luật Trẻ em cũng quy định nguyên tắc ưu tiên hàng đầu việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích và chỉ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khi các hình thức trên không thực hiện được.

Vẫn theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, khi trẻ sống trong môi trường gia đình, các em sẽ có cơ hội phát triển đầy đủ hơn cả về thể chất và tinh thần. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng khi mà trẻ chưa có cơ hội được chăm sóc nuôi dưỡng tại gia đình thay thế. “Thực tế cũng cho thấy rằng, việc chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình sẽ tiết kiệm chi phí và quan trọng hơn là trẻ hoà nhập tốt hơn, chỉ số IQ, EQ của trẻ phát triển tốt hơn khi được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung” - Thứ trưởng Lan nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng: Cần sự chung tay của toàn xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO