Chậm trễ

Kiên Long 19/02/2016 11:13

Việc cơ quan soạn thảo một lần nữa xin lùi thời gian trình Luật Biểu tình khiến không chỉ QH, các chuyên gia pháp luật mà dư luận nhân dân hết sức băn khoăn.Chính Chủ tịch Quốc hội và nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải đưa Dự thảo Luật Biểu tình trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 11 tới đây (tháng 3/2016). Đây là việc làm để bảo đảm tính nghiêm minh của Hiến pháp và pháp luật, vì tính dân chủ, quyền lợi của nước, của dân.

Chậm trễ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Biểu tình hôm 17/2.

Theo Điều 25 Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cũng theo Hiến pháp: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14). Việc khẩn trương ban hành Luật Biểu tình để đảm bảo quyền của dân là một nhu cầu cấp thiết.

Dự án Luật Biểu tình đã được chuẩn bị, triển khai với thời gian đã khá dài. Tháng 6-2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014”, trong đó, dự kiến Dự án Luật Biểu tình sẽ được đưa ra trình, lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015). Thế rồi, sau 3 lần chương trình được đề nghị điều chỉnh (9/2014, 2/2015, 3/2015), tháng 6/2015, Quốc hội đã có Nghị quyết số 89 dự kiến Dự án Luật Biểu tình sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016).

Tuy nhiên, đến nay khi kỳ họp tháng 3 đã cận kề thì cơ quan soạn thảo lại có tờ trình xin lùi thời gian đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2016). Điều khiến không ít cử tri, người dân và nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn là vì sao một đạo luật quan trọng, điều chỉnh nội dung mà xã hội đang đòi hỏi cấp thiết lại cứ mãi phải lùi?

Đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - người đứng đầu cơ quan lập pháp cũng phải băn khoăn tự hỏi:“Tại sao cứ lùi đi, lùi lại mãi, do không làm được hay không chịu làm?”. Với lý do các thành viên Chính phủ chưa thống nhất về nhiều điểm quan trọng trong Dự thảo cũng chưa thuyết phục, và như Chủ tịch Quốc hội nêu, Dự án Luật chưa trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban còn chưa biết nội dung cụ thể. Thực tế, Dự thảo Luật dù đưa ra Quốc hội cũng còn phải bàn nhiều, lấy ý kiến tại Quốc hội, nhất là ý kiến người dân…

Xung quanh việc xây dựng Dự án Luật Biểu tình, được biết Chính phủ cũng đã rất quyết tâm. Hơn một năm trước, khi tổng kết công tác xây dựng luật, pháp lệnh,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải nhắc nhở về tình trạng nợ đọng văn bản, tình trạng không ít văn bản mang tính khả thi không cao, chưa sát thực tế. Thủ tướng đã yêu cầu phải tập trung hoàn thiện các văn bản có trong chương trình để trình Quốc hội theo đúng yêu cầu, phải hạn chế thấp nhất việc xin rút, xin lùi.

Riêng với Dự án Luật Biểu tình, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh: Hiến pháp đã quy định người dân có quyền biểu tình. Quyền của dân do luật định, nhưng hiện mới chỉ có Nghị định của Chính phủ quy định, yêu cầu Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật này cần tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng khẳng định: “Biểu tình là một quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp đã quy định đối với những quyền cơ bản đó thì chỉ có thể bị hạn chế bằng luật, không thể mãi sử dụng nghị định được. Nhu cầu thực tiễn đòi hỏi điều đó”. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng mong muốn ban hành được Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ này.

Tuy nhiên, rõ ràng các cơ quan soạn thảo, tham mưu, xây dựng vẫn chưa tập trung sức lực để đẩy nhanh tiến độ. Công tác xây dựng văn bản pháp luật nói chung vẫn đầy vấn đề bất cập. Cuối năm 2015, theo rà soát, đánh giá của Bộ Tư pháp, số lượng văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng lại vẫn rất lớn, nhất là ở giai đoạn nghiên cứu soạn thảo, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo tại các bộ, các cơ quan ngang bộ, xin ý kiến thành viên Chính phủ. Quý III-2015, còn 80 văn bản nợ, tăng 46 văn bản so với Quý III-2014. Đặc biệt có 43 văn bản nợ đọng vẫn còn ở trong giai đoạn nghiên cứu, soạn thảo, chủ yếu là thông tư, thông tư liên tịch.

Đó là chưa kể về chất lượng văn bản. Qua rà soát, kiểm tra 10 năm (2003-2013), đã phát hiện đến hơn 60.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm về các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản, trong đó có hàng ngàn văn bản trái luật. Không ít văn bản, kể cả luật thiếu tính khả thi. Ngay chuyện một số luật hiện chưa có hiệu lực đã đề nghị phải sửa cũng đã cho thấy những tồn tại trong công tác này. Bộ Tư pháp từng đánh giá, một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, ưu tiên, tập trung nguồn lực…

Dù công tác xây dựng văn bản còn nhiều vấn đề phải làm, nhưng với Luật Biểu tình không thể tiếp tục để câu lui. Xung quanh các vấn đề nội dung còn tranh luận, yêu cầu cần phải đầu tư thời gian, công sức như khái niệm “biểu tình”, “quyền tự do biểu tình”, “nơi công cộng”, “tụ tập đông người”…cũng không hẳn là vấn đề không thể, khó giải quyết. Dân ta đã thường tập trung đông người mít tinh …thể hiện sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước của mình.

Mọi vấn đề khó cần phải đưa ra trước dân, lấy ý kiến của dân. Việc xây dựng pháp luật phải đáp ứng được đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống, vì lợi ích của người dân; đảm bảo yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc sống xã hội đang đòi hỏi và người dân yêu cầu những người được dân trao quyền khẩn trương thực hiện có trách nhiệm nhiệm vụ của mình trước Tổ quốc và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm trễ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO