Chậm trễ cải tạo chung cư cũ: Lẽ nào do dân chưa thuận?

Nguyên Khánh 22/03/2021 06:35

Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn các thành phố là câu chuyện không mới nhưng đến nay vẫn gần như chưa có chuyển biến gì. Sự chậm trễ này đã khiến những căn nhà có tuổi đời quá cao đã xập xệ càng trở nên nguy hiểm hơn cho những những người dân phải sinh sống ở đó.

Hà Nội vẫn còn nhiều chung cư cũ xuống cấp cần sớm được sửa chữa, xây mới.

Mắc nhất ở khâu giải phóng mặt bằng

Mới đây, vấn đề cải tạo chung cư cũ lại nóng lên khi Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội liên tiếp đưa ra các đề xuất kiến nghị, nhằm tạo ra một cơ chế đặc thù riêng để đẩy nhanh quá trình này. Vậy cải tạo chung cư cũ đang gặp vướng mắc ở đâu?

Chung cư 30A Lý Thường Kiệt, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, sau khi được cải tạo lại chung cư đã trở thành một tòa nhà khang trang. Ngoài phần căn hộ được xây tái định cư tại chỗ, trả lại cho người dân, chủ đầu tư được kinh doanh tầng 1 và bán một số căn hộ thương mại ở tầng trên, với giá 300 triệu đồng/m2, mức giá cao kỷ lục của thủ đô.

Rõ ràng, với vị trí đắc địa ở các quận nội đô, hầu hết các chung cư cũ rất có sức hấp dẫn với các doanh nghiệp. Thế nhưng, do vướng mắc về cơ chế, nhiều doanh nghiệp dù muốn cũng không thể thực hiện được. Giải phóng mặt bằng, thuyết phục được người dân chính là “nút thắt” lớn nhất.

Từ sau năm 2014, thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực, nếu thực hiện cải tạo nhà chung cư cũ đã xuống cấp, nhưng không phải là nhà cấp nguy hiểm thì doanh nghiệp phải đạt 100% ý kiến đồng ý của cư dân. Nhiều doanh nghiệp cho biết, sự hào hứng của họ đã giảm dần bởi quy định này.

“Không bao giờ có được 100% cư dân đồng ý, nếu yêu cầu như thế việc cải tạo sẽ đi vào ngõ cụt”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản toàn cầu GP Invest nói.

Vì sao việc chờ đợi 100% đồng thuận là điều khó như lên trời là bởi, theo khảo sát của một số tập đoàn bất động sản với 3.436 căn hộ (16.088 người dân) tại khu tập thể Thành Công cho thấy có khoảng 94% hộ dân ủng hộ dự án; 91% đề nghị tái định cư tại chỗ; 85% hộ dân muốn tăng diện tích căn hộ sau cải tạo. 80% người dân muốn có siêu thị tại nơi ở. Thế nhưng các hộ tầng 1 không kê khai phiếu khảo sát.

Theo kết quả khảo sát của Công ty CP Tập đoàn T&T tại khu tập thể Đại học Thủy lợi, tỷ lệ ủng hộ với chủ trương cải tạo chung cư cũ đạt 75%; số không đồng thuận chiếm 25%. Với các hộ dân đang sống tại nhà liên kề chung cư cũ: 20% đồng ý cải tạo và 80% không đồng ý cải tạo. Nhu cầu tái định cư tại chỗ: 93,3% các hộ đang sống tại nhà chung cư trả lời có mong muốn; nhu cầu mua thêm diện tích: 52,1%.

Như vậy, số người dân đồng thuận cải tạo chung cư là rất cao nhưng để đạt được đến 100% là rất khó.

Lý do khiến người dân chưa đồng thuận

Qua các đợt kiểm tra, Sở Xây dựng Hà Nội đã phân loại 6 công trình nguy hiểm cấp D gồm: Đơn nguyên 1 chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng; chung cư C1 Thành Công; đơn nguyên 1, 2 G6A Thành Công; đơn nguyên 3 C8 Giảng Võ; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị, Ba Đình). Các nhà chung cư cũ này đều bị lún nứt, tách rời nhau khoảng cách 0,8 - 1,2m. Phương án di dời, bố trí quỹ nhà tạm cư cho người dân đã được UBND TP Hà Nội giao các đơn vị, địa phương triển khai từ lâu, thế nhưng hiện chỉ có chung cư C1 Thành Công giải quyết được.

Nói đến lý do chưa đồng thuận di dời, bà Nguyễn Ngọc Lan (P317, C8 Giảng Võ) cho biết, mong muốn của người dân là được làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, thống nhất phương án bồi thường, tái định cư trước khi di dời. Đồng thời cũng phải được xác nhận cụ thể mốc thời gian có thể nhận nhà mới.

Trong khi đó, nói về lý do khiến nhiều người dân tại chung cư G6A Thành Công chưa đồng thuận trong việc bàn giao nhà, ông Nguyễn Văn Chi (P407) cho biết, khu nhà xuống cấp từ rất lâu, tình trạng lún nghiêng đã xảy ra hàng chục năm nay. Tuy vậy sàn nhà, tường gạch không có hiện tượng nứt vỡ nên người dân không đồng tình với kết quả đánh giá chung cư này thuộc diện nguy hiểm cấp độ D. Chính vì thế mà việc cải tạo nhà chung cư cũ này không thuận lợi.

Sẽ sớm cởi được “nút thắt”?

Đề cập đến việc xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ đang gặp nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, có một số nguyên nhân chính là các nhà chung cư cũ tập trung chủ yếu trong khu vực nội đô, do đó bị vướng về mật độ xây dựng, chỉ tiêu dân số, chiều cao… Việc quy hoạch lại các khu chung cư cũ hiện đang rất khó. Bên cạnh đó, các địa phương chưa có đủ nguồn lực để bố trí di dời, tái định cư người dân tại các khu chung cư cũ này.

“Trước các nguyên nhân như thế, Bộ Xây dựng thời gian vừa qua đã tiến hành bàn thảo với Hà Nội và TPHCM, hai địa phương có số lượng chung cư cũ lớn nhất để đề ra các giải pháp, đảm bảo được tính khả thi. Hiện, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đang được giao chủ trì xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 101. Chúng tôi đang tiếp thu ý kiến của các đơn vị có liên quan để sửa đổi cho phù hợp. Nghị định 101 khi sửa đổi sẽ giải quyết được các vướng mắc hiện nay về mặt pháp lý” - ông Hưng cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng,để giải quyết được phải nghiên cứu đầy đủ, đặc biệt thông qua hệ thống pháp luật. Trong đó đầu tiên là việc sửa Nghị định 101/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Thậm chí chúng ta có thể tính tới việc sửa lại Luật Nhà ở và một số luật khác có liên quan để tạo ra hệ thống pháp lý đồng bộ, từ đó mới giải quyết căn cơ được vấn đề. „Cố gắng trong năm 2021 Bộ Xây dựng sẽ tập trung để có các giải pháp cơ bản xử lý vấn đề này”, ông Hùng cho hay.

Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời UBND thành phố Hà Nội về việc tháo gỡ khó khăn trong cải tạo, xây dựng lại chung cư - nhà tập thể cũ. Đồng thời, Bộ cũng đã đề xuất bổ sung chính sách nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ. “Hai địa phương là Hà Nội và TPHCM được đề xuất chọn thí điểm cơ chế đặc thù” - đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho hay. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, sau khi đã có hành lang pháp lý cơ bản, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa Luật Nhà ở để có hành lang pháp lý rộng hơn, từ đó thúc đẩy công tác tái thiết, cải tạo các chung cư cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm trễ cải tạo chung cư cũ: Lẽ nào do dân chưa thuận?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO