Chặn biến tướng hụi họ

H.Hương 18/07/2018 08:40

Hình thức chơi hụi (họ) đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều vùng quê. Nguy hiểm hơn, việc chơi họ phát triển với quy mô lớn, có tính chất phức tạp, biến tướng thành hình thức huy động vốn, cho vay nặng lãi.

Dồn tiền nhỏ thành món tiền lớn

Chơi họ (tên khác: hội, biêu, phường,) là một hình thức huy động vốn diễn ra khá phổ biến. Chơi họ cũng có nhiều hình thức, có lãi và không có lãi. Họ không lãi hay còn gọi là họ góp là hình thức một nhóm người người thống nhất cùng góp một khoản tiền và lần lượt từng người lấy.

Ví dụ: A, B, C, D, E thống nhất góp mỗi tháng 1 triệu đồng/người trong 5 tháng. Lần lượt mỗi người lấy 4 triệu đồng/tháng từ số góp của 4 người kia. Hình thức này mang tính chất tương trợ để có một món tiền “ra tấm ra món”.

Trong khi đó hình thức chơi họ có lãi hoàn toàn khác. Ví dụ có 10 người chơi, họ 1triệu/tháng, chơi 10tháng. Tháng đầu mỗi người đóng 850.000đ để đưa cho người đầu tiên lấy. Lấy xong, các tháng sau người đầu tiên phải đóng 1.000.000 đ cho tới hết chu kỳ. Người nhận tháng bất kỳ sẽ lấy tổng số tiền mà tất cả những người tháng đó đóng và phải trả tiền công cho chủ họ. Thông thường chủ họ sẽ thu hoa hồng 300.000- 5.000.000 đồng/ tháng/ chân.

Dễ hiểu hơn, người đầu tiên hốt họ sẽ phải bỏ 150.000 đồng/ mỗi chân để mua bát. Và thay vì nhận được 9 triệu đồng góp của 9 người kia, thực tế người nhận tiền đầu tiên chỉ được nhận 7, 650 triệu đồng. Trong 9 tháng còn lại, người nhận tiền đầu tiên vẫn phải đóng 1 triệu đồng/tháng để trả cho những người còn lại. Như vậy, người đầu tiên chỉ được nhận 7,650 triệu đồng, trong khi phải đóng đến 9 triệu đồng…

Đến người hốt họ thứ 2, 3, 4...sẽ nhận được tổng số tiền tất cả những người còn lại đóng đồng thời trừ đi khoản tiền hoa hồng cho chủ họ.... Về mặt lý thuyết, người cuối cùng nhận tiền là người có lợi nhất, nhưng cũng là người chịu rủi ro nhất nếu một vài thành viên tham gia họ vì lý do nào đó mà không đóng góp được. Báo cáo số 404/BC-BCA của Bộ Công an về tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 144 cũng cho biết đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ họ lớn với thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng, được Công an các đơn vị ở nước ta tiếp nhận.

Hai phương án

Việc chơi họ có mục đích ban đầu là để động viên vốn cho nhau. Hình thức này cũng mang lại nhiều tiện ích như giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, nên thu hút nhiều người tham gia đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, việc biến tướng chơi họ lãi cao rất nguy hiểm đặc biệt có xu hướng tràn lan rộng tới các vùng quê nghèo, diễn biến phức tạp.

Mới đây, Bộ Tư pháp đã trình lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Nghị định 144 nhằm thiết lập cơ chế để quan hệ về họ. Theo đó, Dự thảo có một số đề xuất thay đổi với 2 phương án.

Phương án 1; Một người được làm chủ họ của một hoặc nhiều dây họ tại cùng một thời điểm nếu tổng giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ của các dây họ không quá 200 triệu đồng, trừ trường hợp có sự đồng ý của tất cả thành viên của các dây họ”.

Phương án 2: “Một người được làm chủ họ không quá 2 dây họ tại cùng một thời điểm, trừ trường hợp có sự đồng ý của tất cả thành viên của các dây họ”.

Lãi suất trong hai phương án không vượt 20%/năm.

Trường hợp lãi suất cao hơn 20%/năm thì mức lãi vượt quá đó không có hiệu lực. Trong trường hợp lãi suất được điều chỉnh theo quy định thì khi đó lãi suất lĩnh họ cũng không được vượt quá giới hạn mới này.

Bộ Tư pháp ủng hộ phương án 1, bởi quy định này sẽ hạn chế được tình trạng một cá nhân làm chủ họ chuyên nghiệp ẩn chứa nhiều nguy cơ biến tướng.

Nhiều người dân họ có nói khi chơi họ cũng biết và thấy rủi ro. Vậy tại sao chơi họ vẫn phổ biến? Đó là do nhiều vùng nông thôn, mạng lưới ngân hàng không phổ biến. Nhiều người dân muốn tiếp cận vốn ngân hàng không dễ vì không có tài sản thế chấp. Do vậy khi người dân cần tiền họ huy động từ người thân quen, và tìm đến các họ, phường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn biến tướng hụi họ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO