Chặn nguồn 'sản xuất' tiền ảo

Lê Anh Đức 21/07/2018 09:00

Một loạt bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin -Truyền thông... khi được hỏi ý kiến đã thống nhất với đề xuất của Bộ Công thương về việc cấm nhập khẩu các máy xử lý dữ liệu tự động nhằm mục đích đào tiền ảo.

Lý do đưa ra để giải thích cho động thái trên là vì trong thời gian qua, các giao dịch tiền ảo diễn biến phức tạp, khó kiểm soát dẫn đến hệ lụy hàng chục nghìn người đã bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây được coi là sáng kiến chặn từ gốc nguồn cung cấp tiền ảo cho “chợ đen”.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện quan điểm đồng tình với ý kiến của Bộ Công thương về việc tạm dừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động nhằm mục đích đào tiền ảo. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo Bộ Công thương cần thực hiện các biện pháp để không làm ảnh hưởng đến các mặt hàng thuộc mã nhóm HS 8471 (máy xử lý dữ liệu tự động nhưng bao gồm các khối chức năng khác như PC). Tất nhiên rồi, không thể vì một loại máy đào tiền ảo mà làm ảnh hưởng, cản trở tới việc nhập khẩu các loại máy móc cần thiết khác.

Xuất phát điểm của việc các cơ quan quản lý nhà nước “đồng lòng” kiến nghị Chính phủ xem xét tạm dừng nhập khẩu đối với máy đào tiền ảo, chính từ vụ việc hơn 32.000 người đã bị kẻ xấu lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng với việc mua tiền ảo iFan coin, tại TP HCM. Từ sự việc đáng tiếc trên, cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra kiến nghị tạm dừng nhập khẩu các loại máy xử lý dữ liệu tự động với mục đích đào tiền ảo. Bộ Tài chính cho rằng, việc cho phép nhập khẩu máy đào tiền ảo là một phần nguyên nhân chính dẫn đến việc khó kiểm soát thị trường tiền ảo bất hợp pháp.

Tuy nhiên, Hải quan lại không thể “ngăn” việc nhập khẩu các loại máy xử lý dữ liệu tự động với mục đích đào tiền ảo, bởi theo quy định hiện hành thì những loại máy này không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu, đồng thời không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hoá gây mất an toàn, nên doanh nghiệp được phép làm thủ tục nhập khẩu một cách dễ dàng. Đó chính là lý do mà từ năm 2017 đến hết 4 tháng đầu năm 2018, cả nước đã nhập về khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, gồm máy xử lý dữ liệu bitcoin, dữ liệu bitmain, máy xử lý thuật toán...

Việc “bùng nổ” sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động đào bitcoin và các đồng tiền ảo khác tạo ra sự phức tạp trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, dễ bị kẻ xấu lợi dụng để sử dụng giao dịch như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác. Điều này đã vi phạm Nghị định 80/2016/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP) của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặt. Và minh chứng được Bộ Tài chính dẫn ra chính là vụ nhóm phát triển iFan lừa đảo hàng chục nghìn người với số tiền lên tới hơn 15.000 tỷ đồng.

Thực tế trên đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có biện pháp quản lý chặt chẽ việc giao dịch, thanh toán các đồng tiền ảo trên “chợ đen”. Song, việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra lệnh cấm giao dịch các loại tiền ảo dưới mọi hình thức xem ra không thể kiểm soát được trào lưu săn tìm, sở hữu và giao dịch tiền ảo. Vậy nên, có một cách khác để ngăn ngừa từ gốc vấn đề, đó là tạm dừng nhập khẩu và sử dụng các loại máy xử lý dữ liệu tự động với mục đích đào tiền ảo. Nguồn “sản xuất” tiền ảo bị ngăn chặn thì tin rằng thị trường giao dịch các loại tiền này cũng sẽ ngừng sôi động.

Bộ Tài chính tin rằng việc tạm dừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động với mục đích đào tiền ảo sẽ là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời các vụ án tương tự khác có thể xảy ra. Tất nhiên, theo lẽ thông thường khi nguồn cung tiền ảo bị ngăn chặn thì thị trường sẽ trở nên khan hiếm và bớt “nóng”. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc chấm dứt được các hoạt động giao dịch chui bằng tiền ảo giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Vì thế đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có các biện pháp đồng bộ để quản lý, giám sát chặt chẽ hơn với đối tượng này.

Đó chính là lý do mà cách đây chưa lâu, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành. Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan hữu trách tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những người cố tình thực hiện các giao dịch tiền ảo trên lãnh thổ Việt Nam.

Tin rằng, với hàng loạt các biện pháp đồng bộ của Chính phủ được triển khai, thị trường “chợ đen” tiền ảo sẽ được kiểm soát, chấn chỉnh, tránh phát sinh những hệ lụy xấu như đã từng xảy ra thời gian vừa qua. Song, bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền để người dân có đầy đủ thông tin, hiểu đúng bản chất của tiền ảo cũng như các hành vi giao dịch dưới mọi hình thức là bất hợp pháp, có nguy cơ bị lừa đảo tiền mất tật mang. Với những người cố tình vi phạm thì cần có các chế tài nghiêm khắc, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn nguồn 'sản xuất' tiền ảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO