Chặn thông tin xấu độc

Miên Thảo 22/06/2021 10:00

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh. UBND thành phố đã quyết định tiếp tục áp dụng thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ thêm 2 tuần; đồng thời ban hành Chỉ thị số 10 của thành phố tăng cường thêm các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó có việc dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát. Như vậy hoạt động kinh doanh tại mạng lưới chợ truyền thống tạm thời gặp khó khăn.

Từ đầu tháng 6 đến nay, để đảm bảo tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, TP HCM đã thực hiện giãn cách xã hội, tác động mạnh đến tiểu thương, thương nhân. Các chợ truyền thống như Bến Thành, Tân Định, Nguyễn Văn Trỗi, Thạnh Đông Tây, Tân Bình, An Đông... khá trầm lắng, sức mua giảm nên nhiều tiểu thương, thương nhân buộc phải tinh gọn quầy/sạp, giao nhận hàng hóa và nhất là giảm quy mô kinh doanh.

Nay, thực hiện Chỉ thị 10 của thành phố, việc kinh doanh buôn bán của tiểu thương tại các chợ nhỏ sẽ còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, bà con hiểu rằng, việc dừng hoạt động của các chợ tự phát là cần thiết để chặt đứt nguồn lây lan của dịch bệnh. Mỗi người chịu khó, chịu khổ một chút thì thành phố sẽ sớm khống chế được dịch, cuộc sống sẽ sớm trở lại như trước. Ngược lại, nếu dịch kéo dài thì cuộc mưu sinh sẽ càng khó khăn.

Trước thực tế đó, Sở Công thương TP HCM đã đề xuất UBND thành phố hỗ trợ trực tiếp bằng ngân sách đối với tiểu thương, thương nhân kinh doanh tại mạng lưới chợ truyền thống. Theo đó, mức hỗ trợ sẽ phân bổ theo từng hạng chợ, tương ứng 50% mức thu phí tại chợ, với thời gian trong khoảng 6 tháng (dự kiến từ tháng 7 đến hết tháng 12/2021).

Cụ thể, 14 chợ hạng 1 có mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2/tháng; 52 chợ hạng 2 có mức hỗ trợ 70.000 đồng/m2/tháng; 168 chợ hạng 3 có mức hỗ trợ 50.000 đồng/m2/tháng... Với tổng cộng gần 60.000 điểm kinh doanh trên toàn địa bàn, con số dự toán hỗ trợ là hơn 76 tỷ đồng. Đáng chú ý, Sở Công thương cũng kiến nghị UBND thành phố xem xét bổ sung thương nhân, nhân viên và người lao động tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn vào đối tượng tiêm vaccine Covid-19.

Trước việc UBND TP HCM ban hành Chỉ thị số 10 (ngày 19/6), một số người lo ngại nguồn cung lương thực, thực phẩm bị đứt gãy, cung không đủ cầu. Tuy nhiên, kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát tới nay, hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn đảm bảo an toàn. Ngày 17/6 vừa qua, Sở Công thương đã tổ chức họp giao ban trực tuyến với 22 tỉnh/thành Đông - Tây Nam Bộ để trao đổi thông tin hai chiều, dự báo tình hình thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương, thống nhất giải pháp hỗ trợ đảm bảo lưu thông, vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh/thành.

Quyết liệt phòng, chống dịch, siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch cũng là sự bắt buộc không ai muốn. Lúc này hơn lúc nào hết cần có sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ, tin tưởng và đoàn kết. Chính quyền thành phố cũng như Sở Công thương đã chủ động làm nhiều việc lo cho tiểu thương, không để nguồn cung ứng bị đứt gãy, không để một số đối tượng lợi dụng tình hình để nâng giá theo kiểu “đục nước béo cò”.

Thật đáng tiếc là vẫn xuất hiện một số thông tin “lo ngại” tăng giá nhiều mặt hàng khi TP HCM áp dụng mạnh hơn các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát. Những thông tin thiếu trách nhiệm như vậy gây hoang mang trong xã hội, tạo sức ép lên chính quyền thành phố.

Khi mà bà con tiểu thương ở các chợ tự phát chấp hành chỉ đạo của thành phố, chấp nhận khó khăn để vì mục tiêu lớn hơn, vì cộng đồng. Khi mà thành phố cũng như cơ quan chức năng đã nỗ lực hết mình hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có bà con tiểu thương, thì việc loan truyền những thông tin độc hại như vậy cần phải được chặn lại. Cơ quan chức năng cần lập tức vào cuộc truy cho ra những kẻ tung tin độc hại, bịa đặt, gây mất ổn định xã hội. Cùng đó cần có biện pháp xử lý nghiêm.

Hơn lúc nào hết, trong khó khăn lại càng cần bình tĩnh, tỉnh táo, xử lý công việc phải trên tinh thần vì dân, chia sẻ khó khăn với dân. Khi người dân chấp nhận khó khăn trước mắt để cùng chính quyền chống dịch, thì lại càng phải lo cho dân hơn...

Chiều tối ngày 21/6, gọi điện hỏi thăm một người quen trong khu vực “gay cấn” bậc nhất TP HCM là phường Thạnh Lộc (quận 12), nơi mới được giảm biện pháp phòng, chống dịch từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15; người viết bài này nhận được câu trả lời: Khó khăn là khó khăn chung chứ có phải một mình ai đâu. Ai cũng muốn nhanh hết dịch, tin tưởng tuyệt đối vào các cấp chính quyền thành phố.

Một câu nói ấm lòng và thật đáng quý biết bao! Từ đó càng thấy trách nhiệm với dân càng phải nhiều, nhiều hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn thông tin xấu độc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO