Chặn thực phẩm bẩn từ gốc

Lê Anh 14/03/2017 07:30

TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương đồng ý cho thực hiện thí điểm có một cơ quan chuyên trách quản lý an toàn thực phẩm, chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp từ UBND thành phố. Như vậy, hy vọng đối với cuộc chiến với thực phẩm bẩn đã lóe lên.

Một vụ vận chuyển thực phẩm bẩn bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: TL.

Cam kết chịu trách nhiệm trước nhân dân

Khi trao quyết định bổ nhiệm nhân sự cho Ban Quản lý an toàn thực phẩm (BQL ATTP), Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh công tác nhân sự cho Ban này rất quan trọng để đảm trách nhiệm vụ mới, vốn thuộc trách nhiệm của cả 3 Sở theo quy định hiện hành, gồm Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công thương.

Với yêu cầu như vậy, UBND TP HCM đã quyết định bổ nhiệm bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó GĐ Sở Y tế TP HCM là Phó giáo sư, tiến sĩ ngành dược làm Trưởng BQL ATTP. Cùng hỗ trợ nhiệm vụ cho bà Lan có hai phó ban đều là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ATTP. Lãnh đạo TP HCM cũng yêu cầu Trưởng BQL ATTP chú ý đến mối quan hệ phối hợp với các quận huyện, các cơ quan liên quan để hoạt động của Ban này đạt hiệu quả cao nhất.

Với một đầu mối quản lý, BQL ATTP có chức năng tương đương với cấp Sở, có nhiệm vụ chính là triển khai các văn bản pháp luật được quy định bởi các Bộ chuyên môn.

Ban này còn được phép triển khai thanh tra, xử lý, hậu kiểm để rút ra những kinh nghiệm thực tế, từ đó đề xuất tham mưu cho UBND TP trong lĩnh vực VSATTP. Cơ chế đặc thù này giảm bớt “thời gian chết”, vốn trước đây phải thông qua sự thống nhất của cả 3 Sở Y tế, Sở NNPTNT và Sở Công thương.

Ngay khi được bổ nhiệm, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, Ban này sẽ thống nhất một đầu mối quản lý chặt chẽ vấn đề ATTP từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến chế biến để chặn từ gốc rễ thực phẩm bẩn tuồn từ các địa phương lân cận vào thành phố.

Cụ thể, công tác giám sát, phát hiện và xử phạt các vi phạm về ATTP sẽ dồn vào các nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường TP HCM. Song song đó, BQL ATTP cũng chủ động xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết phối hợp với các tỉnh về nguồn cung thực phẩm cho thị trường thành phố.

Bà Lan cho biết, Ban cũng sẽ tiếp tục và mở rộng đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xây dựng và phát triển các mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn tại cả kênh phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) và truyền thống (chợ truyền thống, điểm bán lẻ khu dân cư).

Để truy suất vào gốc rễ của thực phẩm bẩn, bà Lan nói sẽ tiến hành thanh tra, kiểm soát 24/24 tại 3 khu vực chợ đầu mối của thành phố, trước khi nguồn thực phẩm được phân phối sỉ, lẻ vào trong thành phố.

“Tất cả những vấn đề liên quan đến ATTP trên địa bàn thành phố sẽ do chúng tôi chịu trách nhiệm trước UBND và người dân”- bà Lan nói đồng thời cam kết, sau 3 năm nếu không hoàn thành được việc ngăn chặn thực phẩm bẩn vào thành phố thì bà, cũng như các lãnh đạo Ban sẽ chịu sự kỷ luật của UBND TP.

Thực phẩm bẩn bị chặn tại khu vực cửa ngõ - Trạm Kiểm dịch động vật Q.Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Nhân rộng mô hình an toàn thực phẩm

Lãnh đạo TP HCM cho rằng, với việc thành lập thêm BQL ATTP thì công tác này sẽ được “chắp thêm cánh” để ngăn chặn tận gốc tình trạng mất VSATTP trong thời gian qua trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, là thị trường tiêu thụ đông dân nhất cả nước, TP HCM luôn là trung tâm tập kết của các loại hàng hóa thực phẩm từ các tỉnh, thành về tiêu thụ. Xác định đặc thù trên, UBND TP đã có nhiều chỉ đạo sát sao trong giai đoạn 2011-2016 về tăng cường sự phối hợp của các quận, huyện và Sở ngành trong ngăn chặn thực phẩm bẩn ngay từ gốc rễ.

Khi phát hiện, các lực lượng chức năng liên ngành tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý tiêu hủy thực phẩm bẩn, truy suất nguồn gốc hàng hóa không đảm bảo về nhãn mác và ATTP, nhất là các cơ sở đóng trên địa bàn, truy suất hàng hóa thực phẩm không an toàn được sản xuất tại các tỉnh, thành khác đưa về thành phố tiêu thụ.

Thực tiễn trong 5 năm qua, UBND TP HCM đã duyệt nhiều đề án quan trọng, là nền tảng để đi vào từng vấn đề cụ thể trong cuộc chiến chống lại thực phẩm không an toàn trên địa bàn.

Điển hình như chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh Đông - Tây Nam Bộ; Dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP; Đề án quản lý, nhận diện và truy suất nguồn gốc thịt heo; Đề án phát triển sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã nông thôn mới; Chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi tôm ở huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè; Quy hoạch vùng rau an toàn…

Theo bà Thu, tính đến thời điểm đưa vào hoạt động BQL ATTP, trên toàn địa bàn thành phố đã xây dựng được 178 mô hình ATTP, trên nền diện tích 741,3 ha, với 2.106 hộ tham gia (cánh đồng rau an toàn; chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa nhằm nâng cao giá trị sản xuất; hộ gia đình sản xuất rau an toàn;…).

Các mô hình này phải đảm bảo 4 nguyên tắc về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gồm đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Đến nay đã có 4.998/5.000 hộ trồng rau (99%) ký cam kết với UBND các phường/xã về chấp hành đúng các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, như hướng dẫn người sản xuất rau muống nước không sử dụng nhớt thải, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, chất kích thích tăng trưởng, nước không hợp vệ sinh để sản xuất và sơ chế rau muống nước.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, bày bán, kiểm dịch động vật, thành phố triển khai 1.747 hộ chăn nuôi trên địa bàn ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Hàng đêm, các lực lượng chức năng liên ngành đều bố trí cán bộ trực tiếp đến giám sát tại 19 cơ sở giết mổ gia súc, thường xuyên kiểm tra, đánh giá và nâng cao về điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo các điều kiện quy định.

Trong giai đoạn 2011 - 2016, thành phố đã rót hơn 16,5 tỷ đồng, cùng với gần 9 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho công tác quản lý ATTP. Con số này được đánh giá là còn khiêm tốn, so với hàng chục ngàn cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm trên địa bàn, với chỉ hơn phân nửa được kiểm soát thường xuyên.

Chỉ tính trong vài năm gần đây, đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của thành phố đã phát hiện đến trên 73.500 cơ sở vi phạm về ATTP, trong đó xử phạt đến hơn 33.000 cơ sở, tịch thu và tiêu hủy trên 23.000 tấn hàng hóa thực phẩm bẩn.

Dù có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý về ATTP, được Trung ương cho phép thí điểm BQL ATTP nhưng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu vẫn đề nghị Trung ương quan tâm ngân sách cho hoạt động đảm bảo ATTP, vốn còn khá khiêm tốn, thậm chí rất thấp so với khu vực và liên tục bị cắt giảm.

Bà Thu so sánh chi phí cho quản lý ATTP của Việt Nam trước đây chỉ vào khoảng 780 đồng/người/năm, chỉ bằng 1/25 của Thái Lan (1 USD/người/năm), trong khi tại Bắc Kinh đầu tư 100.000 đồng/người/năm.

Cũng theo bà Thu, hiện TP HCM vẫn còn tồn tại chợ, điểm kinh doanh thực phẩm tự phát với việc kinh doanh thực phẩm không được kiểm soát, không đảm bảo an toàn, tình trạng kinh doanh sản phẩm động vật, gia cầm sống trái phép tại các chợ lòng lề đường, chợ tự phát vẫn tồn tại, không đảm bảo ATTP và công tác phòng chống dịch.

Trong khi chờ Trung ương có những quan tâm về kinh phí ATTP trích từ ngân sách thì BQL ATTP được chỉ đạo chủ động thanh tra, kiểm soát 24/24 tại 3 khu vực chợ đầu mới của thành phố, vốn là các “gốc rễ” trước khi nguồn thực phẩm được phân phối sỉ, lẻ vào trung tâm thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn thực phẩm bẩn từ gốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO