Chân thực và thăng hoa

Tường Văn 06/03/2019 19:15

Trong dịp đón Xuân năm Kỷ Hợi, triển lãm Mỹ thuật Sắc núi của các hội viên Chi hội Hà Nội - Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam đã mở cửa từ 12 đến 20/1/2019 tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền Hà Nội.

Chân thực và thăng hoa

Đây là cuộc giao duyên của các họa sĩ thuộc đủ các thế hệ, từ bậc cao tuổi như Vi Ngọc Linh (dân tộc Tày, học viên trường Mỹ thuật Kháng chiến chống thực dân Pháp khai giảng đầu tiên ở Việt Bắc), với những lứa tiếp nối đã thành danh như Mai San (Giáy), Hà Cắm Dì, Chu Thị Thánh (Nùng), Ngân Chài (Thái), Nguyễn Gia Lâm (Tày)... đến cây cọ trẻ như Đàm Thế Nam (là con trai của họa sĩ Hà Cắm Dì). Cùng với họ là những hội viên đã sống gắn bó với một vùng nước non hữu tình, núi rừng hùng vĩ, những con người chân chất mộc mạc như Trương Công Nguyên (từ Hà Giang), Nguyễn Công Mỹ, Trần Thái (từ Tuyên Quang) và Đỗ Đức.

Cảnh sắc và chợ phiên

Trong bầu không khí chung tấp nập hối hả của Hà Nội đô thị ở những ngày cận Tết, mười một họa sĩ xuất hiện với người nhiều nhất là 3-4 bức tranh. Bước vào phòng trưng bày, người xem không khỏi sững sờ bởi không gian mở ra rộng lớn, thoáng đãng do các bức tranh tạo nên: những núi đồi, rừng cây trùng điệp rất tạo hình, những dòng suối, lối mòn uyển chuyển và sắc nét. Phong cảnh là thể loại được các họa sĩ thể hiện theo thế mạnh riêng của mình: đấy là những nơi đã “thuộc như lòng bàn tay” ở quê hương họ, nay được tái hiện bằng tâm trạng, cảm hứng và trở thành những phát hiện. Hà Cắm Dì với Đường về, Chiều về bản (sơn dầu) không có ý hoài niệm, mà chỉ vẽ như những gì chị mắt thấy từ tuổi thơ hồn nhiên và điều đó làm nên danh tiếng lâu nay. Nguyễn Gia Lâm có khi tỉ mỉ, chi tiết với bức Phong cảnh, lại có khi quảng khoát với những mảng màu nhẹ nhàng thấm lan như vẽ trên lụa Sớm mai (acrylic). Vi Ngọc Linh với Phong cảnh miền núi (acrylic) mở ra một thảo nguyên rộng thoáng, Chu Thị Thánh với Mùa Xuân miền núi (sơn dầu) tả thực một xóm núi xum xuê, Nguyễn Công Mỹ kéo người xem lại gần với một Ngày mới - những người phụ nữ và trẻ em trên nền những ngôi nhà sàn hoặc mái ngói âm dương lấp ló sau bóng cây đào rực rỡ đầu vườn; Trương Công Nguyên khái quát thiên nhiên miền núi trong một bộ tranh Vùng cao, thể hiện ở dạng rất quen thuộc là tứ bình, là Xuân, Hạ, Thu, Đông theo truyền thống. Tranh phong cảnh của các họa sĩ dân tộc miền núi cuốn hút người xem bởi vẻ đẹp của sự phồn sinh, khoáng đạt, trữ tình của vùng quê mình...

Điểm hẹn của người miền núi nói chung là những phiên chợ - một dạng ngày hội Đại đoàn kết của các dân tộc với đủ các sắc màu thổ cẩm, thổ sản... Nguyễn Công Mỹ với Ngày phiên chợ, Em xuống chợ (sơn dầu) thấm đẫm chất lãng mạn, còn Đàm Thế Nam (Tày) với bộ tranh đôi Chợ I & II vẽ như một bức panorama trên gam màu trầm, khiến tác phẩm vẽ trên lụa của anh sâu như một ký ức.

Và nổi lên tất cả trong tranh của các họa sĩ dân tộc miền núi là những con người. Ta thường gặp những nhân vật phụ nữ dáng thấp đậm bởi những gùi những giỏ bất ly thân, má bầu bầu nhưng búp tay, nét mặt lại không kém phần thanh thoát trong những lúc nông nhàn hay múa hát.

Chân thực và thăng hoa - 1

Mỗi người một vẻ

Các họa sĩ dân tộc có sẵn bản năng hội họa nên thể hiện trên toan, trên lụa một cách hồn nhiên như thủa bố mẹ sinh ra. Đấy là những bức tranh tái hiện cuộc sống của họ bằng phương pháp tả thực, và hơn thế nữa – được vẽ bằng cảm hứng thăng hoa. Họ có một bút pháp rất riêng của người được học hội họa bài bản, thể hiện ở bố cục trong từng bức tranh, và còn có những sự bứt phá. Tranh Mai San là ví dụ cụ thể: không vẽ bằng trực giác, bằng sự nhìn thấy, mà chỉ vẽ bằng những gì mình cảm thấy, nên tranh của chị có khi tưởng như vô lý, nhưng ngẫm lại thì thấy có ý. Sau Mai San, họa sĩ Ngân Chài khúc chiết mô tả một không gian lý tưởng trong Cao nguyên xanh (sơn dầu): đặc tả ba cô gái người dân tộc thiểu số với vẻ đẹp phồn sinh vốn có và đằng sau đó là những hòn đá trầm mặc, nhưng tròn trịa, ngoan ngoãn như để được người xem... xoa đầu.

Bức Cô gái cầm ô (sơn dầu) là nét lãng mạn được phát hiện trong đời thường, khi họa sĩ bị lay động bởi sự duyên dáng. Nếu như trong tranh Ngân Chài có một bố cục hài hòa nhất quán thì Trần Thái có hướng hội nhập vào hội họa hiện đại một cách rõ rệt. Với ba bức Hạnh phúc, Tiếng kèn lá, Trăng non, anh dùng chất liệu khá mới mẻ là acrylic. Chùm tranh của Trần Thái được thể hiện bằng bút pháp biểu hiện, có những nét cách điệu rất đáng yêu.

Chân thực và thăng hoa - 2

Còn Đỗ Đức là người đã có gần như trọn đời vẽ về dân tộc miền núi. Họa sĩ say mê với đề tài núi đá biên cương và góp vào phòng tranh ba bức sơn dầu: Cao nguyên lộng gió, Tráng Kim – Cán Tỷ và Đá cao nguyên. Tranh Đỗ Đức dựng lên những vách đá như thành lũy hùng vĩ, dữ tợn của vùng cao Đồng Văn, Mèo Vạc. Thiên nhiên được vẽ đã dày công, nhưng con người trong tranh ông còn được vẽ tỉ mỉ hơn như muốn nhắn nhủ với người xem rằng: con người thường tỏ ra nhỏ bé, nhưng kiên nhẫn và gan góc trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền đất nước và đảm bảo cho sự sống lên mầm ở bất kỳ đâu.

Các họa sĩ tham gia triển lãm này vốn được đào tạo từ ba trường Đại học: Mỹ thuật Việt Nam, Mỹ thuật Công nghiệp và Sân khấu - Điện ảnh, hầu hết học xong về nhận công tác lâu dài ở những tỉnh miền núi vùng cao. Ở đó, họ sáng tác với niềm vui, với tìm tòi nghệ thuật, đâu có nghĩ đến việc làm tranh thương mại. Ông Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam đã có nhận xét đồng cảm về các hội viên của mình: “Các họa sĩ diễn tả với bút pháp đa dạng và màu sắc sinh động trên nhiều chất liệu. Điều đó nói lên sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, đầu tư công phu và có ngôn ngữ hội họa biểu cảm, thể hiện bản lĩnh sáng tạo và cách nhìn cuộc sống trẻ trung, tươi mới của vùng đất đang đổi mới từng ngày”.

Chân thực và thăng hoa - 3

Bằng con mắt nghề nghiệp đến xem triển lãm, họa sĩ Bằng Lâm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – đã thốt lên: “Với triển lãm Sắc núi, đã thấy các nghệ sĩ bứt phá, đổi mới toàn diện đời sống Mỹ thuật - một tín hiệu đáng mừng trong năm 2019”.

Mong rằng, triển lãm của các hội viên Chi hội Hà Nội sẽ là tiền đề để Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam mạnh dạn mở cuộc ra mắt của các họa sĩ hội viên thuộc các dân tộc Mường, Hoa, Khmer, Chăm, Vân Kiều, Khơ Mú, Êđê, Xê Đăng, Bana... trên toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chân thực và thăng hoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO