Chặn việc thâu tóm doanh nghiệp, đất vàng

T.Hằng 28/03/2017 08:55

Nhiều doanh nghiệp (DN) bị thâu tóm, đất vàng bị bán giá rẻ, của công dần hợp thức hóa thành của tư là những thực tế đang diễn ra trong khi DN tiến hành cổ phần hóa.

Doanh nghiệp nhà nước biến thành doanh nghiệp gia đình?

Dư luận vẫn đang mong câu trả lời từ phía cơ quan quản lý làm rõ về khối tài sản khổng lồ của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty cổ phần (CP) Bóng đèn Điện Quang. Sau câu chuyện “tài sản khủng” của Thứ trưởng Thoa cũng là câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mà xa hơn là rà soát lại toàn bộ những quy định liên quan đến thực hiện tái cơ cấu DNNN để tránh những kẽ hở trong pháp luật để thất thoát vốn nhà nước về tay cá nhân.

Ông Nguyễn Hoàng Hải- Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) cho rằng, cần làm rõ nguồn tiền, minh bạch thông tin mọi hoạt động của DNNN công khai, rõ ràng hơn xóa bỏ được sự bắt tay của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản Nhà nước. DN sau khi niêm yết và bán cổ phần Nhà nước sẽ trở thành công ty đa chủ sở hữu, từng bước tuyển chọn bộ máy quản trị và điều hành phù hợp, đặt lợi ích DN lên trên hết, không phụ thuộc vào một cổ đông nào.

Thống kê hiện nay cho biết, còn gần 400 DNNN đã cổ phần hóa, nhưng chưa đưa cổ phiếu lên thị trường giao dịch tập trung theo quy định. Điều này gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực.

Ông Phạm Hải An- Phó Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, hệ lụy đầu tiên của việc DN chậm đưa cổ phiếu lên sàn. Theo ông An, điều đó làm phát sinh không ít tranh chấp liên quan đến chuyển nhượng cổ phiếu đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng. Có trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết trong khi theo quy định không được phép chuyển nhượng.

Tranh nhau mua đất vàng

Lỗ hổng trong quá trình cổ phần hóa cũng được nhìn rõ từ những vụ thâu tóm đất vàng. Trong đó không thể kể đến các vụ bán vốn tại Công ty CP Du lịch Kim Liên. Về độ hấp dẫn công ty này, chẳng ai nhắc đến hoạt động kinh doanh nhưng các nhà đầu tư lại bàn rất nhiều về lợi thế đất vàng. Lợi thế lớn nhất của Du lịch Kim Liên là mảnh đất 3,5ha giữa Thủ đô với 2 mặt tiền trên 2 tuyến phố sầm uất là Đào Duy Anh và Phạm Ngọc Thạch, với 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng. Hay vụ tranh nhau thâu tóm đất vàng của Công ty TNHH MTV Đầu tư Việt Hà (VietHa Corp). Đơn giản do VietHa Corp sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước như bia Việt Hà, bia Halida, bánh mứt kẹo Hà Nội, bánh kẹo Tràng An, cùng với đó là quỹ đất lên tới 26.292 m2 tại Hà Nội.

Hiện nay còn nhiều tiêu cực trong công tác cổ phần hóa liên quan đến đất đai. Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, điều cần chú ý thêm là nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trước thềm thoái vốn tăng đầu tư, mua sắm, thanh lý… các khoản không cần thiết và không hiệu quả nhằm vơ vét, lỗi đâu đã có cổ đông sau chịu.

Chủ trương cổ phần hóa DNNN năm 2017 được thực hiện trên tinh thần quyết liệt. Theo khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, những DN chủ đạo của nền kinh tế, những DN thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà Nhà nước phải nắm phần vốn để chỉ đạo thì còn lại những DN không cần nắm giữ sẽ được bán 100%, có thể bán cả lô, bán cả gói cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần công khai minh bạch và lựa chọn theo đấu thầu tư vấn, đấu thầu cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư. Tinh thần là đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, tránh thất thoát, tránh lợi ích nhóm, tránh tiêu cực trong vấn đề cổ phần hóa DNNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn việc thâu tóm doanh nghiệp, đất vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO