Chàng trai 9x nuôi đam mê thiết kế tiểu cảnh

Hoàng Vân 03/08/2021 09:00

Những công trình chàng thanh niên 9x Trương Văn Bộ thực hiện chủ yếu là các kiến trúc xưa cũ, mang hơi hướng cổ đại.

Lên lớp 10, Trương Văn Bộ (23 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) phát hiện mình có hứng thú với những khối xi măng, hồi đó mong muốn của anh là thu nhỏ những ngôi nhà làm đồ chơi. Chàng trai này đã tích góp tiền ăn vặt để "nuôi' đam mê làm tiểu cảnh từ ngày bé đến bây giờ và gặt hái nhiều “trái ngọt”.

Những công trình tiểu cảnh được Bộ chăm chút, dày công thực hiện.
Những công trình tiểu cảnh được Bộ chăm chút, dày công thực hiện.

Đến nay, tất cả những công trình Bộ làm ra đều nhận được sự đón nhận, hài lòng từ những “thượng đế” khó tính.

Tiết kiệm tiền ăn vặt “nuôi” đam mê

Thuở bé, khác với những đứa trẻ cùng trang lứa, Trương Văn Bộ phát hiện bản thân có hứng thú với những khối xi măng. Xuất phát từ trí tò mò vốn có của cậu bé 5 tuổi, Bộ bắt đầu nhào nặn những vữa xi măng thành từng khối. Hi vọng thu nhỏ những gì mình thích, lên lớp 7 Bộ bắt đầu mày mò, tìm hiểu về mô hình làm tiểu cảnh.

Để làm được một mô hình tiểu cảnh hoàn chỉnh, điều đầu tiên là phải tìm kiếm vật tư. Với một cậu học sinh lớp 7 , điều này còn “khó hơn lên trời”.

Từng chi tiết của công trình được chàng trai 9x thực hiện tỉ mỉ, đảm bảo đúng với bản mẫu.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, Bộ kể: “Ngày đó, để có thể mua vật liệu, mỗi ngày tôi phải nhịn ăn sáng, nhịn cả tiền bố mẹ cho ăn vặt để có thể mua xi măng ở cửa hàng bán xi măng đầu ngõ phục vụ cho đam mê làm tiểu cảnh”.

Thậm chí anh còn nghĩ ra cách để tiết kiệm vật tư trong lúc trộn xi măng vào cát, thường tỉ lệ sẽ phải chia cân đối vừa phải, để tạo độ kết dính. “Thế nhưng do không có đủ điều kiện nên tôi thường cho cát nhiều hơn để tiết kiệm tiền mua xi măng”, Bộ chia sẻ.

Trò chuyện với phóng viên giữa cái nắng 40 độ C, Bộ cười, rạng rỡ nói: “Khi mới bắt tay vào thực hiện, tôi thường dậy từ 4 - 5h, hồi đó vì ham quá nên chưa biết cách cân đối thời gian. Bố mẹ, ông bà sợ tôi ngủ không đủ giấc và không có sức khỏe để học tập nên thời gian đầu cũng phản đối”.

Lên lớp 10, anh biết cách cân đối thời gian hơn nên nhận được sự ủng hộ, tư vấn từ gia đình. Có lần, trong lúc thực hiện công trình, anh băn khoăn việc xếp ngói trên mái làm sao cho giống với cổ xưa, ông ngoại đã tư vấn cho anh cách đặt những viên ngói lên tác phẩm của mình. Nhờ đó, tác phẩm chàng trai 9x nhìn sinh động hơn, có hồn hơn.

Công trình khách hàng yêu cầu Bộ phục dựng lại ngôi nhà cũ chỉ với một bức ảnh.

Vì tuổi còn bé, trong quá trình thực hiện mô hình tiểu cảnh, Bộ gặp nhiều khó khăn trong việc thiết kế bản vẽ, đặt nền móng cho tác phẩm, cách bố trí các chi tiết, tiểu cảnh cũng vướng phải nhiều thắc mắc, khó khăn. Bằng chính niềm đam mê, sự tìm tòi, học hỏi chính là “kim chỉ” gỡ rối mọi thắc mắc cho anh lúc bấy giờ. Theo Bộ, không biết thì học, học từ những điều bé nhất.

“Gìn giữ đam mê từ thuở bé đến bây giờ, chưa lúc nào tôi có ý định bỏ cuộc, chỉ có 2 thời điểm là tôi buộc phải dừng công việc làm tiểu cảnh lại để tập trung hoàn toàn cho việc ôn thi đó là: thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 và thi lên Đại học”, Bộ nhớ lại.

Khát khao gìn giữ văn hóa cổ

Mặc dù có sở thích, đam mê làm mô hình tiểu cảnh, thế nhưng khi chọn trường và ngành nghề, chàng trai 9x đã chọn thi vào trường Đại học Thủy Lợi, trở thành một kỹ sư công nghiệp. Chính những kiến thức được học trong trường đã giúp Bộ có thể đọc bản vẽ một cách dễ dàng.

Mô hình Chùa Một cột – một trong những công trình đầu tiên Bộ thực hiện.

Hàng ngày anh chăm chỉ đến lớp, thời gian rảnh anh chăm chút cho đam mê sở thích của mình. Để có thể làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh, Bộ phải thực hiện qua nhiều công đoạn, từ đặt móng, bắt sắt đến thiết kế đọc bản vẽ, nung gạch, trộn vữa xi măng…

Nhiều công đoạn là vậy nhưng theo anh công đoạn lên ý tưởng và cách thi công chia tỉ lệ công trình là công đoạn khó nhất. Để có thể làm tốt công đọan này, đòi hỏi người làm nghề phải có bộ óc tinh nhạy. “Một công trình lớn để hoàn thiện phải trải qua khoảng 1- 2 năm là chuyện hết sức bình thường”, anh Bộ chia sẻ.

Hiện, những công trình anh thực hiện chủ yếu là các kiến trúc xưa cũ, mang hơi hướng cổ đại, anh từng tái hiện lại công trình chùa một cột đến 3 lần, những công trình thời Lý, thời Trần, thời nhà Nguyễn cũng được anh lấy làm ý tưởng cho những thiết kế của mình.

Những công trình xưa cổ lấy ý tưởng từ thời nhà Lý, Trần.

Mỗi ngày, Bộ giành khoảng 10- 12 giờ để bắt đầu công việc làm mô hình tiểu cảnh (từ 6h sáng đến 22h30). Với mong muốn gìn giữ nét văn hóa xưa cổ, anh hi vọng có thể tái dựng lại tất cả các công trình mang tính lịch sử đang bị mai một.

Theo chàng trai 9x, để có thể làm nên một công trình mang đậm chất hơi hướng cổ xưa, điều đầu tiên phải hiểu rõ những chi tiết, bối cảnh, tìm tài liệu chuyên môn, tìm hiểu kỹ văn hóa, lịch sử ở thời kỳ xuất hiện công trình đó. Đây cũng chính là điểm mấu chốt tạo nên điểm khác biệt cho những công trình anh tự tay thực hiện.

Trong quá trình theo đuổi đam mê, Bộ đã mất nhiều đêm trằn trọc để suy nghĩ ý tưởng, những lúc bí bách anh lại ra ngoài cho khuây khỏa, tìm lại được cảm hứng anh lại thực hiện từ đầu. Một vài công trình hoàn thiện xong, không vừa ý, anh bền bỉ, kiên trì làm lại cho đến khi cân đối, hoàn chỉnh.

“Tiếng lành đồn xa”, những vị khách đầu tiên cũng tìm đến Bộ với hi vọng phục dựng lại những hình ảnh đơn sơ, giản dị. Có những vị khách yêu cầu anh phục dựng lại ngôi nhà cũ, có những khách hàng lại yêu cầu mô phỏng lại cái chuồng lợn, cũng có những người yêu cầu anh tái hiện lại các công trình xưa cổ… Tất cả đều nhận về sự hài lòng, mừng vui từ những “thượng đế” khó tính.

Trong thời gian tới để phục vụ cho đam mê, Bộ sẽ học thêm một văn bằng liên quan đến mỹ thuật. Dự định gần hơn sắp được anh thực hiện đó là xây dựng một gian nhỏ để trưng bày những mô hình tiểu cảnh, phục vụ du khách gần xa, góp phần bảo tồn nét văn hóa cổ kính, xưa cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chàng trai 9x nuôi đam mê thiết kế tiểu cảnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO