Chẳng xử cán bộ nên thực phẩm bẩn vẫn hoành hành

N.Khánh 27/04/2016 15:24

Sáng nay 27/4 Hội nghị trực tuyến về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã diễn ra. Rất nhiều ý kiến tha thiết đề nghị phải truy trách nhiệm từng cấp từng ngành thì cuộc chiến nói không với thực phẩm bẩn mới có kết quả.

Chẳng xử cán bộ nên thực phẩm bẩn vẫn hoành hành

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Chỉ đạo cuộc họp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: Vấn đề ATTP không thể giao cho một tổ chức chung chung mà phải cả hệ thống chính trị vào cuộc thì mới có thể làm được. Vì thế rất cần có chỉ thị riêng về vấn đề này.

Người dân, người sản xuất, DN phải là trung tâm trong tổ chức vấn đề ATTP. Phải làm rõ trách nhiệm của những người quản lý có liên quan trong vấn đề ATTP. Chúng ta có hệ thống chính quyền từ TƯ đến địa phương, có hệ thống pháp luật. Phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào mà để dân kêu như thế! Để thực phẩm bẩn hoành hành là lỗi của chính quyền. Không thể để một việc quan trọng thế này mà không ai chịu trách nhiệm.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước năm 2010, công tác quản lý ATTP theo phân khúc nhưng từ khi có luật ATTP, thì tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế biến, kể cả bao bì đóng gói.

Trong quá trình triển khai luật này, có một số mặt hàng giao thoa thì các bộ đã có thông tư liên tịch giao cho bộ nào quản lý chính. Trách nhiệm của địa phương cũng được quy định rất rõ là quản lý toàn diện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Vậy nhưng, thực tế mà Bí thư thành ủy Đinh La Thăng có chỉ ra là, “không xác định được trách nhiệm; không kỷ luật được ai từ phường, xã đến tỉnh trong khi tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra tràn lan. Không xác định được trách nhiệm nên cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn rất vui, vui vì đã chết ngay ai đâu. Chỉ một vài vụ ngộ độc xảy ra, chưa thấm”.

Bí thư Thăng còn thấy, “rất băn khoăn với số liệu các bộ ngành báo cáo vì tình trạng mất vệ sinh thực phẩm tràn lan mà nói tỷ lệ thực phẩm không an toàn chỉ vài %. Tôi xin lỗi phải nói là tôi không tin con số này”.

Chẳng xử cán bộ nên thực phẩm bẩn vẫn hoành hành - 1

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị.

Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị cần phải có cơ chế, kiên quyết chủ động phát hiện để làm rõ trách nhiệm và xử lý từng người, từng tổ chức để mất VSATTP.

Tiếp tục bày tỏ bức xúc về thực tế việc quản lý, xử lý chưa nghiêm minh, còn tình trạng bao che, thông đồng với người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn vì lợi nhuận quá lớn, ông Thăng dẫn ra việc quản lý các lò mổ, các cơ sở này hoạt động mà không ai biết? Nếu có một lò mổ trong khu dân cư thì âm thanh phát ra chắc hẳn phải ầm ầm lên chứ không thể nói cả làng xã, phường quận không ai biết. Hay giữa các Bộ cứ nói có sự phối hợp tốt mà một bộ cho nhập chất cấm lại không hỏi ý kiến bộ ngành khác, cần chỉ 10kg nhưng lại cho nhập đến 10 tấn thì… hoà cả làng.

Ngoài ra, người đứng đầu Đảng bộ TP HCM đề xuất Chính phủ cần bổ sung sung thêm 2 điểm. Thứ nhất các Bộ, ngành và địa phương không đẻ thêm giấy phép con. Thứ hai, tăng mức xử phạt đảm bảo mức răn đe.

Đưa ra giải pháp xử lý thực phẩm bẩn Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất: Cần tiếp tục thí điểm thanh tra ATTP ở phường, xã; người tham gia nuôi trồng cần có đủ phương tiện thực hiện đúng tiêu chuẩn; Tổ chức tuyên truyền dạy người buôn bán, nuôi trồng có chững chỉ liên quan đến ATTP, đảm bảo có kiến thức đảm bảo bảo quản được thực phẩp, trang bị xe chuyên dùng để xác định các mẫu sản phẩm an toàn.

Có một khâu yếu trong xử lý ATTP đó là chế tài chưa đủ sức răn đe. Ông Chung cho rằng, lần đầu phạt tiền, lần 2, 3 cấm kinh doanh đăng báo, nếu vi phạm nhiều lần cấm sản xuất, kinh doanh vĩnh viễn.

Về phía Chính phủ, ông Chung đề xuất, cần xây dựng chế tài đủ sức răn đe với người vi phạm. Bộ Y tế, Nông nghiệp rà soát công bố chất gây nguy hại, công bố quá trình nhập chất cấm này để địa phương giám sát được vấn đề này.

“Nhận thấy trách nhiệm ngành Nông nghiệp rất lớn. Nhiều năm nay coi là nhiệm vụ trọng tâm, cố gắng nhiều nhưng chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân. Giờ phụ trách mâm cơm thuộc trách nhiệm hoàn toàn của ngành nông nghiêp. Chỉ có bia là của Bộ Công thương thôi”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát giãi bày, “chúng tôi không thể làm tròn trách nhiệm được giao nếu không có sự chung tay của địa phương, các cấp, các ngành. Như công cuộc tuyên chiến chất cấm, nhờ sự chung sức của Bộ Y tế, Bộ Công an, các địa phương tình hình đã chuyển biến”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chẳng xử cán bộ nên thực phẩm bẩn vẫn hoành hành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO