Chắt chiu từng cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp

T.Hằng 01/06/2023 06:10

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều lĩnh vực sản xuất sụt giảm, cộng đồng doanh nghiệp đặt rất nhiều kỳ vọng kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ có những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ để doanh nghiệp hồi phục, có nguồn thu và quay lại đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 rất khó khăn. Xuất khẩu giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2%. Giải ngân vốn FDI giảm 0,8%.

Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ quan ngại khi có đến 81,4% DN được khảo sát có đánh giá bi quan về những khó khăn trước mắt.

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, DN mong muốn gì? Ông Dương Quốc Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhôm Austdoor cho biết, hiện đơn hàng của Austdoor sụt giảm khoảng 50%, cùng với đó DN đang phải đối mặt khó khăn về dòng tiền. “Khi vay vốn, DN phải dùng tài sản thế chấp và thông thường ngân hàng chỉ cấp được vốn bằng 70% giá trị của tài sản thế chấp. Trong khi đó, lãi suất trung bình hiện nay duy trì trên 10%. Đây là khó khăn rất lớn với DN sản xuất” – ông Tuấn nói và bày tỏ hi vọng thời gian tới Chính phủ có thêm chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về dòng vốn cho DN.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Phan Việt Dũng - chủ công ty kinh doanh xăng dầu than thở, 2 năm nay đa số các DN bán lẻ xăng dầu đã và đang âm vốn chủ sở hữu, với tình trạng chiết khấu xăng, dầu thấp, DN đi vay vốn ngân hàng với lãi suất 12,9%đến 13,9% năm.

“Chưa kể khách hàng bây giờ ngày một khó khăn hơn do chi phí cho sinh hoạt tăng, nếu tính đến tỷ lệ đảo nợ ngắn hạn thì chỉ có bán thêm tài sản hiện chưa thế chấp mà thôi. Cơ hội mở rộng kinh doanh mất đi. Kinh doanh xăng dầu bây giờ tiến thì khó mà lùi cũng không được” - ông Dũng nói và mong muốn có cơ chế chiết khấu cụ thể cho DN bán lẻ xăng dầu, cũng như lãi suất vay vốn ngân hàng giảm thêm nữa.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DN tư nhân cho biết khó khăn hàng đầu là tiếp cận vốn. Năm 2022, tỷ lệ DN đang có khoản vay từ ngân hàng thương mại chỉ ở mức 17%, trong khi đó tỷ lệ các năm trước dao động từ 45-60%. Lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn có mức trên 10%. Vì vậy, kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn như nhiều giai đoạn trước là rất cần thiết.

Cũng theo đại diện VCCI, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều chính sách như kéo giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công, giảm lãi suất… hi vọng tình hình sẽ khởi sắc vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Để hỗ trợ cho cộng đồng DN, nhiều biện pháp đã được Chính phủ đưa ra, trong đó có việc thúc đẩy đầu tư công. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện 3 đợt giảm lãi suất, đồng thời cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho DN. Trong khi đó Bộ Tài chính cũng thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và DN.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai các chính sách kể trên còn chậm. Để nền kinh tế có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, vấn đề trách nhiệm của các cấp, các ngành, phải được phân định rõ như một kỷ luật thép. Trong đó phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan toả trong nền kinh tế. Các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho DN.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, thời điểm này cần chắt chiu từng cơ hội để hỗ trợ DN tồn tại và trụ vững, dù đó chỉ là cơ hội rất nhỏ, đó là các giải pháp về hỗ trợ tiếp cận vốn, giảm chi phí, cho vay ưu đãi…

Còn theo ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, thì việc sử dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong bối cảnh hiện nay sẽ tác động tích cực giúp người dân có điều kiện sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ, thông qua đó kích cầu, thúc đẩy DN thêm điều kiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ, từ đó DN phục hồi, có nguồn thu và quay lại đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chắt chiu từng cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO