Chất lượng đại biểu, chất lượng chất vấn

Nam Việt 10/11/2020 07:30

Phiên chất vấn - trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Sự quan tâm đến từ những vấn đề nóng, tồn đọng hay là mới xuất hiện - đã vang lên trong nghị trường cả ở phần hỏi lẫn phần trả lời. Quan tâm và hào hứng đã đến từ những câu hỏi được ĐBQH đặt ra: Rõ ràng, thẳng thắn, mạnh dạn, trực diện thẳng vào vấn đề; cùng đó là tranh luận với người trả lời khi người hỏi chưa hài lòng.

Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) chất vấn tại nghị trường.

Hàng loạt vấn đề nóng như tình trạng lũ lụt, rừng bị phá, sạt lở đất, các vấn đề về quy hoạch, nhiều dự án chậm tiến độ và sai phạm, bất cập trong giáo dục và sách giáo khoa, an ninh mạng, truyền thông bẩn, Youtube “đen”… đều là những gì đang dằn vặt xã hội đã được “chỉ mặt gọi tên” và đòi hỏi phải được nhìn nhận đúng, có giải pháp xử lý kiên quyết.

Ở đây chúng tôi chưa bàn tới việc trả lời của người được chất vấn, mà xin nêu một số suy nghĩ về chất vấn của các ĐBQH. Mà cũng xin “gói” lại trong chất vấn của ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai): Rất ấn tượng, rõ ràng, mạnh mẽ được dư luận đánh giá cao.

Trong chất vấn của mình, những vấn đề mà đại biểu Ksor H’Bơ Khăp đặt ra rất sát thực, bắt đầu từ chính nơi mình sống, nơi mình được cử tri tín nhiệm bầu lên trong vai trò là người đại diện của dân.

Những chất vấn của nữ đại biểu này liên quan tới nhiều bộ, ngành mà cụ thể trong trường hợp này là thuộc phạm vi trách nhiệm của các Bộ trưởng Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường.

Đó là chuyện mất rừng, rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh; thủy điện; pin mặt trời… liên quan trực tiếp và hệ trọng đến người dân, trước mắt cũng như lâu dài.

Cách đặt vấn đề của ĐBQH Ksor H’bơ Khăp rất trực diện, không vòng vo càng không “đánh võng”. Điều đó cho thấy đại biểu nắm chắc vấn đề, bức xúc và đau đáu với nó, không chấp nhận thái độ thơ ơ, vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm của những nhà quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan.

Thực tế thì trong cuộc sống cũng như tại các diễn đàn, các hội nghị hội thảo và kể cả trên nghị trường, có không ít người khi phát biểu thì vòng vo, vừa đặt vấn đề vừa giải thích vấn đề, dài dòng mất thời giờ mà không đi vào trọng tâm.

Như vậy cũng có nghĩa là người đó vừa né tránh, thiếu dũng khí, không can đảm mặt khác là không nắm chắc vấn đề nên không thể mạch lạc.

Thật may là đợt chất vấn lần này tại Quốc hội, người dân rất vui mừng khi thấy hầu hết đại biểu chất vấn đều trúng vấn đề, gọn rõ, đi thẳng vào việc, mà trường hợp của ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp là rất tiêu biểu. Thật đĩnh đạc, mạnh mẽ nhưng cũng rất thiện chí.

Hỏi, chất vấn nhưng không phải là thái độ quy chụp, buộc tội bằng được. Kể cả khi không hài lòng với trả lời của người được chất vấn, đại biểu truy tiếp nhưng cũng vẫn là tinh thần ấy.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi chất lượng đại biểu Quốc hội nâng lên thì chất lượng chất vấn cũng nâng lên. Càng ngày chúng ta càng có nhiều đại biểu như thế và còn mong muốn có nhiều hơn như thế. Vì suy cho cùng, hoạt động nghị trường bao giờ cũng tác động trực tiếp, có sức lan tỏa lớn đến toàn xã hội.

Cử tri nói riêng và người dân nói chung đặt niềm tin vào người do mình bầu ra sẽ nói lên tâm tư nguyện vọng, đòi hỏi bức thiết của mình chứ không phải là là những ông bà nghị gật, với chọn lựa trăm điều không gì lợi bằng “mũ ni che tai”.

Là đại biểu dân cử mà không dám phản ánh, không dám đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của dân, không đóng góp được ý kiến gì cho việc phát triển quê hương đất nước thì thật phí phạm, thật đáng chê trách.

Hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn tai kỳ họp Quốc hội không mới, nhưng mới ở chỗ rất căn bản là đã có thêm nhiều vị ĐBQH có ý kiến, trong đó có những vị rất “mới”, rất trẻ, tiếng nói của họ thật dõng dạc, đĩnh đạc, tự tin bên những vị đại biểu thâm niên nhiều kinh nghiệm mà bàn dân thiên hạ đã quen mặt quen tên. Sự xuất hiện của họ không chỉ mới ở tuổi trẻ mà phần nào đã cho thấy những điểm mới của tư duy, của ý chí cũng như trách nhiệm.

Khi luồng gió tươi tắn đó xuất hiện tại nghị trường thì cũng đồng nghĩa với việc hy vọng của người dân vào đại diện cho mình sẽ nhiều hơn. Không hy vọng sao được khi đại biểu Ksor H’bơ Khăp hỏi lại Bộ trưởng Bộ Công thương với đề nghị Bộ trưởng chỉ cần trả lời “có” hay “không”.

Để kết lại bài viết này, xin được nhắc lại một chi tiết: Sau khi Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trả lời, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nói: “Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, nhưng Bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì. Câu hỏi của tôi Bộ trưởng chưa trả lời”. Chưa hết, còn một câu nữa: “Bộ trưởng tiếp tục ủng hộ làm thủy điện nhỏ đúng không?”

Những ai từng đến, từng yêu đại ngàn Tây Nguyên sẽ thấm thía cách đặt vấn đề của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp: “Tây Nguyên không thể trở thành sa mạc mà phải được phủ xanh bạt ngàn, phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng”. Mùa mưa bão, những con sông gào thét, lũ xối như thác, người dân như cá trong dòng nước dữ… hỏi sao lòng lại quặn đau?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất lượng đại biểu, chất lượng chất vấn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO