Chất lượng lái xe

Lê Anh Đức 03/03/2020 07:30

Những ngày qua, các cơ sở đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe “nhộn nhịp” vì người tới học và thi tăng đột biến. Người ta rỉ tai nhau rằng tới đây kinh phí cho việc học và thi lấy bằng lái xe sẽ tăng cao gấp nhiều lần, do các cơ sở đào tạo, sát hạch phải đầu tư thêm trang thiết bị máy móc, kéo dài chương trình học.

Vì thế nhiều người đổ xô đi học, thi lấy bằng lái xe để không bị mất thêm một khoản tiền. Một số khác thì “tranh thủ” đi học, thi lấy bằng lái xe trong thời điểm này vì “sợ” sau này bài thi sát hạch giấy phép lái xe sẽ khó hơn.

Theo quy định của Thông tư 38/2019/TT-BGTVT (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT), từ 1/1/2021 bắt buộc người thi sát hạch lái xe phải có thêm phần thi mô phỏng (không có trong chương trình sát hạch hiện tại). Như vậy, trình tự thi sát hạch giấy phép lái xe sẽ bao gồm: Lý thuyết - mô phỏng - trong hình - trên đường. Thiết bị mô phỏng để sát hạch lái xe là hệ thống các máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để người thi xử lý. Nếu không đạt phần thi mô phỏng sẽ không được sát hạch trên ô tô (trong hình và trên đường).

Như vậy là phải hơn một năm nữa thì phần thi mô phỏng mới được áp dụng vào bài sát hạch giấy phép lái xe. Song, từ 1/1/2020, các trung tâm sát hạch lái xe đã bắt buộc phải lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình, truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, sẽ chấm dứt vấn nạn “bao đỗ”, dẫn đến thực trạng nhiều người có bằng lái xe nhưng không hiểu luật, tay lái non không xử lý được tình huống phát sinh gây TNGT. Với quy định mới, chất lượng cấp bằng lái xe sẽ được nâng lên, giảm thiểu tối đa những vụ TNGT nghiêm trọng.

Một điểm quy định mới của Thông tư 38 cũng khiến nhiều người “phát hoảng”. Đó là bắt đầu từ 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái xe bắt buộc phải ứng dụng công nghệ để nhận dạng (dấu vân tay) và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên. Theo đó, sẽ không còn có chuyện “học giả, bằng thật” nữa. Những người không đảm bảo số tiết học lý thuyết (căn cứ vào các thiết bị giám sát) sẽ không được thi lấy bằng lái xe. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không còn những lái xe không phân biệt nổi các biển báo giao thông dẫn đến vi phạm.

Để chuẩn bị cho việc các trung tâm sát hạch lái xe sẽ áp dụng phần thi mô phỏng vào 1/5/2021, nên từ trước đó năm tháng, các cơ sở đào tạo lái xe đã buộc phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo học viên. Thiết bị mô phỏng đào tạo lái xe là hệ thống các máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca bin tập lái cho học viên. Đương nhiên việc phải đầu tư thêm trang thiết bị máy móc để đào tạo sẽ làm kinh phí đội lên đôi chút. Song, không phải như tin đồn rằng khi áp dụng quy định của Thông tư 38, kinh phí sẽ cao gấp nhiều lần.

Đáng tiếc là không phải ai cũng chịu khó đọc để hiểu các quy định của pháp luật nói chung và Thông tư mới của Bộ GTVT nói riêng. Do vậy, chỉ nghe “tiếng đồn” là tới đây (cũng chẳng biết là bao giờ), việc học, thi sát hạch giấy phép lái xe sẽ nhiều thêm, khó hơn nên vội vã “đâm đơn” đi học để thi lấy bằng. Tâm lý trên cũng dễ hiểu, bởi lẽ lâu nay quy trình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe đang có những lỗ hổng lớn để nhiều người lợi dụng, khiến chất lượng cấp bằng lái xe yếu, gây nhiều TNGT. Nếu việc cấp bằng lái xe thời gian qua không quá dễ dãi thì có lẽ nhiều người đã không có tâm lý đó.

Tất nhiên, không phải tất cả những người đang đổ xô tới các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe để học, thi lấy bằng đều có tâm lý “sợ khó”. Một phần trong số đó lại có tâm lý tiếc tiền, nghĩ rằng nếu không học và thi bằng lái xe ngay sẽ mất thêm khá nhiều kinh phí khi áp dụng Thông tư 38. Dựa vào tâm lý này của người dân, nhiều cơ sở đào tạo, cò mồi đã phao tin rằng nếu không học nhanh, thi gấp thì tới đây mức học phí và thi cấp bằng lái xe sẽ bị đội lên tới 25-30 triệu đồng. Khi mà đã “động đến dạ dày” thì có ai mà không tiếc, không xót?!

Nói như vậy để thấy rằng, lâu nay ngành giao thông vận tải chưa thực sự siết các cơ sở đào tạo, cũng như các trung tâm sát hạch lái xe. Điều đó dẫn đến chất lượng cấp bằng lái xe không cao, khiến số vụ TNGT, số người chết, bị thương hàng năm khó bề kéo giảm, dù các cơ quan chức năng đã hết sức cố gắng. Xã hội kỳ vọng Thông tư 38 sẽ là “chiếc búa tạ” chuyên để “rèn” cho được chất lượng lái xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất lượng lái xe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO