Chất lượng nguồn nhân lực thấp, gánh nặng giáo dục nghề nghiệp

Khanh Lê 19/01/2016 08:15

Đây là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại hội thảo: “Cơ hội và thách thức khi hội nhập ASEAN về giáo dục nghề nghiệp” do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) tổ chức sáng 18/1 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. nguồn: Internet.

Là nước đứng thứ 3 trong Cộng đồng ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động một yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh, nhưng lực lượng lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, đa số người sử dụng lao động đều phản ánh rất khó để tuyển nguồn nhân công có kỹ thuật cao ở Việt Nam. Nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm; xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB.

Đáng chú ý, theo đánh giá của các chuyên gia WB, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ thuật tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam chưa cao. Chỉ xét về đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam, kể cả các thành phố lớn rất ít lao động Việt Nam học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia…

Trong khi đó về khả năng sử dụng tiếng Anh, thí sinh Việt Nam có điểm trung bình 5,78 thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia, Philippin, Indonesia.

Theo TS Vũ Xuân Hùng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề, những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những yếu tố ảnh hướng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Và đây còn là gánh nặng, những thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp bởi chức năng, nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp chính là đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia.

Đồng quan điểm, nhiều đại biểu cũng cho rằng, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN, giáo dục nghề nghiệp cũng như nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn để phát triển nhưng đồng thời cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn, thách thức của giáo dục nghề nghiệp xuất phát từ chính bản thân những hạn chế yếu kém của nhân lực Việt Nam.

Do đó để chuẩn bị cho giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hướng tới hội nhập ASEAN, quốc tế giai đoạn 2016-2020 cần đào tạo mới trình độ cao đẳng, trung cấp; xây dựng quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với trình độ trung cấp, cao đẳng cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia; tiếp tục chuyển giao 50 bộ chương trình cấp độ quốc tế từ nước ngoài được quốc gia chuyển giao hoặc tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế có uy tín kiểm định và công nhận đạt chất lượng quốc tế…

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Huỳnh Văn Tí cũng cho rằng, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Việt Nam còn rất thấp (chỉ đạt 38,5%) và chất lượng của lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế trong khi đó cơ cấu lao động bất hợp lý. Do đó để hội nhập Việt Nam cần phải điều chỉnh cơ cấu đào tạo để đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong bối cạnh hội nhập vào cộng đồng chung ASEAN và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất lượng nguồn nhân lực thấp, gánh nặng giáo dục nghề nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO