Chất lượng và cơ cấu

Hoàng Mai 15/03/2016 09:15

Hôm 8/3, trong buổi tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, kỳ họp cuối tháng 3 này là kỳ cuối cùng kết thúc 5 năm nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Tổng Bí thư nói, QH cần tiến hành tổng kết và định hướng cho công việc khóa tới đồng thời cho rằng: “Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tới sao cho thực chất, phải chọn người đủ tâm, đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước, không để lọt những người có động cơ không trong sáng vào bộ máy lãnh đạo là những điều

Cho nên, ông bày tỏ mong muốn các cử tri sáng suốt trong lựa chọn các ĐBQH và ĐB HĐND các cấp xử lý giữa chất lượng và cơ cấu làm sao cho thật sự dân chủ, công tâm, khách quan kỹ lưỡng để chọn đại biểu xứng đáng gánh vác trọng trách mà nhân dân giao phó.

Điều đó cho thấy, không chỉ nhân dân mà bản thân các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm tới chất lượng ĐBQH và ĐB HĐND các cấp. Bởi, dễ hiểu chất lượng ĐB của các cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất từ trung ương đến địa phương sẽ không chỉ quyết định chất lượng hoạt động của các cơ quan này; quan trọng hơn, nó còn quyết định những vấn đề liên quan đến quyết sách phát triển xã hội; trong đó đương nhiên có cả những vấn đề liên quan đến đời sống người dân.

Khi chỉ còn 2 ngày nữa là đến hiệp thương vòng 2 (17/3), câu chuyện về cơ cấu và chất lượng đại biểu vẫn luôn là chủ đề được quan tâm nhiều. Nói về cơ cấu cứng đã được nhất trí kể từ sau vòng hiệp thương thứ nhất, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng, đảm bảo chất lượng ĐBQH phải được đặt lên hàng đầu trên cơ sở đảm bảo cơ cấu được phân bổ. Đưa ra dẫn chứng, gần đây người ta nói nhiều đến cơ cấu ĐB dân tộc thiểu số qua thực tế một số cuộc bầu cử ĐBQH mới thấy, nếu đánh giá một cách công bằng thì số ĐBQH là người dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò của mình. Vì một khi anh đã đại diện cho dân tộc của mình trong QH thì phải thực sự tiêu biểu để đại diện cho tiếng nói của dân tộc mình. Nhưng, vốn là một người từng làm công tác bầu cử nhiều năm, ông Pha cho rằng: Thực sự việc lựa chọn một người vừa đảm bảo cơ cấu, chất lượng, tiêu biểu cho DTTS trong QH không hề dễ. Cái khó là gì- ông giải thích thêm- những người DTTS có học vấn cao, có trình độ năng lực thì phần nhiều được đề bạt vào những vị trí lãnh đạo ở các địa phương nhưng theo quy định của Luật tại kỳ bầu cử này lại không đáp ứng được vì theo nguyên tắc ở địa phương phải giảm tối đa khối hành pháp; nên phải chọn ở địa phương theo cơ cấu là phụ nữ, cá nhân sản xuất giỏi. Những người đó về tiêu chuẩn thì đảm bảo nhưng thực sự có nói được tiếng nói của dân tộc mình không thì lại là vẫn đề cần lưu tâm. Dù rằng, trong cuộc bầu cử này, MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh các địa phương cần lưu ý việc chọn người DTTS nhưng phải thực sự tiêu biểu, phải có chất lượng.

Và để nâng cao chất lượng hoạt động của QH, số lượng ĐBQH khóa XIV cũng đã được cơ cấu tăng thêm 15 người còn số ĐB chuyên trách là 114 đại biểu. Điều này nằm trong lộ trình để tăng dần tỷ lệ ĐBQH chuyên trách trong các nhiệm kỳ tiếp theo – có thể tăng dần đến 50% để trong số 500 đại biểu sẽ có đến 250 ĐBQH chuyên trách; mục đích là đi đôi với nâng cao chất lượng ĐBQH, xây dựng một Quốc hội mạnh, đủ tầm trí tuệ bàn việc nước, việc dân, đủ nhanh nhạy quyết đáp những việc hệ trọng của quốc gia. Nhưng, tìm người chuyên trách cũng phải đảm bảo chất lượng- đây mới là điều quan trọng. Chắc rằng, nhiều người sẽ đồng tình với ĐBQH Bùi Thị An khi bà cho rằng: Cơ cấu nào cũng phải chất lượng, đừng vì cơ cấu mà tìm cho đủ, không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn cố tìm cho đủ cơ cấu. Chất lượng vẫn là hàng đầu, cơ cấu là cần thiết.

Cũng nói về cơ cấu và chất lượng ĐBQH, bà Bùi Thị An- ĐBQH khóa XIII bày tỏ băn khoăn, dù tỉ lệ cơ cấu thành phần đã có nhưng phải căn cứ vào đặc thù của từng vùng, từng nơi. Đưa ra ví dụ về tỉ lệ cơ cấu ĐB ngoài Đảng là khoảng 10% (50 ĐB), bà An cho rằng: Nếu chọn được người đủ tài, đức thì tăng người ngoài Đảng không sao nhưng đưa ra tỷ lệ cơ cấu sợ sẽ khó khăn. Và, nữ ĐBQH này đặt câu hỏi: Nếu chúng ta tăng số lượng lên nhưng không tìm đủ người có chất lượng thì sao? Tỷ lệ cũng quan trọng nhưng cái chính phải là chất lượng. Chất lượng quyết định tất cả sự hoạt động và chất lượng của Quốc hội. Tăng lên liệu có tìm được người tài đức không? Trở lại với một ví dụ về người ngoài Đảng, bà An cho rằng, tỉ lệ 10% cũng có thể được coi là khá và bà đề xuất: “Chúng ta nên để thêm một giai đoạn phát triển tới nữa, nhiều mà không có chất lượng thì cuối cùng cũng bị mờ đi. Theo tôi người ngoài Đảng, hay trong Đảng đều yêu nước, chúng ta không nên phân biệt quá rạch ròi như vậy.” Có lẽ vì thế, mỗi cử tri, bằng sự suy xét và lá phiếu của mình nên sáng suốt lựa chọn người xuất sắc trong một cơ cấu cụ thể, dù là cơ cấu nữ, trong Đảng hay ngoài Đảng. Nhiều ý kiến còn cho rằng, cơ cấu còn cần đồng bộ với chất lượng. Nếu nặng cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng thì không thể nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH được.

Câu chuyện chất lượng và cơ cấu vì thế tuy đã được bàn đến nhiều nhưng không phải dễ thực hiện nếu suy xét từ những ý kiến nêu trên. Và câu hỏi: Làm thế nào để đảm bảo chất lượng là vấn đề vô cùng quan trọng? Trước hết nó thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bầu cử Quốc gia phải tìm cho ra, chọn cho được người đủ tài, đủ tầm, đủ tâm tham gia ứng cử vào QH; để cử tri có thể lựa chọn, “đãi cát tìm vàng” trong số những người xuất sắc tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp. Một vấn đề không hề dễ và trọng trách đang đặt nặng lên vai các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia. Tuy thế, cử tri vẫn đặt tin tưởng vào các thành viên của Hội đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất lượng và cơ cấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO