Châu Á chống lại Omicron như thế nào?

Hà Anh 16/12/2021 08:34

Du khách đang phải đấu tranh để cứu vãn kỳ nghỉ Giáng sinh của họ khi các chính phủ trên khắp châu Á thắt chặt các quy định nhập cảnh và kiểm dịch sau sự xuất hiện của biến thể siêu đột biến Omicron.

Hồng Kông (Trung Quốc) là một trong những nước đầu tiên hành động. Ngay từ đầu tháng 12, đặc khu hành chính này đã thêm ít nhất 16 quốc gia - bao gồm Nhật Bản, Canada và Australia - vào nhóm A, là nhóm có nguy cơ cao, nghĩa là những cư dân đến từ các quốc gia này phải thực hiện khoảng thời gian cách ly 21 ngày khi nhập cảnh.

Đông Nam Á thắt chặt đi lại

Với việc tiếp tục duy trì mở cửa đường biên thông qua các làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), nhà chức trách Singapore đang tiếp tục tăng cường chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với kịch bản bùng phát dịch Covid-19 trở lại trong bối cảnh xuất hiện các ca nhiễm biến thể mới Omicron của virus SARS-Cov-2.

Ngoài các biện pháp thắt chặt cơ chế xét nghiệm với người nhập cảnh đã và đang thực hiện, giới chức Singapore xác định sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng mũi bổ sung để gia tăng sức đề kháng cho người dân; mở rộng các chương trình tiêm chủng cho các đối tượng thanh niên và trẻ em. Đồng thời, Singapore sẽ đẩy mạnh triển khai xét nghiệm thường xuyên bắt buộc tại các công sở và ở cộng đồng để sớm phát hiện, truy dấu và khoanh vùng lây nhiễm biến thể Omicron.

Tượng tự, Bộ Y tế Malaysia cho biết, nước này sẽ tạm thời cấm nhập cảnh đối với du khách từ các quốc gia đã có báo cáo về các ca nhiễm biến thể Omicron hoặc được coi là có nguy cơ cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia, ông Khairy Jamaluddin cho biết, Malaysia cũng sẽ trì hoãn kế hoạch thiết lập làn VTL với các quốc gia có nguy cơ cao, hành khách trên các chuyến bay thẳng hoặc quá cảnh từ Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Zimbabwe và Malawi sẽ không được phép nhập cảnh. Ông Khairy cho biết, các quốc gia nằm trong danh sách cấm nhập cảnh sẽ được cập nhật hàng ngày.

Cùng với đó, với sự xuất hiện của biến thể Omicron, Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein cũng cho biết, chính phủ Malaysia sẽ tạm dừng kế hoạch chuyển đổi theo hướng coi Covid-19 là loài bệnh đặc hữu.

Tại Indonesia, tất cả công dân nước này đã đến bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào trong số 11 quốc gia nằm trong danh sách cấm du lịch tạm thời gồm: Nam Phi, Namibia, Botswana, Lesotho, Mozambique, Eswatini, Malawi, Zimbabwe, Angola, Zambia và Hồng Kông, sẽ phải cách ly trong 14 ngày khi nhập cảnh. Đồng thời, những công dân nước ngoài đã đến các quốc gia trên trong vòng 14 ngày gần nhất cũng sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Indonesia. Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia, Luhut Pandjaitan, cho biết, chính phủ sẽ theo dõi tình hình và cập nhật các quy tắc cho phù hợp.

Trong khi đó, Philippines đã cấm tất cả du khách đến từ 14 quốc gia ở châu Phi và châu Âu. Biện pháp này được duy trì cho đến ngày 15/12. Các quốc gia nằm trong “danh sách đỏ” của Philippines – những nước có du khách bị cấm là: Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Ý, Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini và Mozambique.

Tăng cường xét nghiệm du khách

Ấn Độ không cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Hồng Kông hoặc Botswana nhưng hành khách đến hoặc quá cảnh qua các điểm đến này (và những điểm đến khác được coi là rủi ro) sẽ phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR khi đến Ấn Độ và chờ kết quả trước khi họ có thể rời khỏi sân bay.

Cùng với đó, việc sử dụng liều vaccine thứ hai cho hơn 100 triệu người Ấn Độ đến hạn tiêm nhưng chưa nhận được mũi tiêm đã trở thành một ưu tiên cấp thiết. Trong khi đó, Bloomberg đưa tin, bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ đã áp đặt chế độ kiểm dịch bắt buộc trong 7 ngày đối với hành khách quốc tế đến từ các quốc gia bị chính phủ tuyên bố là “có nguy cơ”.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã hối thúc các nhà chức trách thắt chặt ngay việc kiểm tra nhập cư, ngay sau khi các cơ quan y tế báo cáo trường hợp nghi ngờ đầu tiên của quốc gia về biến thể Omicron.

Seoul đã tung ra một lực lượng đặc nhiệm bao gồm đại diện từ Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Cơ quan nhập cư và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), để đối phó với biến thể mới và thực hiện các bước phòng ngừa như kiểm soát nhập cư và phát triển của bộ dụng cụ xét nghiệm.

Ngay từ ngày 1/12, Hàn Quốc đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với 8 quốc gia châu Phi, bao gồm cả Nam Phi. Khách du lịch đã tiêm phòng từ các quốc gia khác phải nộp bản in kết quả xét nghiệm PCR khi đến, sau đó làm xét nghiệm thứ hai tại Trung tâm Y tế công cộng địa phương và tự cách ly tại nơi cư trú cho đến khi nhận được kết quả.

Nhật Bản cũng đã tăng cường ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron bằng việc từ chối nhập cảnh đối với công dân của 10 quốc gia ở miền Nam châu Phi, ngay cả khi họ có hộ khẩu thường trú tại Nhật Bản.10 quốc gia gồm: Angola, Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe.

Các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt hơn cũng đang được áp dụng lại với công dân Nhật Bản và người nước ngoài có hộ khẩu thường trú phải ở tối đa 10 ngày trong cơ sở cách ly do chính phủ chỉ định. Thời gian cách ly chỉ được nới lỏng xuống còn 3 ngày cách ly tại nhà vào đầu tháng này.

Cùng đó, theo Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản, nước này cũng đã yêu cầu các hãng hàng không ngừng nhận đặt chỗ chuyến bay đến mới do lo ngại về biến thể Omicron.

Bà Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO kêu gọi các quốc gia trong khu vực này cảnh giác, tăng cường các biện pháp y tế và xã hội, cũng như tăng tỷ lệ tiêm chủng trong bối cảnh biến thể mới xuất hiện. Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh cho rằng, các nước Đông Nam Á nên đánh giá nguy cơ xâm nhập của biến thể mới này thông qua khách quốc tế và đưa ra các biện pháp ứng phó thích hợp với biến thể mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á chống lại Omicron như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO