Châu Á ước tính thiệt hại sau vụ mã độc tống tiền lây lan toàn cầu

15/05/2017 19:03

Khu vực châu Á trong hôm đầu tuần bắt đầu tính toán về mức độ thiệt hại sau vụ tấn công bằng mã độc có quy mô rộng khắp toàn cầu hồi cuối tuần trước, trong đó Trung Quốc báo cáo có hàng chục nghìn tổ chức của họ bị ảnh hưởng bởi loại mã độc tống tiền có tên WannaCry này.

Trung Quốc cho hay có trên 40.000 tổ chức của họ bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công mạng toàn cầu. (Nguồn: AP).

Ban đầu, Trung Quốc dường như đã thoát khỏi tầm ảnh hưởng của vụ tấn công mạng quy mô lớn này, nhưng những trường hợp bị tấn công mới liên tục tăng mạnh trong thời điểm cuối tuần qua. Hãng truyền thông nhà nước nước này hôm 15/5 cho hay có khoảng 40.000 tổ chức của họ đã bị ảnh hưởng, trong số đó có 4.000 tổ chức giáo dục.

Con số này còn có thể tăng mạnh khi giới chuyên gia an ninh mạng đánh giá thiệt hại bắt đầu từ hôm đầu tuần này, dù cho rằng các trường hợp ở Trung Quốc - nơi mà vấn nạn sử dụng các loại phần mềm lậu đã trở thành một vấn nạn - có thể đã được báo cáo chưa chính xác.

Trong hôm thứ Sáu tuần trước, cả thế giới đã bàng hoàng trước sự lan tràn của loại mã độc tống tiền có tên WannaCryptOr 2.0, còn gọi là WannaCry. Nó hoạt động bằng cách mã hóa một hệ thống máy tính và yêu cầu một khoản tiền chuộc khoảng 300 USD để giải mã. Số tiền này sẽ được chi trả bằng tiền ảo Bitcoin và chuyển tới một nguồn không rõ, kẻ mà theo lý thuyết sẽ cung cấp chìa khóa giải mã cho nạn nhân.

Để làm tất cả những điều trên, mã độc này đã lợi dụng một lỗ hổng trên hệ điều hành Windows của Microsoft mà lần đầu tiên được Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) xác nhận và sau đó bị rò rỉ trên Internet. Interpol ước tính có trên 200.000 người ở hơn 150 quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi mã độc trên, và con số này còn có thể gia tăng.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều sinh viên cho hay các tài liệu học tập của họ đã bị mã hóa, trong khi nhiều người khác phàn nàn rằng thẻ ngân hàng của họ cũng bị xâm nhập, một số cơ quan của chính phủ và hệ thống chi trả tại các trạm bán xăng cũng bị ảnh hưởng. Các đoạn chia sẻ về cách phòng tránh loại mã độc này lan tràn trên khắp ứng dụng WeChat cuối tuần qua.

Một trong những trường đại học danh tiếng nhất ở Trung Quốc, bao gồm ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh, cũng bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công, theo Tân hoa xã. Nhiều đại học hiện đang là trung tâm nghiên cứu khoa học và máy tính của chính phủ cũng bị ảnh hưởng.

Các nhà điều hành hệ thống ngân hàng và an ninh Trung Quốc cũng đưa ra nhiều cảnh báo với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, khuyến cáo nên kiểm tra lại mạng nội bộ trước khi mở lại máy tính để hạn chế thiệt hại từ vụ tấn công. Các nhà điều hành an ninh cũng cho hay họ đã phải tạm ngừng mạng nội bộ để cập nhật một bản vá.

Công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc, PetroChina, xác nhận rằng vụ tấn công đã làm gián đoạn hệ thống chi trả điện tử của họ ở nhiều trạm xăng trong thời điểm cuối tuần qua. Trong hôm Chủ nhật, công ty cho biết 80% các trạm xăng của họ đã trở lại hoạt động bình thường.

Thành phố Ích Dương, nơi có dân số trên 4 triệu người, cho hay cơ quan giao thông của họ đã bị ngắt kết nối Internet và buộc phải ngừng tất cả các hoạt động. Trong khi Tây An, một thành phố trên 8 triệu dân ở miền Bắc Trung Quốc, nói rằng hệ thống máy tính của cơ quan giao thông của họ đã bị gián đoạn, làm ảnh hưởng tới tiến trình cấp bằng lái xe và việc xử lý các vụ vi phạm giao thông.

Vào sáng 15/5, 11 công ty công nghệ ở Trung Quốc, phần lớn đang hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng, đã tạm ngừng giao dịch sau khi cổ phiếu của họ tăng giá mạnh.

Tuy các báo cáo ban đầu cho thấy có trên 200.000 máy tính ở 150 quốc gia bị ảnh hưởng, nhưng con số này còn có thể gia tăng. Được lan truyền qua email, mã độc trên đã mã hóa thông tin của người dùng trên chính máy tính của họ, và đe dọa sẽ tiêu hủy dữ liệu nếu không chịu chi tiền.

Australia hôm đầu tuần cho hay họ dường như đã tránh được vụ tấn công mạng tồi tệ nhất này. Không có cơ quan chính phủ hay cơ sở hạ tầng quan trọng nào bị ảnh hưởng; ông Dan Tehan, Bộ trưởng An ninh mạng, cho hay. Ngoài ra cũng không có trường hợp nào được báo cáo ở New Zealand.

“Tại thời điểm này, dường như chúng tôi đã tránh được ảnh hưởng to lớn của vụ tấn công này” - ông Tehan cho hay.

Việc mã độc lan tràn còn khiến cả thế giới tập trung vào việc, vì sao người dùng máy tính trên khắp thế giới không cập nhật một bản vá lỗi mà Microsoft đã công bố từ hồi tháng 3 năm nay. Trong suốt nhiều năm liền, Microsoft đã phàn nàn rằng phần lớn máy tính trên thế giới sử dụng phiên bản lậu phần mềm của họ.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho hay, vụ tấn công xuất hiện ở nhiều nước dường như chỉ ảnh hưởng phần lớn là đối với các doanh nghiệp nhỏ, tuy vậy họ vẫn khuyến cáo người dùng máy tính nâng cấp phần mềm an ninh.

Chính phủ Hàn Quốc trong hôm đầu tuần cũng cho hay họ chỉ phát hiện ra 9 trường hợp bị ảnh hưởng bởi mã độc tống tiền WannaCry, tính đến thời điểm hiện nay, và thêm rằng giới chuyên gia đang tiến hành phân tích hàng chục mẫu mã độc kiểu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á ước tính thiệt hại sau vụ mã độc tống tiền lây lan toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO