Châu Âu bất an vì Omicron

Hà Anh 18/12/2021 08:16

Làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 liên quan đến biến thể Omicron đang gia tăng nhanh ở Anh đã làm nhiều người ở châu Âu lo lắng. Nó làm tăng thêm nỗi sợ hãi quen thuộc rằng, các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn sẽ một lần nữa làm ảnh hưởng đến kế hoạch nghỉ lễ trong năm nay.

Nguy cơ mất kỳ nghỉ Giáng sinh

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể Omicron, nhưng ngày càng có nhiều quan chức các nước cảnh báo rằng, nó có thể dễ lây nhiễm hơn so với biến thể Delta- biến thể vốn đã gây áp lực lên các bệnh viện từ Mỹ đến Hà Lan.

Sau khi Vương quốc Anh ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới được xác nhận là cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, ngày 17/12, Pháp đã thông báo, nước này sẽ thắt chặt các quy định nhập cảnh đối với những người đến từ Anh.

Giám đốc Y tế Anh Chris Whitty đã phải kêu gọi mọi người hạn chế gặp gỡ nhau trong thời gian nghỉ lễ. Các quán rượu và nhà hàng cho biết, nhiều người đang chú ý đến lời khuyên này bằng cách hủy tiệc Giáng sinh. Trong khi đó, ở Mỹ, Nhà Trắng khẳng định không cần thiết phải đóng cửa, bất chấp các dấu hiệu cho thấy Omicron đang hiện diện tại nước này.

Trên toàn cầu, hơn 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đã báo cáo các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Trong khi ở Anh, nơi các trường hợp nhiễm biến thể này đang tăng gấp đôi cứ sau hai đến ba ngày, Omicron dự kiến ​​sẽ sớm thay thế Delta trở thành biến chủng nổi trội. Điều này khiến chính phủ Anh phải tăng tốc chương trình ứng phó đại dịch trước diễn biến dịch bệnh mới.

Cùng với đó, các nhà chức trách tại Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết, Omicron sẽ là biến thể thống trị trong khối vào giữa tháng 1/2022.

Cho đến nay, ngoài những bằng chứng cho thấy Omicron dễ lây lan hơn, dữ liệu ban đầu cũng chứng minh biến thể này gây bệnh thể nhẹ hơn, nhưng lại có khả năng làm suy yếu sự bảo vệ của vaccine, làm cho các mũi tiêm nhắc lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia đã khuyến cáo đặc biệt thận trọng khi đưa ra kết luận về mức độ nhẹ của bệnh vì còn rất nhiều biến số góp phần vào việc người bệnh mắc bệnh như thế nào.

Người dân mua sắm trên Phố Oxford ở London, Anh. Ảnh: Reuters.

Phản ứng khác nhau từ các nước

Ngày 17/12, trong khi Cơ quan Y tế Anh tiếp tục đưa ra các cảnh báo nghiêm trọng về mức độ lây lan chưa từng thấy của biến thể Omicron tại Anh và dự đoán, với tốc độ hiện nay, khoảng 4 triệu người Anh sẽ nhiễm biến thể này trước dịp Giáng sinh, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn nhấn mạnh rằng, tình hình hiện nay ở Anh khác với năm ngoái vì việc sử dụng rộng rãi vaccine và khả năng xét nghiệm.

Ông Johnson vẫn cho rằng, nếu mọi người muốn tham dự một sự kiện, “điều cần làm là xét nghiệm và đảm bảo rằng bạn đang thận trọng”.

Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn hủy mọi thứ, chúng tôi không khóa mọi thứ và con đường nhanh nhất để trở lại bình thường là tiêm mũi vaccine tăng cường”.

Tuy nhiên, Giáo sư Chris Whitty, Giám đốc Y tế của Anh đã đưa ra một lưu ý thận trọng hơn, khuyên mọi người nên hạn chế tiếp xúc xã hội và đặt ưu tiên cho những người quan trọng nhất. Thậm chí, ngày 17/12, ông Whitty nói trước một phiên điều trần của Ủy ban Quốc hội rằng, chính phủ có thể phải xem xét lại các biện pháp giãn cách nếu vaccine tỏ ra kém hiệu quả hơn so với dự kiến ​​trước Omicron.

Trong số những người đi theo con đường thận trọng hơn có Nữ hoàng Elizabeth II, người đã chọn hủy bữa trưa truyền thống gia đình trước Giáng sinh của mình khi các ca nhiễm tăng vọt.

Trong khi đó, Chính phủ Hà Lan đã ra lệnh cho các trường tiểu học đóng cửa sớm trước Giáng sinh một tuần trong bối cảnh lo ngại biến thể Omicron sẽ thúc đẩy một đợt lây nhiễm mới. Các nhà chức trách cũng đẩy nhanh một chiến dịch tiêm chủng tăng cường khi Thủ tướng Mark Rutte đã trích dẫn trường hợp nước Anh như một ví dụ về khả năng lây lan nhanh chóng của biến thể này.

Ngày 17/12, tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã tìm cách cân bằng giữa việc giải quyết sự gia tăng của các ca lây nhiễm trên khắp châu lục trong khi vẫn mở cửa bằng các chính sách chung trong toàn khối.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói: “Chúng ta hãy cố gắng duy trì giải pháp châu Âu. Nếu mỗi quốc gia lại đi một mình, chúng ta sẽ còn trượt xa hơn”.

Tuy nhiên, trước khi cuộc họp trên diễn ra, các quốc gia châu Âu đã hành động để kiềm chế sự lây lan của virus. Hy Lạp và Ý đã thắt chặt các yêu cầu nhập cảnh đối với du khách vào đầu tuần này, trong khi Bồ Đào Nha đã quyết định duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn khi kế hoạch kết thúc vào ngày 9/1.

Cùng ngày, chính phủ Pháp cho biết, họ sẽ áp dụng các hạn chế đối với du khách đến từ Vương quốc Anh - quốc gia không còn thuộc EU - đưa ra các giới hạn đối với người nhập cảnh và yêu cầu cách ly 48 giờ khi đến. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực vào thứ Bảy đầu tiên của năm 2022.

Còn tại Ba Lan, sau khi ghi nhận một trường hợp nhiễm biến thể Omicron ở thành phố Katowice hôm 17/12, Bộ Y tế nước này cho biết, các hạn chế mới sẽ được thông qua để đối phó với tình hình phức tạp hiện tại. Cụ thể các quy định giới hạn số lượng người ở nhà hàng, quán bar, khách sạn, rạp chiếu phim… sẽ giảm từ 50% xuống còn 30% và được áp dụng đến 31/1/2022.

Bà Christina Pagel, chuyên gia thuộc tổ tư vấn khoa học về Covid-19 cho chính phủ Anh (SAGE) nhận định, tình hình dịch Covid-19 đang ở mức độ vô cùng nghiêm trọng và các kỷ lục về số ca mắc mới tại Anh sẽ còn tăng cao trong ít nhất 1 tuần nữa nếu như chính phủ Anh không áp dụng các biện pháp cứng rắn ngay lập tức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu bất an vì Omicron

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO