Châu Âu siết mạnh phòng dịch

Mai Phương 13/11/2021 07:58

Châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm của đại dịch khi số ca mắc Covid-19 tăng lên không ngừng trong những tuần gần đây, khiến hệ thống y tế nhiều nước rơi vào tình trạng báo động. Các nước đang cân nhắc việc siết trở lại những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn làn sóng lây lan của virus.

Phong tỏa trở lại?

Với hơn 50.000 ca Covid-19/ngày, Đức thành vùng dịch nóng nhất châu Âu, nước này đang cân nhắc áp dụng các biện pháp hạn chế mới để đối phó làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Hiện Đức ghi nhận 50.196 ca nhiễm mới Covid-19 trong 24 giờ qua, mức cao kỷ lục từ khi Covid-19 bùng phát tại đây.

Tại một số khu vực của Đức, đặc biệt là miền Đông nước này, các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải, bắt đầu chuyển bớt bệnh nhân sang những vùng ít ảnh hưởng hơn.

Một số bang chịu ảnh hưởng từ Covid-19 nghiêm trọng nhất như Sachsen, Bavaria và mới nhất là Berlin đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới nhằm vào những người không tiêm chủng. Berlin kể từ ngày 15/11 sẽ cấm những người chưa tiêm vaccine vào nhà hàng, quán bar, phòng thể dục và tiệm làm tóc cùng một số địa điểm công cộng khác.

Trong bài phát biểu trước Hạ viện về các đề xuất biện pháp mới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, Đức cần siết chặt các biện pháp phòng dịch nhằm ứng phó với số ca mắc Covid-19 tăng mạnh và vượt qua dịch bệnh vào mùa Đông này.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hoành hành, Bộ trưởng Scholz nhận định, cần phải mở lại các trung tâm vaccine trên cả nước và khuyến khích người dân đi tiêm phòng. Trong số các biện pháp được đề xuất còn có siết chặt các quy định xét nghiệm đối với các chủ lao động và áp dụng trở lại các biện pháp xét nghiệm kháng thể.

Bộ trưởng Y tế Đức nhận định, quốc gia này đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới từ những người chưa tiêm phòng, đồng thời hối thúc người dân tiêm mũi tăng cường, kể cả khi họ đã tiêm đủ liều.

Đặc biệt, do số ca mắc mới ở mức cao, ngày 12/11, chính phủ Đức đã đưa Áo (cùng Cộng hòa Séc và Hungary) vào danh sách các nước rủi ro cao và quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 14/11. Những người về Đức từ những nước này sẽ phải thực hiện cách ly, trừ những người đã tiêm đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh.

Cùng với Đức, Hà Lan đã ghi nhận hơn 16.000 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ, con số cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Số ca bệnh gia tăng một lần nữa gây áp lực lên các bệnh viện, các chuyên gia y tế đã kêu gọi Chính phủ áp dụng biện pháp phong tỏa một phần để chống lại đợt bùng phát mới.

Ban cố vấn chống dịch của chính phủ Hà Lan cũng khuyến nghị áp dụng biện pháp phong tỏa một phần. Theo đó, sẽ đóng cửa các rạp hát và rạp chiếu phim, hủy bỏ các sự kiện lớn và đóng cửa các quán cà phê và nhà hàng.

Hà Lan có thể sẽ áp dụng lệnh phong tỏa một phần đầu tiên ở Tây Âu kể từ mùa Hè 2021. Đến nay, khoảng 85% dân số trưởng thành ở Hà Lan đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19.

Trong khi đó, Áo cũng đã cảnh báo nguy cơ lây lan của dịch Covid-19. Ngày 12/11, Thủ hiến bang Oberösterreich, ông Thomas Stelzer thông báo, từ đầu tuần tới, sẽ tăng mức độ khiểm soát với người chưa tiêm phòng Covid-19.

Ông Stelzer cho biết, tình hình dịch bệnh đang rất kịch tính, do vậy bang Oberösterreich sẽ áp dụng cấp 5 trong thang kế hoạch chống dịch của liên bang.

Trước đó, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cũng cho biết, nước này đang tiến gần hơn tới áp đặt việc kiểm soát đối với những người không tiêm chủng. Ông Schallenberg cảnh báo, người chưa tiêm chủng sẽ phải đối mặt với những hạn chế vào mùa Đông và dịp Giáng sinh tới đây.

Tăng tốc phê duyệt thuốc điều trị Covid-19

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm 12/11 đã cấp phép sử dụng cho 2 loại thuốc điều trị Covid-19 là Ronapreve do hãng dược phẩm Roche của Thuỵ Sĩ sản xuất và Regdanvimab do Tập đoàn dược phẩm Celltrion do Hàn Quốc phát triển.

Trong thông cáo, Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng, thuốc điều trị Ronapreve và Regdanvimab làm giảm đáng kể tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện và tử vong, nhất là đối với các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng. Thuốc Ronapreve còn làm giảm nguy cơ lây lan nếu một thành viên trong gia đình bị mắc Covid-19.

EMA khuyến nghị sử dụng 2 loại thuốc trên để điều trị Covid-19 cho người lớn hoặc thanh thiếu niên từ 12 tuổi và nặng trên 40 kg.

Ronapreve và Regdanvimab cũng là các loại thuốc kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được EMA thông qua.

Uỷ viên phụ trách Y tế châu Âu Stella Kyriakides nhấn mạnh, việc phê duyệt 2 loại thuốc trên có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tăng mạnh trở lại tại châu Âu.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế Pháp, ông Olivier Véran cảnh báo nguy cơ về làn sóng dịch thứ 5: “Đây là dấu hiệu rõ ràng bắt đầu làn sóng dịch thứ 5. Virus đang lây lan nhanh, tăng hơn 40% chỉ trong vòng một tuần. Điều này từng xảy ra ở những làn sóng dịch trước đây. Điểm khác biệt lớn nhất là phần lớn chúng ta đã được tiêm chủng, được cấp giấy thông hành y tế và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa thì chúng ta sẽ vượt qua giống như làn sóng dịch thứ 4, với số ca phải nhập viện và tử vong thấp”.

Trong cảnh báo mới nhất của mình, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, số ca mắc mới Covid-19 tại châu Âu đang tăng theo chiều hướng “đặc biệt lo ngại” và khu vực này đang trở lại là tâm dịch của thế giới. Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge bày tỏ đặc biệt lo ngại về mức độ lây truyền dịch bệnh ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu. Số ca tử vong ở châu Âu đã tăng 10% vào tuần đầu tiên của tháng này và chiếm hơn một nửa trong số 48.000 ca tử vong trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu siết mạnh phòng dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO