Che đỡ sai phạm

Hư Trúc 26/07/2016 07:25

Dư luận đang xôn xao về một vụ việc lạ. Có trên 800 sản phẩm của 72 doanh nghiệp gồm 668 sản phẩm dùng cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản và 140 sản phẩm thức ăn thủy sản không đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm ấy đã được lưu hành với giấy phép cấp từ Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cần thực hiện nghiêm chỉnh quy định trong nuôi trồng thủy sản.

Vụ việc được Tổng cục Thủy sản phát hiện từ tháng 4/2015 tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng Thuỷ sản thuộc Tổng cục Thuỷ sản (gọi tắt là Trung tâm 3K). Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản đã chỉ đạo xác minh, tìm chứng cứ và xử lý từng cá nhân trong vụ kiểm định khống.

Theo đó, Giám đốc Trung tâm 3K lúc đó đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm này làm giả công văn cấp phép lưu hành cho hơn 800 loại sản phẩm trong lĩnh vực thuỷ sản và lưu hành trái quy định của pháp luật.

Theo một bản báo cáo kết luận từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế chủ các sản phẩm này chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng/sản phẩm để trả cho Giám đốc Trung tâm là sản phẩm của họ nghiễm nhiên có tên trong danh sách được lưu hành. Số tiền trong phi vụ đen này lên hàng tỉ đồng.

Khi bị phát hiện, những cán bộ làm sai đã bị yêu cầu thực hiện tự kiểm điểm trách nhiệm trước hội đồng kỷ luật công chức, viên chức của Tổng cục Thuỷ sản. Điều đáng quan tâm là họ tuyên bố việc “kiểm nghiệm” các sản phẩm đó đều đúng quy trình. Thế nhưng, tiến trình xử lý sai phạm rất chậm chạp và cũng đúng quy trình, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, e ngại “tập quán” giơ cao đánh khẽ, mất tính răn đe lại xảy ra.

Thật không kể xiết những tổn thất do sai phạm trên gây ra. Trên 800 sản phẩm bẩn ấy đưa nông dân vào tình cảnh tiền mất tật mang, và không thể quên việc người tiêu dùng khi ăn phải thực phẩm nuôi kiểu đầu độc như thế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Chưa có cơ quan nào lên tiếng hay có một đánh giá chính xác về mức độ nguy hại, nhưng chắc chắn hiểm họa từ những xác nhận gian dối trên là không nhỏ và lâu dài. Và đây cũng mới chỉ là một góc của tổn thất, chưa phải là toàn bộ. Sau hiểm họa vật chất đó là uy tín của một cơ quan “gác cổng” chất lượng thủy sản bị sứt mẻ gây mất lòng tin với xã hội.

Điều đáng nói là Tại Trung tâm kiểm nghiệm nói trên, luôn có các quy định, quy trình chi tiết và nghiêm ngặt và những con người chịu trách nhiệm vẫn luôn luôn trình bày mọi công đoạn kiểm nghiệm đã thực hiện đúng quy trình!

Quy trình hẳn là những nội dung thể hiện qua văn bản, tất nhiên nó không sai mà chỉ có những kẻ vận dụng nó làm sai để trục lợi. Như vậy, xem ra cái gọi là quy trình trên thực tế đang bị dùng như một tấm khiên che đỡ cho kẻ gian núp sau nó.

Thực tế người dân dường như không có nhu cầu quan tâm việc “làm đúng quy trình” cụ thể như thế nào. Điều đáng quan tâm là sau quy trình đúng là việc phải bảo đảm lợi ích của xã hội.

Dư luận chưa hết bức xúc vụ một quan chức cấp cao tỉnh Hậu Giang khi bị soi từ cái biển số xe, đã vỡ ra ông này đã được dẫn qua những quy trình nghiêm ngặt nhưng là để đi từ sai phạm này đến sai phạm khác mà tất cả đều nghiêm trọng. Vậy thì, đã tới lúc cần cân nhắc xem ý nghĩa và giá trị của các quy trình là gì? Với kết quả tiêu cực như đã thấy, trong cả hai vụ việc vừa nêu, tính thượng tôn và tính minh bạch cũng như hiệu quả của các quy trình đã bị phớt lờ hay biến tấu một cách khá dễ dàng.

Không phải trong một lúc mà là lâu dài có hệ thống, đối tượng gian dối đã có thể lũng đoạn bằng cách “làm đúng quy trình” như chiếc khiên che đỡ cho những sản phẩm hỏng. Đã có những quy định của pháp luật để tạo ra những quy trình đúng. Nếu đúng quy trình mà vẫn tạo ra vấn nạn tiêu cực thì cần xem xét lại những sơ hở, tính hình thức áp dụng các quy trình ấy trên thực tế, cũng như kiên quyết xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Che đỡ sai phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO