Chỉ công khai bản kê khai tài sản quan chức tại cơ quan?

PV (Chinhphu.vn) 09/11/2017 17:44

Theo dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc; bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm.


Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4 ngày 9/11. Ảnh: Quang Vinh.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4 ngày 9/11.

Thanh tra Chính phủ là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật cho rằng xây dựng liêm chính là một trong những trụ cột quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.

Đây là một chế định mới được quy định trong dự thảo trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của Luật hiện hành bao gồm: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; quy định về tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh (từ Điều 23 đến Điều 26 của Dự thảo).

Trong đó, Điều 23 về quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm thực hiện việc không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng.

Dự thảo Luật quy định cụ thể những việc mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm; những việc mà người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung thêm quy định mới về giáo dục liêm chính và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện giáo dục liêm chính. Cơ quan soạn thảo coi đây là nền tảng quan trọng trong việc hình thành, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó nhằm phòng ngừa tham nhũng trong xã hội.

Trong Tờ trình về dự thảo Luật, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, thu nhập để thực hiện kiểm soát tài sản cán bộ, công chức có trọng tâm, trọng điểm và khắc phục tính hình thức. Theo đó, tập trung vào đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ cao (từ 0,7 trở lên ở cấp Trung ương và 0,9 trở lên ở cấp địa phương); một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 và là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước dễ xảy ra tham nhũng do Chính phủ quy định.

Về công khai bản kê khai, dự thảo kế thừa các quy định của luật hiện hành và có sửa đổi cho phù hợp và gọn hơn, khắc phục tính hình thức. Các hình thức công khai trong dự thảo theo hướng: Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc; bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đưa thêm phương án mở rộng phạm vi công khai theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của Đảng: "Tiến tới tất cả đảng viên là cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản, công bố trong chi bộ, cấp ủy và giải trình nguồn gốc khi có yêu cầu” để xin ý kiến Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ công khai bản kê khai tài sản quan chức tại cơ quan?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO