Chỉ dấu quan trọng của nền kinh tế

Hà Trọng Nghĩa 01/07/2021 07:40

Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê chính thức thông báo những số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021.

Đây là thời đoạn hết sức khó khăn của đất nước khi đối mặt với bùng phát của dịch Covid-19, đặc biệt là lần bùng phát dịch thứ 4, kể từ ngày 27/4 với tốc độ lây lan SARS-CoV-2 cực nhanh, trên diện rộng với nhiều địa phương trong cả nước. Tới thời điểm này, số người dương tính với SARS-CoV-2, số ca tử vong nhiều hơn cả 3 lần dịch trước cộng lại.

Trong tình thế khó khăn ấy, kinh tế - xã hội của đất nước ra sao?

Đó không chỉ là câu hỏi, mà còn là sự băn khoăn, lo lắng của Đảng, Nhà nước mà cũng là mối lo chung của tất cả người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cũng như những con số thống kê một lần nữa cho thấy đất nước vẫn vững vàng trong bão dịch, vững vàng trong muôn vàn gian khó. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng GDP vẫn đạt hơn 5,64%. Đó là con số vô cùng ý nghĩa nếu so với mức tăng 1,82% cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, bên cạnh chỉ số tăng trưởng (GDP), còn là chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vì rằng, nếu GDP đạt cao nhưng CPI cũng cao thì thực tế sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Ở đây, một lần nữa cho thấy, bên cạnh GDP cao thì CPI thấp, từ đó mang đến chỉ số dương rất thực.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm nay tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Còn lạm phát cơ bản tháng 6/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số CPI cho thấy không có sự lạm phát như nhiều người từng lo ngại do diễn biến xấu của dịch bệnh. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác thì nếu CPI tăng thấp cũng còn cần phải được cân nhắc khía cạnh giảm phát của nền kinh tế khi mà sức mua của xã hội suy giảm. Điều đó tiếp tục là những thách thức cho nửa năm còn lại cũng như thời gian nối dài tiếp theo.

Nhưng dẫu thế thì như đã nói, trong tương quan giữa GDP và CPI 6 tháng đầu năm, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin đã thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế đã không đổ gãy mà vẫn phát triển tốt nhất trong bối cảnh nhiều khó khăn.

CPI là một chỉ số cơ bản đo lường giá cả hàng hóa dịch vụ và cho biết nền kinh tế có bị lạm phát hoặc giảm phát hay không. Trong nhiều trường hợp các quốc gia còn dùng CPI như đại diện cho thông số về lạm phát. Giá cả hàng hoá dịch vụ luôn luôn biến động theo thời gian, tuy nhiên nếu như giá cả thay đổi quá nhanh thì nó có thể là một cú sốc đối với nền kinh tế. Với một số quốc gia, CPI được xây dựng dựa trên thông số về rổ hàng hoá dịch vụ được sử dụng để tính bao gồm hơn 200 danh mục, thuộc 8 nhóm: Thực phẩm và đồ uống, nhà đất, may mặc, vận tải, chăm sóc sức khoẻ, giải trí, giáo dục và truyền thông, và một số loại hàng hoá dịch vụ khác.

Vậy, chỉ số CPI mách bảo điều gì? Tóm tắt có thể được hiểu rằng đó là một bức tranh về sự biến động của chi phí sinh hoạt, từ đó giúp các chuyên gia tài chính nhận định được khả năng lạm phát cũng như giảm phát, để rồi chính quyền sẽ có những giải pháp kinh tế vĩ mô thích hợp.

Cũng chính vì thế nên CPI là chỉ số quan trọng, được quan tâm chú ý. Nó cũng là chỉ số đo lường sự thay đổi trong chi phí sinh hoạt được biết đến nhiều nhất, vì nó sát sườn với cuộc sống hàng ngày của mỗi một con người, một gia đình.

Trở lại với chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2021, soi vào thực tế, có thể khẳng định đó là một chỉ dấu tích cực và quan trọng của nền kinh tế, nền kinh tế vượt bão.

Đã có nhiều lo lắng, hoài nghi về “sức khỏe” của nền kinh tế khi dịch bệnh bủa vây. Đã có những lo lắng tăng giá “phi mã” của những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, ảnh hưởng xấu tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Những lo lắng ấy là thực tế. Nhưng cũng có một thực tế nữa: Đó chính là nền kinh tế không giảm phát, không rơi vào khủng hoảng. Hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều không tăng giá, hàng hóa không thiếu.

Tại Bắc Giang, Bắc Ninh trước trước đây cũng như Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, dù phải giãn cách xã hội, dù phải phong tỏa, cách ly để dập dịch thì cuộc sống của người dân vẫn được đảm bảo. Không ai bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh khó khăn, đó chính là sự ưu việt của chế độ đã mang đến ngọn lửa ấm áp tình người để chúng ta đoàn kết bên nhau, vững niềm tin kể cả trong những lúc khó khăn. Từ đó cùng hướng tới tương lai phía trước. Đó là dịch bệnh sớm được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường và kinh tế nước nhà phát triển mạnh mẽ.

Trong sự phát triển ấy, mỗi một con người đều được thụ hưởng thành quả. Thành quả của một nền kinh tế vượt bão.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ dấu quan trọng của nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO