Chỉ nhắc nhở để làm gì khi dịch bệnh vẫn lây lan?

Mạnh Thìn 12/08/2021 15:58

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên số ca nhiễm Covid-19 tại tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục tăng cao. Đỉnh điểm như ngày 12/8, ghi nhận thêm 1.076 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca dương tính với Covid-19 của toàn tỉnh lên con số trên 11.700 trường hợp.

Một doanh nghiệp ở huyện Nhơn Trạch thực hiện 3 tại chỗ.
Một doanh nghiệp ở huyện Nhơn Trạch thực hiện 3 tại chỗ.

Đa số các ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày đều tập trung ở những địa phương điểm nóng của dịch bệnh như: TP Biên Hòa với hơn 400 ca, huyện Vĩnh Cửu gần 380 ca.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận nhiều ổ dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp như: Amata, Long Bình, Thạnh Phú, Sông Mây, Long Thành, Lộc An – Bình Sơn, Nhơn Trạch 1, 2, 3, 5, 6.

Điều đáng nói, hàng loạt ca dương tính mới với Covid-19 đã được phát hiện qua test nhanh tại các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, có 35 trên tổng số 1.156 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” ở Đồng Nai xuất hiện ca dương tính.

Cụ thể, tại huyện Nhơn Trạch có đến 14 doanh nghiệp ghi nhận tổng cộng 420 ca nhiễm. Thành phố Biên Hòa có trên 200 ca nhiễm ở 15 doanh nghiệp. Con số này sẽ tiếp tục tăng vì hiện vẫn còn hàng trăm trường hợp test nhanh dương tính đang chờ kết quả xét nghiệm PCR.

Theo tìm hiểu, hiện nay toàn tỉnh Đồng Nai có 112 trên tổng số 1.628 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp phát hiện ca nhiễm Covid-19 với tổng số 963 trường hợp. Một số doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp cũng ghi nhận các ổ dịch lớn có nguy cơ lây nhiễm cao như: Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam, Công ty Gỗ Thiên Định (TP Biên Hòa).

Ông Đặng Đình Mười, chuyên gia về setup doanh nghiệp liên doanh cho biết, việc để xảy ra các ca nhiễm trong các doanh nghiệp “3 tại chỗ” trước hết xuất phát từ khâu thẩm định ban đầu. Khi phê duyệt thực hiện phương án này, cơ quan chức năng chưa đánh giá hết các nguy cơ. Nhất là việc kiểm soát đầu vào doanh nghiệp “3 tại chỗ” thiếu chặt chẽ.

Các doanh nghiệp không thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nguy cơ bùng phát ổ dịch trong các doanh nghiệp “3 tại chỗ” đã hiển hiện”.

Ngay lúc này, hãy tiêm vaccine nhanh nhất có thể cho người dân.
Ngay lúc này, hãy tiêm vaccine nhanh nhất có thể cho người dân.

Nhằm chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra.

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Y tế, Công an tỉnh, Công an TP Biên Hòa đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH Việt Nam Meiwa và Công ty TNHH Boramtek Việt Nam (KCN Biên Hòa 2).

Sau khi kiểm tra, nhận thấy hai công ty trên chưa đáp ứng được một số yêu cầu về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể như việc thiếu danh sách người lao động tạm trú. Người lao động vẫn sử dụng chung các vật dụng như muỗng, đũa ở khu nhà ăn. Khu vực cách ly các trường hợp test nhanh dương tính chờ kết quả xét nghiệm khẳng định PCR còn thiếu các hạng mục vật dụng cần thiết.

Đây chỉ là hai trong số những doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” chưa đáp ứng được các yêu cầu về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, điều đáng nói là đoàn kiểm tra chỉ nhắc nhở, chấn chỉnh những hạn chế tại các công ty này.

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao không có những chế tài nặng hơn như xử phạt hoặc cho tạm ngưng sản xuất để xử lý khi doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch? Tại sao một số doanh nghiệp khi phát hiện các ca nhiễm vẫn được sản xuất? Phải chăng khâu phòng chống dịch đang có những lỗ hỏng nhất định?

Nguyên tắc phòng dịch là ngăn chặn từ gốc, khi đã phát hiện được nguồn lây (tức F0) thì việc bóc tách ra khỏi cộng đồng, nơi sản xuất tập trung đông người để xử lý khu vực có người nghi nhiễm là việc cần thiết phải làm và làm ngay. Tất nhiên ở khía cạnh này, hơn ai hết ngành chức năng mà cụ thể là lực lượng y tế nắm rõ hơn cả.

Việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất là phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, với diễn tiến các ca dương tính mới với Covid-19 vẫn còn tăng cao ở tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh thành phía Nam, trong đó các ca nhiễm ở các doanh nghiệp triển khai “3 tại chỗ”. Thiết nghĩ, cần phải có giải pháp căn cơ hơn nữa cho việc thực hiện phương án này. Xử phạt, khắc phục được thì cho làm tiếp. Còn không hãy mạnh tay hơn bằng việc cho ngưng sản xuất để phòng dịch.

Cùng với đó, hãy khẩn trương tiêm vaccine cho người dân nhanh nhất có thể để tăng miễn dịch cộng đồng. Có như vậy mới mong sớm khống chế được dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ nhắc nhở để làm gì khi dịch bệnh vẫn lây lan?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO