Chỉ rõ địa chỉ sai phạm an toàn thực phẩm

Việt Thắng 21/04/2017 08:35

Chiều 20/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”. Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ rõ địa chỉ sai phạm.

Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an,
phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa - TTXVN).

Nghiêm trọng và phức tạp

Trình bày Báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết: Tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. NĐTP vẫn đang diễn ra khá phức tạp là một thách thức lớn trong công tác ATTP.

Theo kết quả giám sát, phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tình trạng chung là không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo. Tỷ trọng cơ sở chăn nuôi áp dụng quy trình sản xuất an toàn còn thấp. Hàng nhập khẩu tiểu ngạch, hàng buôn lậu qua biên giới vẫn diễn ra, rất khó kiểm soát. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2016 các lực lượng chức năng đã thu giữ và xử lý hàng trăm tấn chất phụ gia, thực phẩm từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc đã nhập lậu vào Việt Nam.

“Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe. Ở nhiều địa phương tỷ lệ xử lý vi phạm ATTP thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan; công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP hiệu quả chưa cao. Việc thanh tra, kiểm tra có tăng nhưng chưa bao quát đối với tất cả loại hình sản xuất, chế biến thực phẩm (chỉ đạt khoảng 40% năm); kiểm tra, xử lý về vệ sinh ATTP chưa thực sự triệt để, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công”- Báo cáo của Đoàn giám sát nhìn nhận.

Có biểu hiện một số cán bộ né tránh, bảo kê

Nguyên nhân được Đoàn giám sát nêu rõ: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, lãnh đạo quản lý về vai trò của ATTP chưa đầy đủ, chưa có chế tài xử lý đối với cơ quan, cán bộ không hoàn thành trách nhiệm quản lý ATTP. Phân công trách nhiệm chưa đi liền với tổ chức bộ máy và đầu tư kinh phí; công tác phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý vẫn bỏ sót một số loại hình, đối tượng quản lý. Một số cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ còn chưa nghiêm. Có biểu hiện né tránh, ngại va chạm, thậm chí có dấu hiệu “bảo kê”, bao che của một số cán bộ thực thi công vụ. Việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm, mặc dù số vụ vi phạm là nhiều, có nhiều vụ nghiêm trọng xong việc xử phạt không tương xứng với mức độ vi phạm, số vụ xử lý hình sự quá ít so với mức độ nghiêm trọng xảy ra, không tạo ra sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong ATTP.

Đồng tình với kết quả Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, yếu kém nhất vẫn là xử phạt, còn để xảy ra nghiêm trọng trong sản xuất chế biến kinh doanh, nhà sản xuất kinh doanh chấp hành không nghiêm coi thường sức khỏe, tính mạng. Thứ hai là trách nhiệm của chính quyền địa phương, chỉ đến khi Thủ tướng yêu cầu chính quyền phải vào cuộc thì tình hình mới đỡ hơn trước. Bởi vì thẩm quyền của địa phương chứ không phải Bộ “đổ xô” xuống xử lý được. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần đưa trách nhiệm người đứng đầu vào mới cương quyết trong xử lý và mới có sự đột phá.

Chế biến thịt lợn trước khi đưa ra thị trường. (Nguồn: Báo CA TP HCM).

Tại sao số vụ xử lý hình sự ít?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: “Số vụ chuyển qua hình sự ít. Chúng ta đánh giá là tình trạng phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng vậy sao xử lý ít vậy? Chúng ta nói do chế tài xử lý chưa nghiêm nhưng sao lại xử lý ít vậy?”. Và ông cho rằng, còn tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” là do quản lý nhà nước còn bất cập yếu kém, do đó cần chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm của địa phương để xảy ra nhiều vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, hành lang pháp lý không thiếu, nếu nói Bộ luật Hình sự chưa đủ tính răn đe là chưa xác đáng.

Giải trình về xử lý hình sự liên quan đến vệ sinh ATTP ít, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Xử lý chưa đạt không phải do hình phạt nhẹ nhưng khó nhất là trong quá trình tổ chức thực hiện.

“Đơn cử Bộ luật Hình sự năm 1999 nói sản xuất vệ sinh thực phẩm không an toàn là vi phạm nhưng tình tiết gây thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng chưa được cụ thể hóa. Cho nên thu thập điều tra chứng cứ là khó khăn. Khó thứ hai là hành vi vi phạm an toàn thực phẩm gây hậu quả nhưng lại phải giám định chất đó. Nếu chết người có phải do ngộ độc thức ăn không đang khó khăn. Vì độc tố nhiều khi không xảy ra ngay mà tích tụ mấy ngày mới xảy ra như vụ ngộ độc rượu ở Hà Giang cho thấy uống rượu 2-3 ngày mới bị”-Thứ trưởng Vương phân tích, đồng thời đề nghị các bộ chủ quản cần quy định cụ thể danh mục sử dụng chất cấm của các ngành.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ATTP là mối quan tâm lớn của nhân dân với mức độ lo ngại ngày càng nhiều hơn. Đánh giá của WB cho thấy nước ta là nước đi đầu trong việc xây dựng khung pháp lý liên quan đến an toàn thực phẩm. Hiện hệ thống pháp luật của ta cũng khó đồng bộ với 123 văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm ở Trung ương, chứ chưa nói đến cấp địa phương. Nhưng điều tra, xử lý hình sự chưa nhiều. Đó là do tổ chức thực hiện chứ không phải do Luật, còn cán bộ thì thiếu và yếu về chuyên môn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nguyên nhân, trách nhiệm là do cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của 3 Bộ, rồi chính quyền địa phương trong chỉ đạo kiểm tra xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, rồi trách nhiệm của người dân. Dẫn chứng việc người dân trồng rau luống này để ăn, luống kia để bán, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, phân luồng trong sản xuất tức là cố ý vi phạm chứ đâu phải nhận thức chưa tới. Cho nên cần nâng cao vai trò kiểm tra, kiểm soát, thanh tra từ trang trại cho tới bàn ăn nên sự phối hợp liên ngành là vô cùng quan trọng. Do đó cần kiểm tra từ khâu “đầu vào”, và bảo quản tiêu thụ sản phẩm chứ không phải “đầu cuối” là khâu chế biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ rõ địa chỉ sai phạm an toàn thực phẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO