Chỉ số APCI: Áp lực và sự cạnh tranh

Nguyên Khánh 18/08/2018 07:46

Sáng 17/8, Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ tục hành chính (APCI) lần đầu tiên được công bố, với những thông tin về gánh nặng thực thi thủ tục hành chính của doanh nghiệp. Việc công bố APCI kỳ vọng sẽ tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách thủ tục hành chính, buộc nền hành chính phải chuyển động.

Chỉ số APCI: Áp lực và sự cạnh tranh

Quang cảnh Hội nghị.

Doanh nghiệp phải chi 64 triệu đồng khi làm thủ tục xây dựng

Báo cáo APCI 2018 là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp (DN) và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định hiện hành. Việc thu thập thông tin về gánh nặng chi phí của DN được thực hiện trực tiếp với những DN đã thực hiện TTHC trong 6 tháng cuối năm 2017, dựa trên danh sách DN, tổ chức đã từng thực hiện TTHC thuộc 1 trong 8 nhóm TTHC tại tất cả tỉnh thành trên cả nước.

APCI chỉ ra, 2 trong số 3 nhóm thủ tục dẫn đầu với mức chi phí tuân thủ thấp nhất là nhóm thuế và nhóm hải quan, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì xây dựng Luật DN - có nhóm thủ tục đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng, gồm nhóm thủ tục khởi sự DN và thủ tục đăng ký kinh doanh.

4 nhóm TTHC về đất đai, đầu tư, môi trường và xây dựng có quan hệ mật thiết với nhau trong việc đầu tư xây dựng dự án có sử dụng đất của một DN và trong APCI 2018, 4 nhóm thủ tục này đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng. Trong đó, nhóm TTHC môi trường và nhóm TTHC xây dựng có mức chi phí tuân thủ TTHC ở nước cao cách biệt so với các nhóm thủ tục khác.

Cụ thể, nhóm TTHC thuế đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 với chi phí tuân thủ là 73,75 nghìn đồng; thời gian thực hiện trung bình của DN cho một thủ tục trong nhóm TTHC này chỉ là 2,9 giờ làm việc. Đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm TTHC Khởi sự doanh nghiệp/ Đăng ký kinh doanh, với chi phí tuân thủ là 720,7 nghìn đồng.

Thời gian thực hiện được ghi nhận là 10,5 giờ làm việc của doanh nghiệp. Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng là nhóm TTHC hải quan. Điều này phần nào phản ánh những nỗ lực cải cách của ngành Hải quan thời gian qua. Nhóm TTHC Đất đai đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng APCI 2018.

Đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng là nhóm thủ tục trọng tâm của cải cách từ 2017 - nhóm TTHC giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh. Theo đánh giá, các điều kiện đầu tư kinh doanh còn bất hợp lý, làm hạn chế gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của DN, tạo kẽ hở cho hành vi nhũng nhiễu.

Từ thứ hạng 6 đến 8 là 3 nhóm TTHC đầu tư, môi trường và xây dựng. Cùng với nhóm thủ tục đất đai, đây là nhóm thủ tục có quan hệ mật thiết trong việc đầu tư xây dựng dự án có sử dụng đất của một DN. Trong đó, nhóm thủ tục về Xây dựng đứng cuối cùng bảng xếp hạng APCI 2018 với chi phí tuân thủ lên tới 64,1 triệu đồng, gấp rất nhiều lần nhóm thủ tục quán quân của APCI 2018 là thuế.

Vênh nhau giữa các vùng miền

Báo cáo cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương.

Chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc. Mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung lại xấp xỉ mức trung bình trên cả nước.

Khi xét đến từng địa phương cụ thể, tỉnh có mức chi phí tuân thủ lớn nhất vượt mức trung bình cả nước 4 lần và gấp địa phương có mức chi phí nhỏ nhất tới 20,5 lần.

Lý giải về chi phí tuân thủ TTHC khác nhau ở các địa phương, ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ cho biết, chi phí tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cao do thời gian chuẩn bị hồ sơ dài, cộng với chi phí trực tiếp cao, gồm cả chi phí không chính thức và chi phí tư vấn. “Chi phí trực tiếp tại các tỉnh trọng điểm Bắc Bộ cao hơn so với các tỉnh trọng điểm phía Nam, đây là căn cứ để các địa phương chấn chỉnh, kể cả công tác cán bộ. Rồi nếu các dịch vụ tư vấn mà độc quyền thì chi phí tư vấn sẽ cao, nếu có nhiều đơn vị tư vấn thì chi phí sẽ giảm” - ông Phan phân tích và cho rằng, báo cáo sẽ tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách.

Chỉ số APCI: Áp lực và sự cạnh tranh - 1

Đồ họa: Dũng Choai.

Tạo áp lực, bắt cán bộ thay đổi lề lối làm việc

Theo doanh nhân Trương Gia Bình báo cáo với những con số biết nói cho thấy rất rõ địa phương làm tốt và không tốt trong cải cách TTHC. “Tại sao nơi này làm tốt mà nơi khác chưa làm tốt, do con người hay do điều kiện vật chất, do lãnh đạo không quan tâm? Nhờ những con số biết nói này từ đó, mới tìm ra được cách thức để kéo giảm chi phí thời gian và tiền bạc cho DN”.

“Tại sao lại có những địa phương làm tốt? Tôi cho rằng do cán bộ. Người đứng đầu cải cách thì địa phương đó cải cách”-Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu ý kiến và cho rằng: 8 nhóm mà APCI đã chỉ ra sẽ có bức tranh tổng thể về cải cách TTHC ở các bộ, ngành, địa phương. Địa phương nào làm tốt phải có đánh giá tốt. Cải cách nếu không quyết liệt, đồng bộ, không áp từ trên xuống thì cán bộ không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình. Nếu tạo áp lực bắt cán bộ phải chuyển động, chi phí thời gian và “lót tay” sẽ giảm rất nhiều. Như Quảng Ninh, Bắc Ninh thực hiện cơ chế 1 cửa, tất cả đều áp dụng công nghệ thì người dân, DN có muốn cám ơn cũng không biết là ai mà đưa.

Ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa phân tích, có sự lệch nhau giữa thực hiện các TTHC ở các bộ, ngành địa phương đều do yếu tố con người cả. Cán bộ mà không có đạo đức, không trau dồi nghiệp vụ, không đổi mới tư duy để thay đổi theo dòng thời cuộc thì “trời cứu”.

“Với lĩnh vực cải cách TTHC Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người và công nghệ. Có những bộ chỉ số thế này là đổi mới công nghệ. Có những bộ chỉ số thế này sẽ giúp kiểm soát tư cách con người. Lòng tham của cán bộ sẽ bị kiểm soát bởi công nghệ”- theo ông Thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ số APCI: Áp lực và sự cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO