Chỉ sợ lòng không bền...

Nam Việt 14/05/2021 09:00

Lịch sử cách mạng Việt Nam kể từ ngày 3/2/1930 khi Đảng ra đời cho thấy đất nước đã biết bao lần gặp những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nhưng rồi, với sự đoàn kết toàn dân, với niềm tin sắt son vào Đảng, vào Bác Hồ, chúng ta đã vượt qua mọi gian nan, hiểm nguy. Hôm nay, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, cũng vô cùng khó khăn. Vậy, cách gì để vượt qua? Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đến, ngày 19/5, lại nhớ Bác cùng lời căn dặn thiết tha của Người “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu thanh niên tham gia Đại hội Đoàn toàn quốc lần III (Hà Nội, năm 1961).

1. Trong cuốn Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, 1995, tập 6, trang 95 đăng toàn bộ bài thơ gồm bốn câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nhan đề “Khuyên Thanh niên”:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên

Kèm theo chú thích: Trung tuần tháng 9 năm 1950 trên đường đi Chiến dịch Biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch (Liên đội Thanh niên xung phong 312 được điều động đến sửa chữa cầu Nà Tu, Bắc Kạn), Người đã làm bài thơ này tặng thanh niên.

Sau này, nhạc sĩ Hoàng Hòa đã đưa cả 4 câu thơ trên vào ca khúc “Thanh niên làm theo lời Bác”, là bài hát chính thức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Lời Bác dạy thanh niên xung phong cũng chính là lời dạy bảo cho tất cả mọi người. Ở đời, việc khó thì nhiều, mấy ai đã được hanh thông. Ở đời, người gục ngã trước khó khăn cũng nhiều, người lảng tránh khó khăn cũng nhiều. Nhưng cũng rất nhiều người dám dũng cảm đương đầu với khó khăn, bình tĩnh vượt qua. Khó đến như “đào núi, lấp biển”, theo Bác Hồ, nếu bền lòng vững chí thì cũng sẽ làm được. Thấm thía lời dạy của vị lãnh tụ anh minh thì chúng ta sẽ vững bước trong cuộc đời. Và, cũng chính cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu hy sinh vì dân vì nước của Bác Hồ chính là tấm gương sáng chói về bản lĩnh, quyết tâm vượt lên gian khó. Ngay từ những ngày ấu thơ, sống trong cảnh nước mất nhà tan, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cũng đã phải chịu nhiều gian khó. Rồi những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã phải làm rất nhiều nghề để sống, để nuôi dưỡng khát vọng giải phóng dân tộc mình. Khi tóc đã hoa râm, trở về nước lãnh đạo cách mạng, Người cùng các đồng chí của mình phải ở trong những cánh rừng thâm u, trong hang đá lạnh giá. Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, lãnh đạo một đất nước hơn 90% người dân mù chữ, rồi nạn đói cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người Việt Nam. Khó khăn chồng chất. Cuối năm 1946, từ Hà Nội, Người lại rời Thủ đô, một lần nữa trở lại núi rừng Việt Bắc, xây dựng “thủ đô gió ngàn” để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quyết giành lại độc lập tự do cho nước nhà…

Khó khăn là thế, khó khăn không khác gì đào núi, lấp biển nhưng Người đã vượt qua hết thảy, để chúng ta có được đất nước Việt Nam vinh quang ngày hôm nay.

2. Tại buổi gặp gỡ các đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác toàn quốc năm 2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh sáng kiến của Trung ương Đoàn về cuộc sinh hoạt “Nhớ lời di chúc theo chân Bác” với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Trò chuyện với gần 400 đảng viên trẻ, Tổng Bí thư chia sẻ, chúng ta làm theo lời Bác, nhớ lời Bác dặn và theo chân Bác. Điều đó phải ngấm vào máu, vào khối óc và con tim của mình, trở thành những điều mình trăn trở suy nghĩ để hành động, làm theo Bác.

“Đã là đảng viên, trước hết phải tiên phong, gương mẫu. Tiên phong là đi đầu, còn gương mẫu là làm gương, làm mẫu cho mọi người noi theo” - Tổng Bí thư bày tỏ.

Lưu ý khi thực tế vừa qua có những cán bộ đã là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương mà vẫn bị kỷ luật, đi tù, Tổng Bí thư căn dặn phải luôn trau dồi, tu dưỡng đạo đức, học và làm theo Bác Hồ, trước hết là lối sống giản dị, phấn đấu vì lợi ích chung, không ngại khó khăn gian khổ. Muốn làm được điều này thì cán bộ đảng viên phải có đức, có tài. Đức đi đôi với tài, nhưng đức phải làm gốc. Có đức mới làm được những điều đúng đắn, nhân nghĩa.

Tổng Bí thư chia sẻ, đức không phải chỉ là ăn ở đối xử với nhau hàng ngày, mà cái đức phải là sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên tối cao, làm gì cũng phải vì đất nước, vì Tổ quốc trước tiên, đừng nghĩ đến mình vội… “Rất mong các đảng viên trẻ hôm nay gương mẫu, đi đầu, tiên phong, không ngại gian khó, như Bác Hồ đã dạy chúng ta” - Tổng Bí thư nói.

3. Những ngày này, dịch Covid-19 lại bùng phát với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Kể từ ngày 27/4, khi ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nam chính thức được xác nhận thì cũng là lúc chúng ta lại đối mặt với khó khăn. Vào thời điểm đầu năm 2020, khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 xâm nhập vào nước ta, cuộc chiến đấu bắt đầu. Lập tức, tuyến biên giới được khóa chặt. Trong suốt mấy tháng ròng, những chiến sĩ biên phòng ăn rừng ngủ lán, kiểm soát chặt chẽ tất cả những đường mòn lối mở, với quyết tâm chặn dịch ngay từ bên ngoài để giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Những “chiến sĩ áo trắng”, những cán bộ ngành y tế đối mặt trực tiếp với bệnh tật, kề cận hiểm nguy nhưng không hề nao núng.

Cho đến nay, chúng ta đã trải qua 3 đợt bùng phát dịch Covid-19, với những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Với niềm tin tuyệt đối vào chủ trương sáng suốt của Đảng, Nhà nước, những biện pháp đúng đắn của ngành y tế, toàn dân đã đoàn kết vượt qua khó khăn thử thách. Cuộc chiến đấu với “loại giặc” vô thanh vô ảnh không bao giờ là dễ dàng, khi mà thế giới chao đảo vì Covid-19. Chúng ta đã vượt qua 3 đợt dịch bùng phát với những tổn thất ít nhất, được thế giới thừa nhận là một hình mẫu về phòng, chống dịch. Trong đợt bùng phát mới này, một lần nữa toàn dân lại đoàn kết sát cánh, không ngại gian nan, đồng lòng chống dịch.

Tại những khu dân cư buộc phải phong tỏa, người dân vẫn bình tĩnh, không hề hoang mang dao động. Tất nhiên khi phải phong tỏa, giãn cách xã hội thì sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn, nhiều bất tiện phát sinh. Nhưng vì mình cũng là vì cộng đồng; phong tỏa, giãn cách là để cắt đứt nguồn lây nhiễm, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Tới ngày 8/5, đã có 9 bệnh viện phải phong tỏa, phun khử khuẩn. Trong đó có những bệnh viện tuyến cuối, những bệnh viện vô cùng quan trọng như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương (cơ sở 2), Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều. Bệnh viện chính là thành trì trong cuộc chiến chống dịch, nay thành trì đó gặp khó khăn. 14 giờ chiều ngày 6/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương phun khử khuẩn. 5 giờ sáng ngày 7/5 lại bắt đầu phun khử khuẩn cho Bệnh viện K. Quyết liệt, khẩn trương, bằng mọi cách bảo vệ sự an toàn cho các bệnh viện, không thể để “thành trì” sụp đổ. Chúng ta đều hiểu rằng, để làm được điều đó là vô cùng khó khăn. Để dập được dịch lần này vô cùng gian khó, khi mà chỉ trong vòng 10 ngày đã có 19 tỉnh, thành phố có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Năm 2020, dịch bệnh lan tràn, tăng trưởng (GDP) của thế giới ở mức âm 4%; thì Việt Nam ta với quyết tâm “vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế” đã đạt được mục tiêu kép khi mà dịch được dập nhanh, số ca lây nhiễm rất ít, số người tử vong rất ít và GDP vẫn tăng trưởng 2,9%. Năm 2021 này, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Nhưng dịch bệnh lại bùng phát, khó khăn lại ập đến khi buộc phải tạm ngừng hoạt động nhiều lĩnh vực. Đây chính là thời điểm vô cùng quan trọng khi phải nỗ lực hết mình để nền kinh tế không đổ gẫy, vừa thần tốc dập dịch, vừa phải phát triển kinh tế…

Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta lại nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Tháng Năm nhớ Bác, chúng ta càng quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, cùng nhau vượt qua gian khó. Dám đương đầu với gian khó mới trui rèn nên bản lĩnh can trường. “Chỉ sợ lòng không bền…”, đó chính là di huấn vô cùng quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để lại cho chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ sợ lòng không bền...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO