Chi thường xuyên: Vẫn là gánh nặng đè lên ngân sách

M. Loan-H.Vũ 25/10/2017 08:30

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Nhiều ý kiến cho rằng chi thường xuyên vẫn đang là gánh nặng đè lên ngân sách trong khi tinh giản biên chế chưa đạt hiệu quả, cần kéo giảm chi thường xuyên xuống 60-50% thì mới có tiền để chi cho đ


Các đại biểu thảo luận tại tổ sáng 24/10. (Ảnh: Quang Vinh).

Kể quá nhiều thành tích

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-công nghệ và môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ kể quá nhiều thành tích trong khi hạn chế tồn tại không được chỉ rõ. “Không phân tích sâu hạn chế để xác định nguyên nhân sao chỉ ra được giải pháp đúng” - ông Tiến đặt vấn đề. Đồng thời đưa ra phân tích: Tăng trưởng đạt 6,7% nhưng chi cho đầu tư phát triển cao. Chi đầu tư phát triển cao đương nhiên tăng trưởng sẽ tăng nhưng quan trọng phải quan tâm đến chất lượng tăng trưởng. Đơn cử như nhiều công trình trọng điểm đang đắp chiếu, lãng phí, đầu tư không hiệu quả, công nghệ lạc hậu, tham nhũng tiêu cực đang là những “lực cản” lớn đối với nền kinh tế.

ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cho rằng, chất lượng tăng trưởng còn chậm cải thiện, năng suất lao động chưa cao. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phân bón giả, kém chất lượng, lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen vẫn xảy ra. Còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình. Nói như lời Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực thì: “ Để đảm bảo các cân đối lớn thì cần đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Nhưng khi trình độ phát triển còn thấp thì điều này lại ảnh hưởng đến yêu cầu phát triển bền vững, GDP xanh. Nếu để đảm bảo tăng trưởng mà tăng vốn nhưng giải ngân chậm thì rõ ràng nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển bền vững”.

Còn theo ĐB Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh), tăng trưởng năm nay có thể đạt và vượt 6,7% nhưng Chính phủ cần giải trình thuyết phục hơn. Bởi, quý 4 nông lâm thuỷ sản sẽ giảm do thiên tai lũ lụt làm ảnh hưởng đến GDP. Ông Quốc cũng cho rằng tăng trưởng mà dựa quá lớn vào Samsung, Formosa là không ổn. “Samsung xuất khẩu 50 tỷ USD nhưng có tới 70% là nhập khẩu, trong khi chưa thấy gắn kết FDI với trong nước. Năng suất tăng do thâm dụng vốn chứ không phải do hiệu suất sử dụng vốn”-ông Quốc phân tích.


Cổ phần hóa nhanh mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển. (Ảnh: TL).

Chỉ rõ “địa chỉ” giải ngân, cổ phần hóa chậm

“Theo kế hoạch đến năm 2020 cổ phần hóa 240 doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn 250 ngàn tỷ đồng nhưng đến nay mới được có 18 doanh nghiệp. Tại sao chậm? Do cơ chế hay lợi ích nhóm”?- ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đặt vấn đề. Và ông cho rằng, nếu không quyết liệt sẽ dẫn đến thua lỗ lớn. “12 dự án của ngành công thương đầu tư 63 ngàn tỷ đồng nhưng lỗ đến 55 ngàn tỷ đồng.

Ông Hùng nói: “12 dự án này chiếm 12% vốn nhà nước. Cho nên cần rà soát đẩy mạnh cổ phần hóa. Chưa kể thống kê còn cho thấy còn nhiều dự án kém hiệu quả nữa. Vậy những dự án đó là của là ai? Bộ ngành nào? Phải chỉ rõ địa chỉ và công khai, nếu không sẽ dẫn đến thiếu niềm tin từ nhân dân. Đặc biệt, hiện còn 4/11 chương trình chưa được giải ngân. Vậy phải làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc giải ngân vốn chậm khiến không phát huy được hiệu quả của nền kinh tế”.

Còn ĐB Trần Xuân Hùng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam chỉ ra 3 lãng phí của nền kinh tế. Đó là nguồn nhân lực, đất đai và xây dựng cơ bản. Và ông đặt vấn đề: Tại sao nói mãi nhưng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm? Thoái vốn chậm nguyên nhân do đâu? Vì lý do gì? Bộ, ngành nào chậm? “Chúng ta chưa có giải pháp triệt để chỉ có khẩu hiệu chung chung là “quyết liệt” thì cứ mãi thế này. Cổ phần hóa nhanh mới thúc đẩy kinh tế phát triển. Kinh tế tư nhân làm ăn có lãi nhưng cứ vào tay doanh nghiệp nhà nước thì lại thua lỗ. Doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế. Nếu không thúc đẩy được thì kinh tế đất nước không thể phát triển cho nên cần làm quyết liệt hơn nữa”-ông Hùng bày tỏ.

Theo ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long), đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề lớn nhưng thực hiện đang còn hạn chế, triển khai chậm, trong đó cử tri rất bức xúc vì giới hạn mức hạn điền dẫn đến khó tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp. Do đó, Chính phủ cần xem xét thực tiễn hiện nay trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Điều 129 trong Luật Đất đai để nông dân tích tụ làm ăn.

Nhấn mạnh hiện ngân sách vẫn đang “nặng gánh” với việc chi thường xuyên dù đã nỗ lực trong việc tinh giản biên chế. Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể, việc sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu quả chưa cao, phần chi cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng còn lại rất ít. Trong khi đó, nguồn vốn huy động xã hội giữ vai trò rất lớn cho việc làm hạ tầng thì hiện lại đang bị ảnh hưởng rất nhiều từ câu chuyện BOT giao thông. “Không có đầu tư hôm nay sẽ ảnh hưởng cho nhiều năm sau đó. Vậy cần sử dụng vốn nhà nước một cách tiết kiệm hiệu quả. Còn với vốn tư nhân, cần tập trung trí tuệ để đề ra được giải pháp thu hút vốn trong dân, vốn nhàn rỗi, tạo điều kiện có lợi nhuận cho doanh nghiệp vì nếu không doanh nghiệp dù có tiền cũng không thể đầu tư cho xã hội”- ông Thể nói.

Cần giải pháp mạnh mẽ

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cử tri rất ủng hộ chống tham nhũng cho nên cần dẹp một số trong 12 dự án thua lỗ đắp chiếu ngàn tỷ đồng; vì cứ mỗi tháng mất đi cả mấy trăm tỷ đồng. Cho nên Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, dứt khoát hơn. Hội nghị Trung ương có cảnh báo về bộ máy, chi thường xuyên lên tới 70% ngân sách, chúng ta phải vay nợ do đó cần đưa xuống mức 60-50%. Đáng lưu ý hơn nữa là bội chi do chi nhiều quá chứ không phải do giảm thu. Bởi thu thuế, và phí của ta cao hơn nhiều nước trong khu vực, trong đó phí BOT đang đè nặng lên người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chi thường xuyên: Vẫn là gánh nặng đè lên ngân sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO