Chìa khóa cơ chế

Chu Ninh 04/04/2016 00:18

Thực tiễn đã chứng minh rằng, việc thiết kế, vận hành cơ chế phù hợp là chìa khóa khơi thông nguồn lực xã hội, tạo động lực phát triển, thậm chí trở thành phép màu cho một đất nước lột từ xác nghèo nàn thành quốc gia thịnh vượng.

Chìa khóa cơ chế

Ảnh minh họa.

Nhu cầu áp dụng cơ chế thích hợp cho các đô thị đặc biệt từ lâu đã được đặt ra một cách cấp thiết. Cơ chế hợp lý không chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh văn bản dưới luật về phân cấp, phân quyền phù hợp ở một vài lĩnh vực cá biệt trong quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương. Hơn thế nữa, là xây dựng mô hình chính quyền địa phương phù hợp với đòi hỏi thực tiễn, hợp hiến, hợp pháp, tạo cơ sở pháp lý bền vững lâu dài.

Mô hình chính quyền địa phương thực sự của dân, do dân, vì dân trong Nhà nước pháp quyền phải bảo đảm cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu, phòng tránh một cách căn cơ vấn nạn cơ chế “xin – cho”, đồng thời phát huy sự năng động, chủ động, sáng tạo, đáp ứng đòi hỏi đột phá hiện nay của đất nước. Yêu cầu phát triển mang tính đột phá để giảm khoảng cách tụt hậu với bên ngoài đang tiếp tục đặt ra bài toán cấp thiết - tạo dựng cơ chế phù hợp với từng địa phương nhằm phát huy thế mạnh riêng, tránh rập khuôn theo kiểu các tỉnh thành “mặc chung một chiếc áo”.

Trên thực tế ở nước ta, một số văn bản về phân cấp quản lý nhà nước đã được ban hành. Thế nhưng, các quy định đó vẫn khá chung chung, không cụ thể, không rõ ràng và nhất quán. Trong khi đó, để tăng cường tính chủ động, năng động và tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền địa phương, của mỗi tỉnh, thành phố cần phải định rõ và đầy đủ thẩm quyền cho địa phương, cho cấp dưới. Yêu cầu phát triển nền kinh tế xã hội đòi hỏi nguyên tắc việc gì, ở cấp nào có điều kiện và khả năng thực hiện tốt nhất thì hãy phân giao đầy đủ quyền hạn và bảo đảm những điều kiện cần thiết cho cấp đó giải quyết. Cơ quan được phân giao thẩm quyền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Các cơ quan chính quyền cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng không can thiệp, làm thay cấp dưới.

Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều năm qua, không ít lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và các giới chức vẫn thấm thía, tâm huyết với việc xây dựng cơ chế đặc thù đối với một siêu đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh. Nhu cầu xây dựng mô hình chính quyền đô thị áp dụng cơ chế cởi mở để đột phá phát triển, có sự bảo đảm việc trung ương phân cấp, phân quyền, ủy quyền đủ mạnh cho thành phố. Điều ấy không phải chung chung mà phải là mô hình cụ thể, gắn liền với kỳ vọng lớn lao, tạo đột phá phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đô thị đặc biệt đóng vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Ngoài nhu cầu bức bách cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, phải thấy rằng nhu cầu về mô hình chính quyền đô thị đang là vấn đề chung trong tiến trình đô thị hóa nhiều địa phương trên cả nước. Sự khác biệt trong quản trị kinh tế-xã hội đô thị và nông thôn đặt ra yêu cầu thiết kế mô hình chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn.

Đô thị, đặc biệt đối với các đô thị lớn là những đơn vị hành chính có mật độ dân cư tập trung đông, cơ sở hạ tầng thống nhất, các lĩnh vực quy hoạch đô thị, quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở như điện, nước, đường giao thông, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, tổ chức đời sống dân cư, có tính chất liên thông trên toàn địa bàn. Quản lý đô thị đòi hỏi phải bảo đảm tính thống nhất và tập trung xuyên suốt các hoạt động kinh tế - xã hội trong toàn đô thị, không nên chia cắt, phân cho nhiều cấp chính quyền.

Những khiếm khuyết trong mô hình tổ chức hiện hữu ở nhiều thành phố, nhất là việc tổ chức chính quyền đầy đủ nhiều cấp như TP Hồ Chí Minh, đã chỉ ra nguyên nhân làm cho các quyết định, mệnh lệnh quản lý của chính quyền thành phố, thị xã xuống tới quận, phường đã bị cắt khúc, triển khai chậm chạp. Thực tiễn đã nhận diện được có những công việc qua “cấp trung gian” làm chậm tiến trình hành pháp, gia tăng các bước hành chính, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.

Nhìn lại lịch sử những ngày đầu thành lập chính quyền nhân dân, ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta đã từng có sự phân biệt rõ sự khác nhau trong việc quản lý và tổ chức bộ máy chính quyền ở địa bàn nông thôn (tỉnh) với quản lý và tổ chức bộ máy chính quyền ở địa bàn đô thị (thành phố). Tính chất, chức năng rất khác nhau của các đơn vị hành chính cơ bản (xã, tỉnh, thành phố) với các đơn vị hành chính trung gian (kỳ, huyện, khu phố).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành hai sắc lệnh riêng để quy định về hai mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn (xã, huyện, tỉnh, kỳ theo Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945) và mô hình tổ chức chính quyền ở địa bàn đô thị (thành phố, khu phố theo Sắc lệnh số 77/SL ngày 21/12/1945) là khác nhau.

Theo hai sắc lệnh này, ở các đơn vị hành chính cơ bản là tỉnh, xã và thành phố tổ chức cấp chính quyền hoàn chỉnh, có cả HĐND và ủy ban hành chính; ở các đơn vị hành chính trung gian là kỳ, huyện và khu phố chỉ tổ chức ủy ban hành chính. Những giá trị lịch sử, pháp lý trong thực tiễn xây dựng chính quyền địa phương cách đây 70 năm đến nay vẫn nguyên giá trị thời sự nóng bỏng cần tham khảo.

Việc nghiên cứu tổ chức các cấp chính quyền địa phương với những thiết kế, cơ chế phù hợp với tính đa dạng của các địa phương, phản ánh được các đặc điểm và điều kiện đặc thù của mỗi nơi nhằm phát huy tính chủ động, năng động, các tiềm năng, cũng như đặc điểm của từng đơn vị hành chính. Trong đó, yêu cầu về xây dựng mô hình chính quyền đô thị đã được dự liệu trong Hiến pháp 2013 và Luật chính quyền địa phương. Mô hình chính quyền đô thị không chỉ giải quyết bài toán tìm cơ chế phát huy nguồn lực nội tại hữu hiệu của đất nước, mà còn tạo sự tương thích trong hội nhập, hợp tác quốc tế thu hút nguồn ngoại lực.

Xu hướng của nhà nước dân chủ trong thời đại văn minh ngày nay khuyến khích tổ chức chính quyền địa phương theo nguyên tắc tăng cường khả năng tự quản, tự chịu trách nhiệm. Việc nghiên cứu tập quán tự quản địa phương theo truyền thống làng xã ở nước ta và việc tiếp thu những kinh nghiệm tổ chức tự quản địa phương bên ngoài có ý nghĩa thiết thực. Bên cạnh cơ sở thực tiễn sinh động như ở TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, thì nhiều thành phố khác trên cả nước đang phát triển đô thị hóa nhanh chóng,chắc chắn sẽ sớm đối mặt với nhu cầu thiết kế chính quyền đô thị phù hợp.

Giải bài toán chìa khóa cơ chế là vấn đề cấp thiết để từng địa phương phát triển, nhất là tạo điều kiện để đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh bứt phá. Thiết kế mô hình phù hợp, kiện toàn tổ chức chính quyền địa phương góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chìa khóa cơ chế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO