Chia sẻ và giám sát quyền lực

Tùng Linh (ghi) 06/12/2020 07:12

Tuần qua, vấn đề nóng nổi lên trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là câu chuyện tự chủ của các trường đại học (ĐH).

Tại tọa đàm “Tự chủ đại học ở Việt Nam không thể nửa vời”, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, tự chủ ĐH là xu thế tất yếu. Khi các trường được trao tự chủ, việc ra quyết định được nhanh hơn, sát thực hơn và linh hoạt hơn rất nhiều.

PGS TS Hoàng Minh Sơn.

Nói về lí do cần tự chủ ĐH, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Tự chủ ĐH rất toàn diện, bao gồm tự chủ về việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, về tổ chức và nhân sự, về tài chính. Tuy nhiên, tự chủ tài chính không có nghĩa là các trường phải tự lo kinh phí hoạt động. Bởi đào tạo ở bậc ĐH là một dịch vụ công đặc biệt. Khi đó phải có sự chia sẻ kinh phí giữa các bên lợi ích liên quan, Nhà nước với người học cũng như xã hội. Vì vậy mà Nhà nước cũng phải có trách nhiệm cấp kinh phí, bên cạnh sự đầu tư kinh phí của trường ĐH, còn người học thì cũng phải chi trả một mức kinh phí (học phí) để phù hợp với lợi ích đạt được, là đầu tư cho tương lai chứ không phải tự chủ là tự lo kinh phí hoạt động, và các trường không được quyền tự tăng học phí, mà phải theo quy định của Nhà nước.

Khi tự chủ ĐH, các trường cũng phải thực hiện việc quản trị trường với một mức độ trách nhiệm phù hợp, và được quyền phân cấp rất mạnh so với trước kia. Hiểu một cách đơn giản, tự chủ liên quan rất nhiều thứ, đến quan hệ giữa cơ quan nhà nước với một trường ĐH. Khi mà trường ĐH thực hiện tự chủ thì Nhà nước sẽ giảm dần sự can thiệp hành chính mà trao quyền cho các cơ sở giáo dục ĐH. Bản thân trường ĐH khi được tự chủ nhiều hơn thì những trách nhiệm đó, quyền lực đó được chia sẻ cho các thiết chế khác nhau, thậm chí phân cấp xuống các đơn vị, xuống các cá nhân.

Ảnh minh họa.

Về lợi ích của trường ĐH, giảng viên, sinh viên khi một trường ĐH thực hiện tự chủ, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói: Khi mà các trường được trao quyền tự chủ, trước hết việc ra những quyết định được nhanh hơn, sát thực hơn và linh hoạt hơn. Ở trong trường, nếu cơ chế quản trị tốt thì người ta sẽ trao quyền tiếp cho các cấp ở dưới cho đến từng cán bộ. Và khi đó tạo ra sự năng động, chủ động trong toàn hệ thống. Từ sự năng động sáng tạo của toàn hệ thống đó mới khai thác được thế mạnh về trí tuệ, nguồn lực của cả một trường. Cuối cùng đem lại được hiệu quả, nâng cao được chất lượng hoạt động giảng dạy, hoạt động nghiên cứu, phục vụ cộng đồng. Và mang lại lợi ích cho người học, cho xã hội. Đương nhiên, qua việc triển khai này, khi đã đem lại lợi ích cho người học, cho xã hội, bản thân trường đó cũng ngày càng có uy tín hơn, có thương hiệu, được phát triển bởi những chỉ số như vậy.

Trước đây khi chưa thực hiệc cơ chế tự chủ thì hiệu trưởng là người điều hành toàn bộ hoạt động của nhà trường. Vậy tại sao khi thực hiện cơ chế tự chủ, dứt khoát phải thành lập Hội đồng trường? -Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Khi các trường được quyền tự chủ cao hơn tức là Nhà nước đã giao quyền, tăng các quyền cho các trường. Và một số quyền đó liên quan tới những lợi ích chung của các bên liên quan về việc sử dụng tài sản, tài chính, định hướng… Trước kia và đến nay, hiệu trưởng vẫn tiếp tục điều hành các hoạt động của nhà trường nhưng cơ quan quản trị sẽ quyết định những vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến nguồn lực, phân bổ nguồn lực và giám sát việc thực hiện đó. Cho nên nếu một mình hiệu trưởng thì sẽ không đủ sức để làm. Những hoạt động gì liên quan đến lợi ích của nhiều bên thì cần phải có quyết định sáng suốt, quyết định tập thể để làm sao hài hòa được lợi ích các bên.

Điểm thứ hai là Hội đồng trường cần phải chia sẻ trách nhiệm với hiệu trưởng. Khi hiệu trưởng điều hành mọi hoạt động trường nhưng lại phải chịu trách nhiệm về rất nhiều thứ khác để quyết định nguồn lực đầu tư, phân bổ tài chính thế nào thì rõ ràng quá sức của hiệu trưởng, và khi đó một mình hiệu trưởng không gánh vác được hết trách nhiệm. Vì vậy, Hội đồng trường vừa là để chia sẻ quyền lực vừa là để giám sát quyền lực. Trong một trường ĐH tự chủ cần phải có hai cơ chế rất tách biệt, cơ quan quản trị và cơ quan quản lý, điều hành.

Đổi mới là một quá trình, kèm theo đó là sự thay đổi nhận thức. Nếu một trường ĐH nào đó chưa có Hội đồng trường thì đương nhiên hiệu trưởng sẽ không thấy được vai trò quan trọng của Hội đồng trường như thế nào mà chỉ thấy luật yêu cầu như thế thì nghĩ là phải làm như vậy. Nếu tìm hiểu kỹ về câu chuyện quản trị thế nào và quản lý, điều hành như thế nào thì người hiệu trưởng sẽ thấy rõ. Còn nếu chúng ta chưa thực hiện, chưa có Hội đồng trường thì từ trước đến nay hiệu trưởng vẫn làm thế và nghĩ rằng không cần thiết. Tuy nhiên, khi thực sự bắt tay vào thực hiện theo cơ chế tự chủ thì các hiệu trưởng sẽ nhận ra Hội đồng trường là rất quan trọng và không thể thiếu được.

Trước những điểm nghẽn về việc tự chủ giáo dục ĐH kể trên, có ý kiến cho rằng nên thành lập một Ban Chỉ đạo quốc gia về đổi mới giáo dục ĐH để “khơi thông” những khó khăn, vướng mắc. Về điều này, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh: “Đổi mới giáo dục ĐH là một quá trình gặp rất nhiều khó khăn thách thức, và rất quan trọng trong giai đoạn tới, đặc biệt là xoay quanh vấn đề tự chủ ĐH. Câu chuyện đổi mới này liên quan tới rất nhiều bộ ngành, địa phương, các trường ĐH chứ không chỉ của các trường ĐH với Bộ GDĐT. Vì vậy tôi nghĩ việc thành lập một Ban Chỉ đạo quốc gia về đổi mới giáo dục ĐH hay về tự chủ ĐH là rất cần thiết. Nhưng chúng ta cần khẳng định không phải chỉ mỗi việc thành lập mà quá trình hoạt động của Ban Chỉ đạo này mới là cái quan trọng. Khi thành lập thì nó phải giao nhiệm vụ rất rõ, phối hợp công tác rất rõ”…

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, từ năm 2014, đã có 23 cơ sở GDĐH bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77. Đến nay hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam.

Một số chỉ số hoạt động của 23 cơ sở này: Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%; tỉ lệ tuyển được trong tuyển sinh ĐH/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%; số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% chương trình đào tạo được kiểm định của toàn quốc; số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần; tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần (mặc dù ngân sách nhà nước cấp giảm 2,1 lần); có 4 trường lọt vào bảng xếp hạng QS Asia 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chia sẻ và giám sát quyền lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO