Chiến dịch giải cứu nông sản

Quang Ngọc 09/03/2021 09:00

Những ngày qua chúng ta đã chứng kiến một “chiến dịch giải cứu” rầm rộ: giải cứu nông sản của bà con Hải Dương - địa phương chính thức phong tỏa để chống Covid-19 kể từ ngày 16/2. Phòng, chống dịch một cách quyết liệt là việc rất cần thiết, nhưng cũng từ đó đã xuất hiện tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, kể cả kỳ thị, đã đẩy tình hình đến chỗ căng thẳng. Sản phẩm làm ra của bà con vùng dịch bị chặn lại rất khó lưu thông, tiêu thụ được rất ít với giá “rẻ như cho”.

Nhiều điểm “giải cứu” nông sản cho Hải Dương. Ảnh: Đức Anh.

Kiến nghị từ Bộ Công Thương

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản số 901/BCT-TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản cho các địa phương vùng dịch.

Công văn này với tinh thần đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa không gây tác động xấu đến nền kinh tế, không để chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu đứt gãy. Từ đó, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế cần có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như thời gian qua.

Công văn cũng đề nghị việc huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm hỗ trợ các tỉnh có dịch Covid-19, đặc biệt là bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch Covid-19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh; Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải có hướng dẫn thống nhất và quy định rõ các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa để lưu thông hàng hóa qua các địa bàn có và không có dịch bệnh.

Về phía các địa phương, Bộ Công thương đề nghị thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt, cam kết không để tình trạng “ngăn sông cấm chợ” diễn ra trên địa bàn; các địa phương ưu tiên tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho đội ngũ lái xe và người áp tải hàng...

Đặc biệt, các địa phương cần chấp nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của người điều khiển phương tiện vận tải đến từ vùng dịch của các đơn vị xét nghiệm được ngành y tế chỉ định; chủ động liên hệ làm việc với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kinh nghiệm để tổ chức các mô hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của mình bảo đảm phòng chống Covid-19 hiệu quả.

Như vậy, với tình hình thực tế, theo Bộ Công thương, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc chủ yếu là do các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương. Những ngày qua, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu khiến hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Nỗi khổ người dân vùng dịch

Xã Yết Kiêu (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) là vựa gà giống lớn nhất miền Bắc, cung cấp trên dưới 10 vạn con/ngày. Nhưng nạn “ngăn sông cấm chợ” đã khiến người chăn nuôi, người kinh doanh khóc ròng. Vì rằng gà giống không xuất bán được, gà bố mẹ vẫn phải cho ăn. Gà thải loại đẻ kém lẽ ra đã bán để giết thịt thì nay vẫn vẫn còn ở chuồng, ngày nào cũng ăn một lượng lớn cám. Những hộ chăn nuôi lớn dù không bán được gà thì vẫn phải thuê công nhân chăm sóc, vẫn phải trả lương.

Một hộ chăn nuôi cho biết, trong vòng 15 ngày (chính xác là từ ngày 16/2 khi Hải Dương thực hiện phong tỏa toàn tỉnh), mỗi ngày lỗ khoảng 30 triệu đồng, trong đó khoảng 8 triệu đồng tiền cám cho số gà thải loại chưa bán được. Cũng thật đáng lo ngại là trong suốt năm 2020, cũng do dịch bệnh, tiêu thụ kém, nên nhiều hộ chăn nuôi lỗ đến tiền trăm triệu. Chưa kịp gượng dậy thì nay lại gặp cái nạn “ngăn sông cấm chợ”, thương lái tỉnh ngoài vào không được, người chăn nuôi cũng khó vận chuyển ra bên ngoài.

Một người chăn nuôi ở xã Yết Kiêu cho biết, với gà giống, cứ 2 ngày cho ra một lứa khoảng 15.000 con nhưng tiêu thụ rất khó khăn do xe chở gà không qua được các chốt kiểm dịch của các tỉnh lân cận. Thậm chí, chỉ xin đến chốt kiểm dịch sẽ bốc hàng chuyển xe nhưng vẫn bị chặn, không lưu thông được. Nhất là từ Hải Dương đi Hải Phòng, Nam Định thì đều không qua được chốt. Có người đã đành đổ bỏ xuống ao cho cá ăn.

Người chăn nuôi gà ở xã Yết Kiêu cho biết, gà giống phải bán được với giá thấp nhất là 6.000 đồng/con mới hoà vốn. Nhưng nay không bán được. 6.000 đồng nhân lên với khoảng 10.000 con gà con là một số tiền rất lớn. Giữ chúng lại, mua cám cho ăn thì rất tốn kém mà cũng không biết bao giờ mới bán được. Khó khăn chồng chất.

Với người nuôi gà đẻ bán trứng, với giống gà lương phượng, tiền cám cho ăn đã hết khoảng 4.000 đồng/ngày/con. Nhưng trứng chỉ bán được được 1.700-1.800 đồng/quả. Đem ấp nở cũng lỗ mà để bán trứng cũng lỗ nặng.

Hy vọng xe gà giống sẽ qua được chốt để xuất bán kịp thời - đó là “mơ ước” của người chăn nuôi xã Yết Kiêu. Cùng chung tâm trạng, bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương cho biết, các lò ấp nở gà giống tại xã Yết Kiêu gặp rất nhiều khó khăn khi mà xe chở gà không qua được chốt kiểm dịch của các tỉnh lân cận. Xã Yết Kiêu có 45 lò ấp. Với những hộ ký hợp đồng với trang trại gà ở các tỉnh khác để mua trứng về chuyên ấp nở thì dịp này còn giảm tải được. Nhưng với nhiều hộ trong xã chăn nuôi gà bố mẹ lấy trứng đem ấp nở luôn để bán con giống thì đang lỗ nặng.

“Có hộ chăn nuôi gọi điện kêu cứu vì gà không xuất đi được, nguy cơ đem đổ xuống ao cho cá ăn. Lúc đó chỉ thu được về 200.000-300.000 đồng/vạn con gà” - bà Đào lo lắng. Chưa hết, vẫn theo bà Đào, có cả hàng trăm container nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mắc kẹt ở cảng do vướng chốt kiểm dịch, trong khi chi phí lưu kho bãi 500.000-800.000 đồng/ngày/container hàng.

Đó là với người nuôi gà chỉ của một xã, còn thì trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương, biết bao người trồng trọt, chăn nuôi cũng lâm vào tình thế khó nhăn. Chỉ vì là run rủi trở thành người vùng dịch một cách bất đắc dĩ.

Không thể ứng xử cực đoan

Những tấm lòng đối với bà con vùng dịch thật là đáng quý, nhưng từ đây cũng cần nhìn nhận lại vấn đề một cách rõ ràng hơn. Trong trường hợp của tỉnh Hải Dương, thì đây không phải lần đầu một địa phương, một khu vực bị phong toả, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, song đáng tiếc là vẫn chưa có hướng dẫn nào cụ thể, mang tính hệ thống trong việc hỗ trợ, lưu thông hàng hoá từ vùng có dịch. Vì thế đã xuất hiện tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, mỗi nơi làm một cách. Chẳng hạn Bắc Ninh, Quảng Ninh yêu cầu trên xe chỉ có duy nhất 1 lái xe, không được có thêm người thứ hai. Hải Phòng yêu cầu lái xe phải có giấy xét nghiệm PCR chứng minh âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày gần nhất. Còn Thái Bình không đòi hỏi bất cứ xét nghiệm nào, chỉ cần người điều khiển khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện.

Cơ quan chức năng cũng không có khẳng định rõ ràng nào trước lo ngại SARS-CoV-2 có thể lây truyền qua hàng hoá hay không. Cùng đó là chuyện hiểu lầm khi một vài huyện ở tỉnh Hải Dương có dịch nhưng cả tỉnh lại bị coi là “ổ dịch”. Từ đó dẫn đến những ứng xử cực đoan.

Cũng cần nhắc lại, tại cuộc họp giao ban của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết và phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phòng dịch phải gắn với đời sống và giải phóng hàng hóa. Nếu không, cho dù các chiến dịch giải cứu rầm rộ, kéo dài đi chăng nữa thì cũng không giải quyết được triệt để vấn đề. Người dân trong vùng có dịch đã khổ lại càng khổ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiến dịch giải cứu nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO